Ngôi làng 75 năm tạo nên những lá cờ Tổ quốc

Người dân Việt Nam đã quen với việc treo cờ Tổ quốc trong các dịp lễ Tết nhưng có lẽ ít người biết đến nơi tạo ra những lá cờ đỏ sao vàng.

Theo các cụ cao niên làng Từ Vân (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) kể lại, từ xa xưa, nơi đây đã nổi tiếng bởi các sản phẩm thêu, dệt truyền thống. Vào tháng 8/1945, các nghệ nhân đã được Ủy ban kháng chiến kêu gọi thêu cờ Tổ quốc chuẩn bị cho khởi nghĩa Cách mạng tháng 8.

Nghề may cờ Tổ quốc có nhiều cái khó so với các nghề may thêu khác và kỳ công từ khâu chọn vải, thêu, in, pha màu... Làm sao để cờ may xong không chỉ chính xác về tiêu chuẩn mà phải sắc nét, bền đẹp.

Nghề may cờ Tổ quốc có nhiều cái khó so với các nghề may thêu khác và kỳ công từ khâu chọn vải, thêu, in, pha màu... Làm sao để cờ may xong không chỉ chính xác về tiêu chuẩn mà phải sắc nét, bền đẹp.

Trong dòng người náo nức và rừng cờ phấp phới trên quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945 đã có những lá cờ đỏ sao vàng được tạo nên bởi bàn tay tài hoa của những người thợ làng Từ Vân. Từ đó cho đến nay, người dân làng Từ Vân vẫn luôn tự hào về nghề may cờ Tổ quốc và vẫn còn đó những thế hệ được kế thừa và tiếp nối nghề thêu cờ Tổ quốc vinh quang của làng.

Trong những ngày cả nước đang hướng về kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9 cũng là lúc những người thợ may cờ của làng nghề Từ Vân lại tất bật hơn bao giờ hết.

Trong những gia đình có truyền thống nhiều đời may cờ không thể không nhắc đến gia đình anh Nguyễn Văn Phục (45 tuổi). Anh Phục được truyền nghề từ bố mẹ ruột của mình và chính bản thân cũng đang truyền lại cho các con của mình.

Con trai của anh Phục đang phụ bố ở công đoạn cắt vải.

Anh Phục chia sẻ, khi anh mới chỉ là cậu thanh niên 17 tuổi, bố của anh đã tận tay dạy anh làm từng công đoạn một. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm cờ phải thực sự khéo léo, tỉ mẩn trong từng đường kim, mũi chỉ. May cờ khó nhất là khâu đính sao vàng ở chính giữa sao cho cân đối.

Mới đầu gia đình chỉ là một cơ sở may đo cờ nhỏ lẻ, làm thủ công. Sau này, khi anh Phục lập gia đình riêng, anh đã tự tìm tòi, học hỏi những thiết bị công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất và chất lượng của những chiếc lá cờ để phục vụ cả nước.

Không chỉ có các mặt hàng cờ Tổ Quốc, xưởng may của gia đình anh Phục còn sản xuất các loại cờ treo, cờ dây, băng rôn, cờ lưu niệm...

Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh COVID-19, xưởng may của anh Phục cũng như nhiều gia đình khác cũng gặp nhiều ảnh hưởng. Đa phần những dịp lễ, kỷ niệm bị hoãn, Đại hội các cấp ban ngành thì lùi lại, ngay cả đến việc khai giảng năm học mới cũng có khả năng phải chuyển sang hình thức trực tuyến. Chính vì vậy, số lượng khách đặt hàng đã giảm đáng kể.

"Trong khi nhiều người tìm công việc khác để mưu sinh thì tôi vẫn muốn theo đuổi công việc này. Hơn nữa, tôi muốn truyền nghề cho các con của mình để thế hệ sau cảm nhận được giá trị thiêng liêng khi làm ra những lá Quốc kỳ", anh Phục tâm sự.

Người dân làng Từ Vân vẫn luôn tự hào về nghề may cờ Tổ quốc và được những thế hệ sau tiếp tục kế thừa, tiếp nối.

Em Nguyễn Văn Nam (17 tuổi) con trai thứ hai của anh Phục vừa đứng bấm máy cắt vải vừa kể chuyện với chúng tôi: "Được sinh ra trong gia đình có truyền thống làm cờ em cũng rất tự hào. Sau này nếu không học đại học, em sẽ về làm may cờ như ông nội và bố".

Được biết, sản phẩm cờ Tổ quốc của làng Từ Vân không chỉ cung cấp cho khắp mọi miền trên cả nước mà còn đến với các miền biên giới đất liền, hải đảo. Chiếc lá cờ đỏ sao vàng luôn hiên ngang tung bay trước gió, khẳng định độc lập chủ quyền biên giới Quốc Gia.

Lương Hạnh - Hoàng Chiến

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ngoi-lang-75-nam-tao-nen-nhung-la-co-to-quoc-20200829160429658.htm