Ngôi chùa cổ đang kêu cứu

Từ lâu, người Việt vốn quen với cảnh chốn quê chùa làng. Làng quê miền đồng bằng Bắc Bộ làng nào cũng có mái đình, giếng nước, gốc đa, và ngôi chùa nương nép vào thiên nhiên cảnh vật.

Khoảng hơn thập niên nay, đời sống xã hội phát triển, những người ở chốn quê ra phố lập nghiệp, có điều kiện kinh tế khá giả lại muốn đóng góp cho nơi thờ tự tâm linh của làng, nơi chôn nhau cắt rốn, quê hương đất mẹ. Nhưng, với những di tích lịch sử đã được xếp hạng thì việc trùng tu tôn tạo phải được các cơ quan chức năng cho phép để bảo tồn và phát huy được giá trị của di sản, tránh sợ sai lệch với nguyên mẫu ban đầu.

Chính vì điều đó, không ít những di tích lịch sử sau khi được xếp hạng đã chịu cảnh xuống cấp nghiêm trọng khi mòn mỏi năm tháng nằm chờ nguồn kinh phí của nhà nước để trùng tu tôn tạo.

Gian nhà Mẫu trời mưa thì trong nhà cũng như ngoài trời.

Gian nhà Mẫu trời mưa thì trong nhà cũng như ngoài trời.

Ngôi chùa thu hút những nhà nghiên cứu

Chùa Chài còn có tên là chùa Bạch Sam hay chùa Ba Xã nằm ở ngay phía chân cầu Thăng Long, thôn Võng La, xã Võng La, huyện Đông Anh. Chùa có mặt trước nhìn ra sông Hồng mênh mông sóng nước. Gọi là chùa Chài vì dân trong vùng từ nhiều thập niên trước dựa vào địa thế của con sông Hồng uốn lượn trước mặt nên quanh năm ngày tháng sống bằng nghề chài lưới. Trước chùa Chài còn có tên là Ba Xã vì chùa là điểm tâm giao giữa ba làng, như nhụy hoa nằm giữa những cánh hoa.

Trong những tài liệu lưu giữ thì chùa được xây dựng từ thế kỉ 17-18. Cách đây 5 năm, chùa Chài chưa được trùng tu tôn tạo nhà Tam bảo như bây giờ, mỗi lần tôi đi qua cầu Thăng Long về chùa là thấy hàng cây loa kèn nở đỏ mỗi dịp vào hè. Gian Tam bảo ngày đó còn trên nền gạch cũ, những bức tượng khoác màu thời gian trang nghiêm mà gần gũi. Bước qua lối nhỏ để vào nhà Mẫu tôi được “diện kiến” Ngọc Động Thánh Tổ - bức tượng bằng đá đã tốn không ít giấy mực của các nhà nghiên cứu di sản.

Ngọc Động Thánh Tổ là bức tượng đá được lồng trong khung, theo truyền khẩu của người làng Võng La thì đây là vị sư tổ của làng có đức hạnh và tài chữa bệnh được gọi là thần y cải số. Ngọc Động Thánh Tổ là người làng Võng La đã từng dùng y thuật của mình mà chữa khỏi cho thái hậu chúa Trịnh nên được phủ chúa ban khen: “Thánh Tổ đề tôn”. Sau khi ngài hóa, dân làng đã tạc tượng đá ngài ngồi trên tòa sen thờ trong gian nhà tổ.

Hồi GS Trần Quốc Vượng còn sống, ông đã tìm đến ngôi chùa và viết trong cuốn “Lịch sử di tích chùa Việt” rằng Ngọc Động Thánh Tổ là một bức bia tượng có niên đại Dương Hòa thứ tư (1638) cổ nhất hiện nay, rất ít gặp ở các di tích của Hà Nội.

Không chỉ có tượng đá Ngọc Động Thánh Tổ mà chùa còn lưu giữ những cổ vật quý hiếm khác. Nhiều nhà nghiên cứu cũng tìm về chùa như năm 2004, hai nhà nghiên cứ khảo cổ Nguyễn Tiến Đông và Nguyễn Hữu Thiết đã rất ấn tượng với ngôi chùa vì nơi đây còn lưu giữ cổ vật Chăm có niên đại lâu năm bức tượng Shiva và “Bà mẹ sứ xở” được tạc dưới dạng phù điêu trên mặt phiến sa thạch có kích thước 50 cm. Sau đó nhiều nhà khảo sát của Hội Di sản Việt Nam cũng về đây nghiên cứu.

Nhưng, tôi nhìn quanh quẩn không gian thờ tự trong chùa không thấy hai bức tượng nổi tiếng Shiva và “Bà mẹ xứ sở” theo phong cách Chăm. Sư thầy bảo sau khi nhiều nhà nghiên cứu về đây chiêm bái pho tượng, chuyện này đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng nên những kẻ săn tượng cổ cũng theo đó mà lai vãng quanh chùa, thầy sợ mất trộm nên phải mang tượng quý cất giấu, vậy là từ đấy cho đến nay, không còn có du khách thập phương nào có thể chiêm bái được 2 pho tượng cổ.

