Ngôi đền thiêng có kiến trúc độc đáo, thờ Nữ tướng Lê Chân ở Hải Phòng

Trải qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử, đầu thế kỷ 20, Đền Nghè thờ Nữ tướng Lê Chân - Thành Hoàng của Hải Phòng được đại trùng tu, với nghệ thuật kiến trúc tinh xảo, lưu giữ miếu đá cổ cả nghìn năm.

Video: Tận thấy ngôi đền thiêng có kiến trúc độc đáo, thờ Nữ tướng Lê Chân ở Hải Phòng

Đền Nghè, tên chữ là "An Biên Cổ Miếu", tọa lạc tại phố Lê Chân (An Biên, Lê Chân, Hải Phòng), nơi thờ Nữ tướng Lê Chân, người có công khai hoang, lập ấp nên Trang An Biên xưa, nay là TP Hải Phòng. Đây là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đền Nghè buổi đầu mới chỉ là một ngôi miếu nhỏ lợp gianh nứa, từ năm 1924-1927 được đại trùng tu và đến năm 2007-2009, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo như hiện nay.

Đền Nghè, tên chữ là "An Biên Cổ Miếu", tọa lạc tại phố Lê Chân (An Biên, Lê Chân, Hải Phòng), nơi thờ Nữ tướng Lê Chân, người có công khai hoang, lập ấp nên Trang An Biên xưa, nay là TP Hải Phòng. Đây là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đền Nghè buổi đầu mới chỉ là một ngôi miếu nhỏ lợp gianh nứa, từ năm 1924-1927 được đại trùng tu và đến năm 2007-2009, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo như hiện nay.

Trên cổng đền trang trí nhiều linh vật trong thế giới tâm linh của người Việt như chim phượng, rồng, lân... Trụ phía ngoài cổng có đắp đôi câu đối đề cao công đức của vị thần thờ trong đền: "Đức đại an dân thiên cổ thịnh/ Công lao hộ quốc vạn niên trường" - Dịch nghĩa: "Đức lớn làm yên lòng dân, từ xa xưa vốn đã giàu có/ Công dầy giúp đất nước mãi mãi còn ghi".

Qua cổng đền vào là không gian thiêng của đền Nghè, phía trước là gian tiền tế, với kiểu kiến trúc tường hồi bít đốc.

Trang trí trên bờ nóc là hình tượng các linh vật trong thế giới tâm linh của người Việt. Hai bên bờ nóc là hai đầu rồng ngậm bờ nóc chầu về trung tâm, tiếp theo là hai quy tàng chờ Hà đồ (bức đồ trên sông Hoàng Hà)...

Trung tâm bờ nóc là một bức cuốn thư lớn đề 4 chữ Hán: An Biên Cổ Miếu, các chữ được giát những mảnh sứ màu lam long lanh chiếu sáng.

Tất cả các linh vật đều hướng về trung tâm trong tư thế chuyển động.

Trung tâm của gian tiền tế là ban thờ Công đồng. Ban thờ có một nhang án lớn trên đặt long ngai thờ bài vị công đồng, hai bên là 2 lọng che, phía trước nhang án là một lư hương lớn đặt chính giữa và 2 hạc chầu vào. Hai bên nhang án là hệ thống bát bảo.

Hai gian bên cạnh tòa tiền tế là nơi đặt long kiệu và phượng kiệu, tượng trưng cho âm dương đối đãi.

Kiệu là đồ tế tự rước Thánh trong những dịp lễ chính của đền.

Tòa Thiên Hương được xây dựng phía sau tòa Tiền tế, nơi thờ các tướng lĩnh của Nữ tướng Lê Chân, được thiết kế theo kiểu phương đình (nhà vuông). Tòa gồm 4 cột gỗ lớn đỡ các xà liên kết ngang giữa cột và kẻ góc thu về nóc tạo thành hai tầng mái kiểu chồng diêm.

Phần góc đao trang trí đề tài long phụng hồi chầu.

