Ngôi chùa khuyến học

Rất nhiều trẻ mồ côi, trẻ em có cảnh đời bất hạnh, khó khăn đã được chùa Vĩnh Quang thuộc xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang nhận nuôi dạy nên người, có việc làm, nghề nghiệp ổn định. Ðại đức Thích Thiện Ðức, trụ trì chùa Vĩnh Quang chia sẻ: các sư thầy nơi đây nhận nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để làm theo lời Bác Hồ dạy: ''Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người''.

Vào dịp lễ, Tết, các học sinh cũ đều trở lại chùa thăm thầy.

Vào dịp lễ, Tết, các học sinh cũ đều trở lại chùa thăm thầy.

Rất nhiều trẻ mồ côi, trẻ em có cảnh đời bất hạnh, khó khăn đã được chùa Vĩnh Quang thuộc xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang nhận nuôi dạy nên người, có việc làm, nghề nghiệp ổn định. Ðại đức Thích Thiện Ðức, trụ trì chùa Vĩnh Quang chia sẻ: các sư thầy nơi đây nhận nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để làm theo lời Bác Hồ dạy: ‘‘Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người’’.

Nhà sư nuôi dạy học sinh khó khăn, mồ côi

Ngôi chùa Vĩnh Quang nằm bên dòng kênh Vĩnh An hiền hòa được các thầy cô giáo, người dân trong vùng gọi là chùa khuyến học vì từ nơi đây rất nhiều em đã trở thành bác sĩ, kỹ sư, thạc sĩ… Ðại đức Thích Thiện Ðức nhẩm tính, từ năm 1996 đến nay chùa đã nhận nuôi hơn 50 học sinh và các em đều có điểm chung là hoàn cảnh khó khăn, mồ côi. Hiện nay chùa cưu mang sáu em đang theo học trường cao đẳng, đại học trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Rời mái chùa hòa nhập vào cuộc sống đời thường nhưng các em đều quay về chốn cũ thăm, chúc các ân sư vào dịp Tết, ngày lễ. Các em xem chùa như ngôi nhà thứ hai, nơi các em tìm được sự yêu thương, chăm sóc, đùm bọc lẫn nhau như ruột thịt. Nhắc lại chuyện xưa, Ðại đức Thích Thiện Ðức kể, năm 1996, thông qua lời kể các Phật tử, thầy biết trường hợp em Vương Quốc Thảo, ngụ ở Châu Ðốc (An Giang) gặp khó khăn do cha mẹ làm ăn thua lỗ phải lánh đi xa, bỏ lại Thảo bơ vơ cùng bà nội già yếu. Thầy tìm đến tận căn nhà rách nát của Thảo, thấy Thảo chưa được 10 tuổi lại đối diện tương lai ảm đạm nên quyết định đưa Thảo về chùa nuôi dưỡng. Thời gian sau đó, thầy lại biết thêm trường hợp ba bé trai khác cũng có cảnh đời đáng thương như Thảo nên nhận các em về chùa dưỡng dục.

Chuyện một ngôi chùa nhận nuôi trẻ em nghèo khó dần dà được Phật tử và người dân trong vùng đồn xa. Nhiều người ở xã Châu Phong có hoàn cảnh khó khăn đã dẹp bỏ e ngại tìm đến chùa trình bày phải đi làm thuê mướn nên không có đủ điều kiện lo cho con đi học nhưng cũng không đành lòng cho con bỏ học. Thầy đồng ý nhận các em vào nuôi nhưng với điều kiện, các em vào chùa phải ăn chay, sinh hoạt ngủ nghỉ đúng giờ giấc, nói năng lễ phép. Ðiều quan trọng là các em phải chuyên cần học tập để sau này thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Phụ huynh nghe mừng lắm bởi họ hy vọng con em được thầy uốn nắn, sau này sẽ có nghề nghiệp ổn định, cuộc sống sẽ bớt khó khăn vất vả.

Ðược biết, chùa Vĩnh Quang chỉ nhận các nam sinh vào nuôi dạy, riêng các nữ sinh chùa nhận đỡ đầu hỗ trợ tiền bạc cho các em tại gia với yêu cầu các em luôn phải chăm học. Nhận vào nuôi dạy, Ðại đức Thích Thiện Ðức xem các em như con cháu, hết lòng truyền đạt, hướng dẫn các em học tập, dạy các em biết cần kiệm không tiêu xài hoang phí. Thầy luôn khuyến khích các em lớp lớn chỉ dạy cho các em lớp nhỏ để các em qua đó hiểu nhau rồi từ đó yêu thương, chăm sóc cho nhau. Thầy bộc bạch: ‘‘Ngoài việc phụ huynh tới gửi gắm con em, tôi còn nắm thông tin trong vùng Châu Phong hay các xã, huyện lân cận có em nào mồ côi cha mẹ nhưng ham học thì nhận em vào chùa ở để các em có thể đi trọn con đường học vấn’’.

Mái ấm của học sinh, sinh viên nghèo

Thời gian trôi nhanh, hết tốp này tốt nghiệp THPT rời chùa thì tốp mới lại vào. Với các em đang là học sinh, thầy nhận vào chùa nuôi dưỡng, còn với các em là sinh viên thì hằng tháng thầy chu cấp tiền nhà trọ, tiền ăn uống và tiền học phí cho đến khi các em tốt nghiệp. Dẫu vậy, lo cho các em rời mái chùa vào giảng đường không ai kèm cặp, uốn nắn sẽ dẫn đến sa ngã khi sống ở đô thị, thầy vẫn thường xuyên liên hệ với lãnh đạo trường để nắm tình hình học tập của các em. Nhờ đó, qua thông báo của trường về em nào gần đây học lực giảm sút hay thường bỏ tiết học, thầy lại gặp các em để nhắc nhở, khuyên nhủ các em bỏ thói hư, tật xấu.

