Ngồi lại với 'Cảm xúc 30 năm'

Năm 2020 đã đánh dấu cột mốc 30 năm kể từ khi ca nhiễm H đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam. Vừa qua, chiến dịch Cảm xúc 30 năm đã được Hội Phòng chống HIV/AIDS TPHCM, CLB Bầu Trời Xanh, Phòng khám Nhà Mình khởi động, nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1-12) và Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS.

“Lúc đó làm gì có thuốc uống đâu, mẹ mình chạy hết cái thị xã để hỏi cách trị bệnh cho mình. Bên nội thấy mình nằm một chỗ nên không ai dám đến gần, tại ai cũng sợ bị lây. Điều mình hối hận đến bây giờ là chưa nói một lời cảm ơn nào với mẹ trước khi mẹ ra đi mãi”. Đó là lời tâm sự của một bạn trẻ sống cùng HIV (H) gửi tới anh Nguyễn Anh Phong, Phó Chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS tại TPHCM, được ghi lại trong nhật ký tư vấn.

Năm 2020 đã đánh dấu cột mốc 30 năm kể từ khi ca nhiễm H đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam. Vừa qua, chiến dịch Cảm xúc 30 năm đã được Hội Phòng chống HIV/AIDS TPHCM, CLB Bầu Trời Xanh, Phòng khám Nhà Mình khởi động, nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1-12) và Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS. Đây là chiến dịch để cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ có thể nhìn lại, thấy được quãng đường đã qua đó, để đồng hành bước tiếp đến tương lai với mục tiêu “chấm dứt AIDS tại Việt Nam” vào năm 2030. Chương trình sẽ diễn ra từ 15-11 đến hết ngày 15-12.

Theo anh Nguyễn Anh Phong, Trưởng ban tổ chức chiến dịch, sau 30 năm, những mảng màu u ám, bi quan ban đầu đã được xóa mờ, thay thế bằng những nỗ lực tích cực hơn. Từ một cộng đồng bị phân biệt đối xử, thiếu thốn những điều kiện sống cơ bản, họ đã có thể có công việc ổn định, có cuộc sống gia đình mà không phải ám ảnh với việc lây nhiễm cho người thân. Chuỗi hoạt động bao gồm sự kiện khởi động chiến dịch, quảng bá truyền thông, sự kiện Đêm cảm xúc 30 năm và các triển lãm offline lẫn online. Trong đó, điểm nhấn là Đêm cảm xúc 30 năm với mong muốn mang những câu chuyện thực tế về HIV/AIDS tiếp cận nhiều người, nhiều bạn trẻ để có cái nhìn đúng đắn và sẻ chia.

“Đây sẽ là triển lãm những tài liệu, hình ảnh nhân vật người sống với H trong suốt nhiều năm qua đã vươn lên. Đó cũng là không gian cho mọi người cùng ngồi lại, san sẻ yêu thương, để không ai một mình và “không còn khoảng cách”. Hy vọng, tất cả câu chuyện của những bạn trẻ đã ra đi vì H mà gia đình, là mẹ, là cha gửi về trong triển lãm với mong muốn chia sẻ bài học của con mình với cộng đồng để nhìn thấy và đừng như con họ, đừng như gia đình họ, phải mất đi những người con, đừng như người thân của họ phải chịu sự kỳ thị… sẽ có sự tác động với cộng đồng”, anh Phong nói.

Trong chuỗi hoạt động sẽ đẩy mạnh lan tỏa sự hiện diện hình ảnh và thông tin chiến dịch trên mạng xã hội như Facebook, YouTube, TV… tiếp cận đến nhiều nhóm cộng đồng, các bạn trẻ. Vừa thay đổi ảnh đại diện Facebook để hưởng ứng chiến dịch, bạn Nguyễn Trần Ngọc Sương (29 tuổi, quận Bình Thạnh, TPHCM) nói: “Có lẽ với người trẻ hôm nay, câu chuyện về H không còn nóng hổi như trước nữa, chúng ta bị cuốn vào những câu chuyện mới, căn bệnh mới… Nhưng những câu chuyện đau thương và nguy cơ lây nhiễm vẫn còn đó. Mong mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ hãy luôn luôn tìm hiểu để có thể nhìn nhận mọi việc. Và với riêng chiến dịch Cảm xúc 30 năm, hãy lan tỏa, thể hiện sự động viên cho cộng đồng người sống với H”.

TIỂU TÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ngoi-lai-voi-cam-xuc-30-nam-698244.html