Tường nẻ, mốc, mái dột trong gian nhà Mẫu.

Thấy tôi ngần ngừ nuối tiếc, sư thầy bảo năm 2011 Ủy ban nhân dân TP Hà Nội đã có văn bản gửi các Sở Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Khi ngôi chùa được trùng tu tôn tạo, có chỗ khang trang và đảm bảo an ninh thì nhà chùa sẽ mang ra để phật tử chiêm bái.

Tuy không được ngắm 2 pho tượng đặc sắc nhưng chúng tôi được thấy tượng Ngọc Động Thánh Tổ bằng đá linh thiêng in màu thời gian nằm trong hậu cung của nhà chùa và chiêm bái những pho tượng gỗ chân phương, mộc mạc khác, mà theo các nhà nghiên cứu thì đây đều là những pho tượng quý lâu năm.

Trong chùa còn có vườn bia ngay phía trước cửa Tam bảo có niên đại 1681, 1684, 1696, 1699, 1734, 1736, 1763... Đây là những di vật, cổ vô cùng quý hiếm, lưu giữ nét đẹp nghệ thuật không hề phôi pha cùng thời gian.

Di tích lịch sử cách mạng chưa được đối xử xứng tầm

Ngôi chùa ở ven đô này không chỉ có những cổ vật quý hiếm mà còn là ngôi chùa nổi tiếng là một di tích lịch sử cách mạng trong những năm 40 của thế kỷ trước. Từ năm 1941 đến tháng 8 năm 1945, làng Võng La được chọn làm An toàn khu (ATK), chùa Chài khi đó cũng là một cơ sở cách mạng.

Chính tại đây, Trung ương đã tổ chức nhiều hội nghị quan trọng, phong trào cách mạng thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám. Các ông Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt đã có thời gian dài sinh sống và hoạt động bí mật tại chùa. Trong chùa có một hầm bí mật được đặt ngay phía dưới bệ thờ của vị sư tổ, hầm được thông ra sông Hồng.

Trong khuôn viên chùa có một ngôi tháp trước kia là hộp thư bí mật được sử dụng cho việc chỉ đạo cách mạng trong nội thành Hà Nội. Một di tích vô cùng quan trọng nữa trong chùa là cây gạo cổ thụ. Theo sư trụ trì, đây là cây gạo cùng cây gạo ở làng Phú Xá - Tây Hồ là điểm hẹn, liên lạc và trao đổi thư từ. Cây gạo ở chùa cao lớn nở hoa đỏ rực là mốc tiêu đánh dấu cho cán bộ của ta từ xa tìm về ATK.

Nhưng trải qua mưa nắng thời gian và chiến tranh loạn lạc thì cả hai cây gạo của chùa Chài làng Chài - Võng La và cây gạo làng Phú Xá - Tây Hồ đều đã không còn. Cả hai cây gạo từ làng Phú Xá - Tây Hồ đến cây gạo làng Chài Võng La được nhân dân trong vùng trồng thay thế bằng cây gạo khác.

Hãy cứu giữ một di tích

Hơn 7 giờ sáng, sư thầy trụ trì Thích Đàm Hòa điện thoại mời chúng tôi về thăm chùa nhân dịp mừng lễ Phật đản. Sau gần 4 năm không tới chùa, lần này chúng tôi ngỡ ngàng trước phong cảnh đổi thay. Năm 2016 chùa được UBND huyện Đông Anh làm lễ khởi công trùng tu tôn tạo và đến năm 2017 đã xây xong nhà Tam bảo.

Nhà Tam bảo được xây khang trang trên nền đất mới trước đây là sân trước của chùa và vườn bưởi. Phía nhau nhà Tam bảo vẫn là ngôi chùa cũ giờ đã xuống cấp nghiêm trọng để thờ Mẫu. Ngoài gian chính Tam bảo các hạng mục khác vẫn chưa được hoàn thiện như nhà bia, nhà tổ...

Quanh ngôi chùa vẫn những gạch đá ngổn ngang, nhà Tam bảo mới xây quy mô bề thế ở phía trước, còn phía sau ngôi chùa cũ sư thầy làm nơi thờ Mẫu. Sư thầy Thích Đàm Hòa cho biết khi thi công xây nhà Tam bảo, người ta đã phải dỡ đi vườn bia có niên đại lâu năm hàng trăm năm tuổi. Hiện nay, vườn bia này vẫn nằm ngổn ngang ở khu đất trồng vườn bưởi.

Gian thờ Tam Bảo sau khi được trùng tu tiền tỉ vẫn không để được 3 pho tượng quý của chùa.