Ðiều Ðại đức Thích Thiện Ðức vui mừng là những học sinh vào chùa đều ngoan hiền, chăm học, có ý chí cầu tiến. Nguyễn Minh Phương, sinh năm 1993, lúc vào chùa mới học lớp 1, nhưng nhận thức được hoàn cảnh bản thân và sự yêu thương của các sư thầy cùng các anh em đồng cảnh ngộ nên em luôn chăm học tập, đạt kết quả học sinh giỏi. Sau đó, Phương đỗ vào một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh và tốt nghiệp loại giỏi nên được trường giữ lại.

Còn Nguyễn Bão Anh gia đình khó khăn nhưng rất ham học. Bão Anh nghe thầy cô giáo, bạn bè nói chùa Vĩnh Quang nhận nuôi các học sinh và các em trong chùa đều học khá giỏi nên học xong lớp 8 đã tự tìm đến chùa trình bày hoàn cảnh, muốn gần gũi các anh em trong chùa để được chỉ dạy học tập. Nghe xong câu chuyện, thầy đã liên hệ người thân của Bão Anh nói rõ mục đích của em và họ ủng hộ việc em vào chùa ở để còn hướng đến tương lai. Bão Anh luôn có tâm niệm phấn đấu trở thành bác sĩ, dược sĩ để sau này có cơ hội bào chế thuốc, trị bệnh giúp người nghèo. Và Anh đã toại nguyện ước mơ khi thi đỗ vào Khoa Dược, Trường đại học Tôn Ðức Thắng tại TP Hồ Chí Minh.

Ðại đức Thích Thiện Ðức tâm sự, trong số các em được nhà chùa bao bọc có Dương Văn Tâm, ở Trà Vinh cũng là một trường hợp đặc biệt gây ấn tượng khó quên. Ðó là vào một ngày mưa gió, Tâm từ nơi xa xôi lặn lội đến chùa khi biết chùa đã cấp dưỡng nhiều học sinh khó khăn. Sau đó em thi đỗ vào ngành kỹ sư xây dựng Trường đại học Cần Thơ nhưng rồi đối diện nỗi lo phải bỏ học. Thầy lần hỏi sự tình, Tâm kể, em sống ở Trà Vinh, mẹ mất sớm nên cuộc sống của anh em Tâm phụ thuộc vào sức lao động của người cha. Gia đình Tâm nghèo, sống trong căn nhà xập xệ nhưng cha em luôn ráng làm thuê lo cho Tâm đi học. Khi Tâm đỗ đại học, cha em vui lắm nhưng lại buồn ngay vì không có tiền cho con nộp học phí, tiền nhà trọ, ăn uống khi đi học xa nhà. Cầm tờ giấy báo nhập học của Tâm, thầy quyết định hỗ trợ em cho đến khi tốt nghiệp đại học và sau này Tâm đã trở thành kỹ sư có tiếng ở Trà Vinh.

Hiện tại chùa Vĩnh Quang đang tu sửa nên việc nhận trẻ em nghèo, trẻ em mồ côi tạm hoãn lại. Ðại đức Thích Thiện Ðức chia sẻ, để nuôi dạy các em nên người, nhà chùa luôn dạy bảo các em làm theo Năm điều Bác Hồ dạy; kể về tấm gương vượt khó của Bác để các em rèn ý chí vượt khó; kể những câu chuyện nhà Phật để giúp các em hướng thiện. Thầy tâm sự, khi các em có việc làm ổn định đều quay về chùa gửi tiền, quà tặng để đáp đền công ơn nhưng thầy nhất quyết không nhận bởi chùa nuôi dạy để mong các em trở thành người có ích cho xã hội. Thầy nói, việc hỗ trợ các em có công sức rất lớn của Phật tử vậy nên các em phải chăm học thành tài giúp đời để không phụ lòng tốt của mọi người.

Phó Chủ tịch UBND xã Châu Phong Nguyễn Văn To cho biết, trong nhiều năm qua, Ðại đức Thích Thiện Ðức luôn nổi bật trong việc chăm lo giáo dục, nuôi dưỡng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh mồ côi, giúp các em trở thành người có ích cho xã hội. Ðại đức là một trong những gương điển hình của xã, thị xã và tỉnh. Ðại đức luôn phối hợp tốt cùng địa phương và góp phần rất lớn trong công tác khuyến học, khuyến tài, cũng như thực hiện chính sách an sinh xã hội ở địa phương. Ngoài ra, Ðại đức Thích Thiện Ðức nhiều lần tham gia hỗ trợ Quỹ cây mùa xuân giúp các học sinh khó khăn, phát gạo, quà cho người nghèo có điều kiện đón Tết Nguyên đán sung túc hơn.

Làm theo lời Bác Hồ dạy: ‘‘Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người’’, đến nay Ðại đức Thích Thiện Ðức đã được các cấp, các ngành từ xã đến tỉnh trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Ngoài ra thầy còn vinh dự được nhận Kỷ niệm chương ‘‘Vì sự nghiệp giáo dục’’ của Bộ Giáo dục và Ðào tạo; được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trao tặng bằng khen vì đã đạt thành tích xuất sắc trong công tác bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi giai đoạn năm 2010 - 2013.

THANH DŨNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/nhan-ai/ngoi-chua-khuyen-hoc-639210/