Phần chồng diêm (giữa hai mái) có ghép các bức tranh theo đề tài Đạo giáo: Ngọc Hoàng Thượng Đế, Tam Thanh

Tòa Thiên hương đặt một sập đá lớn, trên đặt đồ thờ tế khí, theo nguyên tắc đối trục thần đạo. Phía trên đặt bức đại tự: "Thượng đẳng linh từ".

Trên hiên Hậu cung, có một bàn thờ đá trên thờ miếu đá. Truyền thuyết kể rằng, khi Nữ tướng Lê Chân qua đời đã hóa thành miếu đá trôi trên sông về vùng đất An Biên và báo mộng cho dân làng rước về thờ.

Miếu đá là một khối đá được tạo tác công phu, ở trung tâm mặt trước miếu khắc chìm dòng chữ: "Đương cảnh Thành Hoàng Nam Hải uy linh Thượng đẳng tôn thần". Hai bên miếu là 2 câu đối: "Ngọc miếu thêm tôn nghiêm, người An Biên càng nặng lòng báo đức/ bàn đá năng thờ, sẽ như mặt trời chiếu rọi dòng Cấm hiển hiện linh thiêng".

Phía trong Hậu cung là không gian linh thiêng nhất của di tích. Hậu cung là một tòa nhà 3 gian kiểu tường hồi bít đốc. Chính giữa có bức đại tự khắc 4 chữ Hán: Nghi gia vạn thế (Gia đình Nữ tướng Lê Chân mãi mãi được người dân nhớ ơn phụng thờ)

Gian giữa ban thờ Nữ tướng Lê Chân. Thần tượng Nữ tướng Lê Chân được tạc bằng chất liệu gỗ, theo phong cách tượng tròn, tọa lạc trên ngai rồng. Đầu đội mũ phượng, có gắn trang trí hoa cúc, chim phượng... Khuôn mặt nữ tướng hình trái xoan, lông mày lá liễu, mắt bồ câu, mũi nhỏ, thon gọn, miệng chúm lại.

Hai gian bên cạnh là thờ Phân Phụ và Thân Mẫu của Nữ tướng.

Phía ngoài trên nóc hậu cung trang trí đề tài rồng chầu mặt nhật.

Tường hồi hậu cung được cách điệu hình cánh cung mở góc tạo bờ hồi nóc có dáng mềm mại. Nhìn từ phía hồi chính giữa nóc hậu cung là hình một mặt hổ phù lớn đắp nổi ngậm chữ Thọ, hai bên là 2 đầu rồng chầu, phía trên là hình một con chim phượng lớn nổi khối sải cánh bay...

Phía mái trước hậu cung có kiểu mái chồng diêm, trên đắp các bức phù điêu. Mỗi một mảng phù điêu gắn với xuất thân, công trạng và hiển linh của Nữ tướng. Trên hình là tấm phù điêu đức vua Trần Anh Tông (thế kỷ 14) cùng đoàn quân hùng hậu, xe ngựa, thuyền rồng đi chinh phạt quân Chiêm Thành, khi đi qua vùng đất An Biên được Đức Thánh Lê Chân báo mộng âm phù.

Trong khuôn viên di tích, bia đá lớn được để trang trọng trong lầu bia, trên chính diện đường thần đạo trước sân đền Nghè. Bia ghi "Hải Phòng An Biên thần tích bí" (Bia ghi thần tích miếu cổ làng An Biên). Trên bia khắc gần 1.000 chữ Hán dựng vào mùa xuân năm 1924.

Hàng năm, chính quyền và nhân dân quận Lê Chân lại tổ chức lễ hội truyền thống nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của Nữ tướng Lê Chân vào các ngày 7-9/2 (Âm Lịch). Năm 2016, Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ năm 2018, Lễ hội Nữ tướng Lê Chân được nâng cấp lên lễ hội cấp thành phố.

Minh Khang

Nguồn VTC: https://vtc.vn/ngoi-den-thieng-co-kien-truc-doc-dao-tho-nu-tuong-le-chan-o-hai-phong-d388495.html