Ngôi đình 300 tuổi, cổ nhất phương Nam

Nhắc đến ngôi đình cổ nhất của đất Gia Định xưa thì không ai không biết đến đình Thông Tây Hội, một ngôi đình đã tồn tại hơn 300 năm.

Cổng đình Thông Tây Hội ngày nay

Được xây dựng từ năm 1679, đình làng Thông Tây Hội là một trong những ngôi đình cổ còn tồn tại cho đến ngày nay tại đường Thống Nhất, Gò Gấp, TP.HCM.

Trước năm 1944, đình Thông Tây Hội có tên gọi là đình Hạnh Thông Tây, nơi đây còn lưu giữ rất nhiều nguồn tài liệu quý về cư dân vùng Gò Vấp.

Lối vào chính điện

Cái tên đình làng Thông Tây Hội được ghép từ hai làng Hạnh Thông Tây và An Hội sau khi hai làng sáp nhập lại thành một. Cũng từ đó ngôi đình này trở thành đình chung của cả 2 làng.

Đình Thông Tây Hội tọa lạc trên khu đất chừng 1.500 m2, được xây dựng theo cấu trúc của các ngôi đình cổ ở miền Nam, cho đến nay ngôi đình này gần như nguyên vẹn cấu trúc và vật liệu xây dựng của ngôi đình cổ. Đình quay về hướng Đông, cổng đình được xây dựng theo kiểu tam quan, giữa sân đình có một số cây trồng cổ có chiều cao hơn 10 mét.

Ngày nay, đình làng còn giữ được một số công trình kiến trúc tiêu biểu như: Võ ca, chánh điện, nhà hội sở. Riêng với chánh điện bao gồm 2 nếp nhà ghép trùng nhau theo kiểu "trùng thiềm điệp ốc". Chánh điện có tất cả có 48 cột, chia thành 8 dãy cột, mỗi dãy có 6 cột. Bốn cột giữa cao nhất là 4,5m với đường kính là 30 cm (thường được gọi là "tứ tượng") là nơi quan trọng nhất, linh thiêng nhất - nơi đặt bàn thờ thần. Chân các cột đều được khắc hình lăng trụ thắt ở giữa, xung quanh chánh điện đều có tường gạch.

Trong di tích đình Thông Tây Hội cho đến nay còn lưu giữ 37 hiện vật quý, tất cả các hiện vật đều được chạm khắc tinh xảo như: bao lam, hoành phi, câu đối, trang thờ đều giữ được đường nét, màu sắc sơn son thếp vàng của hiện vật cổ.

Theo petrotimes.vn

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/ngoi-dinh-300-tuoi-co-nhat-phuong-nam/20181117095014683