Ngôi chùa cổ không nhận tiền công đức

Tại xã Tương Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh, ngôi chùa Tiêu hơn 1.000 năm tuổi không có hòm công đức, cũng không tổ chức bất cứ một hoạt động gì có thu tiền của Phật tử như dâng sao giải hạn, thỉnh vong báo oán…52 năm trụ trì chùa, ni sư Thích Đàm Chính tự trì tự cấy ruộng, trồng cây để bán lấy tiền dựng chùa, mua hương lễ Phật.

Cụ bảo rằng, dâng sao giải hạn, thỉnh vong là những hoạt động "ngoại đạo", nằm ngoài giáo lý nhà Phật…

Chùa Tiêu có tên chữ là "Thiên tâm tự", nằm trên sườn núi Tiêu nổi giữa cánh đồng lúa mênh mông. Đứng từ xa, trông rõ pho tượng thiền sư Vạn Hạnh tọa thiền trên đỉnh núi. Chuyện xưa kể lại, thiền sư Lý Vạn Hạnh là người đã có công nuôi dạy vị vua đầu tiên lập nên triều Lý - vua Lý Công Uẩn.

Không chỉ là nơi gắn bó suốt thời thơ ấu của người đã mở mang và lập nên kinh đô Thăng Long, ngôi chùa cổ này còn được biết đến là trung tâm Phật giáo của Việt Nam, chốn tu thiền huyền bí.

Tại chùa Tiêu hiện còn lưu giữ được nhiều hoành phi, câu đối cổ.

Tại chùa Tiêu hiện còn lưu giữ được nhiều hoành phi, câu đối cổ.

Từ cổng vào, chỉ khoảng 50m nhưng không nhìn thấy kiến trúc bên trong. Bước qua cánh cổng chùa, là khung cảnh tĩnh mịch, cổ kính. Trước cửa Tam bảo, hai cây hoàng lan cổ thụ tỏa bóng xuống sân chùa.

Dù đã trải qua cả nghìn năm lịch sử thăng trầm binh biến loạn lạc, ngôi chùa Tiêu vẫn lưu giữ được rất nhiều cổ vật quý giá và vô giá như hệ thống các tượng phật, tượng Thiền Sư Vạn Hạnh, chuông đồng, đại tự, hoành phi câu đối cổ, bia đá ghi chép sự tích về Lý Công Uẩn và sự kiện tiêu biểu của nhà Lý.

Đặc biệt nhất là nhục thân thiền sư Thích Như Trí, đây được xem là 1 trong 4 pho tượng độc đáo nhất Việt Nam được làm theo hình thức: thiền táng hay còn gọi là tượng táng.

Ni sư Thích Đàm Chính.

Ni sư Đàm Chính kể, bức tượng này được phát hiện tình cờ vào một ngày mưa năm 1971, khi đó cụ đang quét dọn tháp Viên Tuệ, thì bỗng thấy một viên gạch hồng rơi ra. Qua kẽ hở, ni sư thấy bên trong là một bức tượng nhà sư trong tư thế thiền.

Quá bất ngờ với phát hiện trên, lại thêm việc không muốn sự an nghỉ của chủ nhân ngôi tháp bị mạo phạm, sư cụ đã lấp khe nứt và giữ kín chuyện. Mãi đến năm 1996, sư cụ mới kể bí mật này cho Hòa thượng Thích Thanh Từ và đến năm 2004, nhóm các nhà khoa học đứng đầu là GS.TS Nguyễn Lân Cường đã tiến hành tu bổ pho tượng một cách cẩn trọng và bảo quản trong tủ chân không theo phương pháp khoa học hiện đại.

Để có ngôi chùa khang trang như bây giờ, ni sư Thích Đàm Chính đã vượt qua ngàn gian khó.

Ni sư Đàm Chính kể, ngày đầu tiên được giao phó trông coi ngôi chùa này, nhìn quanh chùa, cỏ dại thì người dân cắt lấy phơi khô để đun nấu, nên sườn núi hoang toàn đất đá, ngẩng lên có vài cái cây xơ xác. Chiến tranh, thời gian cộng với sự trễ nải của con người đã khiến ngôi chùa không còn nguyên vẹn bởi tường lở loét, dột nát, không nén hương cúng Phật.

Ni sư Thích Đàm Chính kể rằng ngày ấy việc đầu tiên cụ làm là vào làng xin 5 sào ruộng để cấy lúa lấy cái ăn, vạt đất trên sườn núi để trồng rau, trồng các cây ăn quả, còn trồng cả bụi tre để tính chuyện xây sửa ngôi chùa.

Chỉ một thân một mình giữa núi Tiêu cách xa khu dân cư, cứ gà gáy canh đầu tiên là vùng dậy, khẽ gõ mõ tụng kinh đến khi trời hé sáng, nhìn vạn vật được lờ mờ là lại lao ra vườn, ra ruộng để làm cho đến khi thấy tối đen không còn nhìn thấy gì nữa, mới về đọc tiếp kinh kệ.

