Ngôi chùa hội tụ 2 giá trị lịch sử - cách mạng

Ngôi chùa cổ Non Đông còn có tên gọi Tường Quang tự, tọa lạc tại chân núi Đông Sơn, trong vòng cung Đông Triều, thuộc phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Đây là cơ sở thờ tự Phật giáo xây dựng năm Trùng Hưng 1285 đời Trần, ghi dấu một thời hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam, đồng thời là di tích cách mạng lịch sử Đảng.

Quần thể chùa Non Đông đang được đầu tư tôn tạo đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân. Ảnh: XQ

Quần thể chùa Non Đông đang được đầu tư tôn tạo đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân. Ảnh: XQ

Ngày 30-8-2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 3013 xếp hạng Di tích lịch sử Khu mỏ Mạo Khê gồm 3 địa điểm: Nhà máy cơ khí; chùa Non Đông; vị trí thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Khu mỏ Quảng Ninh là di tích quốc gia.

Chùa Non Đông kết hợp hai giá trị cao nhất hội tụ là “Đạo pháp” và “Dân tộc”. “Đạo pháp” là dấu ấn trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, nơi Thánh tổ Non Đông trụ trì. Còn “Dân tộc” là nơi đồng chí Nguyễn Văn Cừ, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ trước năm 1930 thường xuyên ở đây tổ chức hội họp, xây dựng và chỉ đạo, lãnh đạo công nhân mỏ, nhân dân địa phương thực hiện “vô sản hóa”, tiến tới thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Khu mỏ Quảng Ninh vào ngày 23-2-1930.

Theo tài liệu lịch sử, Thánh tổ Non Đông họ Vương, hiệu Quán Viên, tự Tuệ Nhẫn, sinh năm 1257, quê gốc xã Dưỡng Mông, huyện Kim Thành (Hải Dương). Truyền thuyết kể rằng, năm Vương Tuệ Nhẫn 19 tuổi, trên đường đi Kinh Bắc, đã vào chùa Nghĩa Trụ, yết kiến Hoàng Kiên đại sư và được thu nhận để trau dồi Phật pháp, đến năm 30 tuổi thì đắc đạo. Sau đó rời khỏi chùa để tuyên truyền Phật pháp theo giáo lý của Thiền phái Trúc Lâm. Nơi đến đầu tiên là Mạo Khê, nơi đây có ngôi chùa Non Đông. Nhà sư quyết định trụ trì tại đó và ra công tôn tạo 72 ngôi chùa lớn nhỏ quanh vùng Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh... Thánh tổ Non Đông nhập niết bàn ngày 27 tháng Giêng năm Ất Sửu (1325), được vua Trần phong Quốc sư.

Đến thế kỷ XVII, Thiền phái Tào Động vào Việt Nam, tại chùa Non Đông cũng đã có những thiền sư quê ở Hải Dương, Hưng Yên học rộng, thông Phật giáo tu hành. Theo nhà nghiên cứu tôn giáo Phạm Thị Chuyền (Viện Nghiên cứu tôn giáo) thì, văn bia đá lập năm 1881 còn lưu giữ tại chùa có ghi về sư tổ quê ở An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên ngày nay), là một nhà tu hành chuẩn mực của Thiền phái Tào Động ở Việt Nam.

Chuyện về ngôi chùa Non Đông, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, kể rằng: Hồi còn học ở Trung Quốc, tôi đã đọc sách về Thánh tổ Non Đông, lúc đó, tôi nghĩ rằng Thánh tổ Non Đông chỉ còn trong sử sách. Khi về Quảng Ninh, tôi rất vui mừng bởi chùa Non Đông, nơi Thánh tổ tu hành, vẫn còn đó và được nhân dân chăm lo, hương khói chu đáo...

Từ năm 2002, Cụm di tích lịch sử - cách mạng Khu mỏ Mạo Khê gồm Nhà máy cơ khí - nơi đồng chí Hoàng Quốc Việt (Hạ Bá Cang) đã làm việc và “vô sản hóa” thợ mỏ thời kỳ 1926-1929; chùa Non Đông đã được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh và huy động các nguồn lực đầu tư bảo tồn. Đến nay, quy hoạch tổng thể Cụm di tích lịch sử - cách mạng Khu mỏ Mạo Khê được triển khai. Đã tu bổ, tôn tạo chùa Non Đông, phục hồi 17 hạng mục công trình chính, dựng nhà bia ghi dấu địa điểm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tại Khu mỏ bằng nguồn vốn huy động xã hội hóa nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục truyền thống, văn hóa và tín ngưỡng tâm linh của nhân dân.

Xuân Quảng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ngoi-chua-hoi-tu-2-gia-tri-lich-su-cach-mang/