Bước vào bên trong gian thờ Tam Bảo là không gian khang trang bề thế với những pho tượng một màu kim tượng vàng bóng mới cứng. Không còn những bóng hình của những pho tượng cổ trầm lắng lưu dấu mình của thời gian. Thấy chúng tôi ngạc nhiên quá đỗi trước sự đổi thay của những bức tượng, sư thầy giải thích: Khi trùng tu tôn tạo ngôi chùa, Nhà nước chỉ xây cho cái vỏ (mái, tường bao, cột gỗ, cánh cửa) còn trang trí bên trong (tượng, bệ, hoành phi, câu đối...) là nhà chùa bỏ kinh phí ra làm.

Quả thật trước mắt chúng tôi là gian Tam bảo vô cùng bề thế nhưng lạ lẫm với chốn thôn quê. Chúng tôi không còn nhìn thấy những pho tượng bạc màu thời gian như chứng nhân của lịch sử tích tụ từ bao đời.

Nhưng kì lạ hơn, lần này sư thầy bảo để kiến tạo tôn tượng được sơn son thiếp vàng, những trạm khắc phù điêu rồng phượng, sư thầy đã phải mời những người thợ lành nghề ở Nam Định ra để chế tác. Tổng số tiền để trang trí này hàng tỉ đồng nhưng sư thầy vẫn đang nợ thợ. Thầy bảo sẽ kêu gọi phật tử đóng góp dần.

Chỉ có điều, sau khi gian nhà Tam bảo được nhà nước bỏ kinh phí cùng nhà chùa bỏ ra một số tiền quá lớn để đóng góp vào trùng tu tôn tạo ngôi chùa thì cho đến nay hai bức tượng độc nhất vô nhị Shiva và “Bà mẹ xứ sở” vẫn chưa xuất hiện trở lại. Chúng tôi hỏi thì lại nghe câu trả lời quen thuộc của sư thầy: “Đã cất kĩ lắm rồi, nếu mất thì không đền được”.

Có một điều trăn trở trong lòng chúng tôi là sau khi xây nhà Tam bảo mới vào năm 2017 thì bức tượng đá nổi tiếng: Ngọc Động Thánh Tổ - sư tổ anh linh của làng Chài Võng La bị cho vào chốn hậu cung, bên ngoài khóa cửa, khách thập phương từ đó cũng không thể chiêm bái được nữa. Xót xa hơn là gian hậu cung và gian nhà Mẫu đang bị xuống cấp cực kì nghiêm trọng.

Sư thầy Thích Đàm Hòa bảo mỗi khi mưa thì nước trong gian nhà Mẫu, nhà tổ như nước ngoài sân. Sự việc trùng tu lại nhà Mẫu vẫn còn đang đợi nguồn kinh sách từ Nhà nước không biết đến khi nào mới được thực hiện?

Thiết nghĩ việc khi ngôi chùa xuống cấp thì trùng tu tôn tạo là cần thiết nhưng do nguồn kinh phí Nhà nước không đủ trùng tu tôn tạo một lần nên phải chia nhỏ ưu tiên dần dần cho từng công trình, hạng mục. Chỉ có điều, sau khi cả Nhà nước và nhà chùa bỏ ra nguồn tiền lớn mà 3 pho tượng quý nhất, cổ nhất đã được các nhà nghiên cứu di sản đánh giá, khẳng định thì hiện nay khách thập phương không được chiêm bái.

Vườn bia cũng bị để chỏng chơ từ nhiều năm này để đợi đến khi có dự án của Nhà nước xây dựng vườn bia. Quãng thời gian chờ đợi khá dài e rằng vườn bia hàng trăm năm tuổi này sẽ bị hư hại do thiên nhiên và con người tàn phá nếu không được nhanh chóng bảo quản một cách có khoa học.

Còn nữa, con đường hầm độc đạo trong lòng của ngôi chùa đã từng che giấu cán bộ, là ATK của những năm 1940-1945 vì điều ấy mà ngôi chùa mới được công nhận là Di tích lịch sử Cách mạng quốc gia cho đến nay vẫn chưa được khôi phục, hay gắn biển bên ngoài. Những điểm chính yếu của ngôi chùa như (tượng cổ, hầm độc đạo...) vẫn chưa thấy tăm hơi.

Ông Vũ Tiến Thìn, Bí thư xã Võng La, huyện Đông Anh, cho biết: Chùa Chài vào trước những năm 1945 có cây gạo gắn hòm thư bí mật của ATK Trung ương Đảng. Sau năm 1945, vào giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, tại đây có đào hố tăng-xê (hố du kích, hay còn gọi là hầm trú ẩn) nhưng theo thời gian thì hầm trú ẩn này không còn.

Năm 2017, UBND huyện Võng La kết hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trùng tu, tôn tạo lại chùa Võng La giai đoạn 1, xây xong nhà Tam Bảo bằng nguồn tiền xã hội hóa. Hiện nay, mặc dù nhà Mẫu của chùa Chài mưa dột và xuống cấp UBND xã, huyện, cả chính quyền và địa phương muốn xây lắm nhưng không có tiền, phải chờ nguồn vốn.

Trần Mỹ Hiền

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/ngoi-chua-co-dang-keu-cuu-597361/