Dần dà, nhìn thấy những mảng xanh dần phủ kín sườn núi Tiêu, thấy ni sư kiên trì bám trụ, cần mẫn làm việc từ sáng sớm đến đêm khuya để gây dựng cho chùa, hương khói thờ Phật, người dân nơi đây bắt đầu lên chùa. Từ đấy, có sự chung sức của dân, với sự tảo tần của sư trụ trì, ngôi chùa cứ được xây dựng khang trang dần dần.

Một góc khuôn viên chùa Tiêu

Thoáng cái đã hơn 50 năm, ni sư giờ đã ngoại cửu tuần. Cả một đời thanh bần, vất vả, nhưng cụ vẫn khỏe mạnh, minh mẫn lạ thường. Hàng ngày, cụ vẫn dậy từ 3h sáng tụng kinh, lễ Phật. Ở một mình hơn 20 năm, ni sư thu nạp một đệ tử là đến nương nhờ cửa Phật. Từ đó, thầy trò sớm tối có nhau, cùng cấy lúa, trồng cây, cùng sửa sang nơi thờ tự.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn công đức cho nhà chùa và mừng tuổi cụ, ni sư Thích Đàm Chính cười hiền hậu: "Nhà chùa không nhận tiền công đức vì không cần tiền để làm gì cả, Phật tử có tâm thì đến lễ Phật để cầu bình an. Tôi cũng không nhận tiền mừng tuổi bởi tôi nghĩ như thế là bán tuổi của mình.

Hầu như chùa không phải đi chợ, hương nến Phật tử dâng cũng đủ dùng. Rau cỏ, tương cà nhà chùa trồng được nên không phải mua bán gì. Như này, so với nhiều năm trước, đã là tốt lắm rồi, thế nên, ngoại trừ những lần phải tu sửa, nhà chùa lấy tiền để làm gì đâu.

Nếu nhà chùa muốn tu sửa gì, thì nhờ xã phát loa kêu gọi phật tử phát tâm, ai phát tâm như thế nào, chùa làm bảng ghi tên đầy đủ niêm yết ở chùa. Cứ phát tâm đủ tiền xây dựng là nhà chùa dừng luôn, ai có muốn công đức nhà chùa cũng nhất định không nhận".

Theo ni sư Thích Đàm Chính, không chỉ không nhận tiền công đức, nhà chùa cũng không tổ chức dâng sao giải hạn, thỉnh vong giải oan bao giờ. Cụ bảo rằng Phật có dạy luật nhân quả, nhưng tu là tu tâm, chứ có phải tu vật chất đâu.

Về với Phật, nếu có lỗi thì sám hối bằng hành động, lối sống thiện lương, chứ không phải là bỏ tiền ra là sám hối được tội lỗi của mình, hay cứ bỏ tiền ra là thỉnh vong, giải vong báo oán được đâu. Những chuyện lên đồng lên cốt, thày bói thày toán đều là tà ma, ngoại đạo, không nằm trong giáo lý nhà Phật.

Miệt mài cắt những cây cỏ dại, vun gọn lá rụng dưới các gốc cây, ông Nguyên (70 tuổi), người dân thôn Tiêu Thượng, xã Tiêu Giang cho hay, từ khi nghỉ hưu, ngày nào ông cũng tới chùa làm công quả, khi thì quét lá rụng, dọn cỏ vườn cây, lúc cắt tỉa cành... tại chùa.

Nhục thân thiền sư Thích Như Trí đang được bảo quản trong tủ chân không.

"Nhà chùa luôn cầu bình an, sự che chở cho người dân nơi này, nên nơi đây cũng như nhà của chúng tôi. Đã chục năm nay, ngày nào tôi cũng đến đây làm công quả". Nói về sư cụ và sư thầy, ông Nguyên trân trọng như chính cha mẹ mình, luôn dùng "cụ tôi, thầy tôi".

Xách mấy củ sắn tươi vừa cuốc được từ vườn nhà vào biếu nhà chùa, ông Đức (75 tuổi), cũng ở thôn Tiêu Thượng tâm sự, những ngày đầu năm mới, nhà chùa viết sớ cầu một năm an lành cho phật tử, cũng không hề lấy tiền công. Nhà chùa sống giản dị, tiết kiệm, người dân nơi đây, cứ có chút rau quả, cây lá vườn nhà, gạo mới xay xát thì mang tới biếu nhà chùa...

Luộc xong đĩa sắn, ni sư Thích Đàm Chính mang lên mời các Phật tử "các cô, các bác ăn cho vui, sắn mới dỡ, ngon lắm". Sư cụ hiền hậu "Phật ở tại tâm, Phật tử lên chùa được là tốt, nếu không chỉ cần làm điều thiện, phát tâm bố thí sẽ được Phật độ, cúng sao giải hạn, thỉnh vong chỉ mất tiền oan vô ích mà thôi…".

Phương Thủy

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/ngoi-chua-co-khong-nhan-tien-cong-duc-539900/