Ngồi đâu cũng có thể đổi giấy phép lái xe

Từ 9-12, người dân, doanh nghiệp ngồi bất cứ đâu vẫn có thể làm thủ tục tám nhóm dịch vụ: Đổi giấy phép lái xe, cấp lại thẻ bảo hiểm y tế, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nộp thuế điện tử...

Sáng 7-12, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thông tin về khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng (phải) và ông Ngô Hải Phan.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng (phải) và ông Ngô Hải Phan.

Tại cuộc họp báo, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan thông tin tại thời điểm khai trương (chiều 9-12). Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ cung cấp bốn dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố. Các dịch vụ gồm: Đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình), dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện.

Ngoài ra, bốn dịch vụ công thực hiện tại cấp bộ là cấp giấy phép lái xe quốc tế, đăng ký khuyến mãi, nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp.

Đối với bốn địa phương đã tích hợp trong năm 2019 sẽ cung cấp thêm một số dịch vụ công, như tại TP.HCM là đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế; tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng là đăng ký khai sinh…

Trong quý I-2020, Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm và thu phạt vi phạm giao thông đường bộ.

Theo ông Ngô Hải Phan, tính toán chi phí xã hội thực hiện tám nhóm dịch vụ công, giả định với số lượng giao dịch như năm 2018 thì việc chuyển từ phương thức trực tiếp sang trực tuyến tại Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ tiết kiệm được hơn 4.200 tỉ đồng/năm. Trong đó, tính riêng chi phí tiết kiệm được do thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia mang lại khoảng 1.700 tỉ đồng.

“Con số này sẽ tiếp tục tăng lên, tỉ lệ thuận với số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia” - ông Phan nói và cho biết với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, Cổng dịch vụ công quốc gia là đầu mối giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng; bảo đảm khả năng giám sát, kiểm tra, đánh giá của cá nhân, tổ chức và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thực hiện dịch vụ công.

Chỉ cần truy cập một địa chỉ duy nhất (dichvucong.gov.vn), bằng một tài khoản, người dân, doanh nghiệp có thể đăng nhập được đến tất cả các Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết và gửi phản ánh, kiến nghị không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.

Tại cuộc họp báo, khi được hỏi về tính an toàn, bảo mật thông tin của hệ thống, ông Hervé la Bars, chuyên gia Cơ quan phát triển Pháp – AFD, nhận xét: “Giải pháp để đảm bảo an toàn Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia mà các cơ quan Việt Nam chọn hiện nay liên quan đến xác thực đều ở mức tốt, dựa trên một hệ thống mạnh về công nghệ. Đó là giải pháp VNPT đã phát triển cùng với các bên có liên quan trong thời gian qua”.

“Phiên bản hiện tại đã đủ mạnh để đảm bảo mức độ an toàn cao cho người dùng, kể cả cá nhân và doanh nghiệp” - vị chuyên gia Pháp nói thêm.

Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng giám đốc VNPT, thông tin thêm rằng hệ thống hạ tầng Cổng dịch vụ công quốc gia được triển khai trên hạ tầng VNPT-IDC: Trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế Tier3 kết nối 63/63 tỉnh, thành trên toàn quốc và kết nối với quốc tế với tổng dung lượng chiếm 70% băng thông quốc tế tại Việt Nam.

Với vai trò là đơn vị phát triển và vận hành hệ thống kỹ thuật Cổng dịch vụ công quốc gia, VNPT cho biết đã bố trí hệ thống hiện đại thực hiện công tác giám sát 24/7, cùng huy động nguồn lực là các chuyên gia về ATTT ứng trực trong việc giám sát đảm bảo ATTT cho hệ thống.

“Chúng tôi cũng rất quan tâm tới vấn đề an ninh dữ liệu, tất cả quy trình vận hành để quản lý đều bảo đảm an toàn bảo mật cho dữ liệu. Đây là những kinh nghiệm của VNPT trong quá trình chúng tôi quản lý dữ liệu của trên 30 triệu khách hàng” - ông Liêm nói.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/ngoi-dau-cung-co-the-doi-giay-phep-lai-xe-875787.html