Ngôi chùa cổ bên dòng Kênh De

Chùa Vích còn có tên gọi là 'Bích Tiên tự', được ghép từ tên của 2 làng Y Bích - Lộc Tiên, thuộc xã Hải Lộc (Hậu Lộc). Đây là vùng đất cổ do phù sa cửa Lạch Trường và con sông Kênh De bồi lắng tạo thành. Nơi đây, chùa Vích – ngôi chùa cổ vẫn an nhiên tồn tại cùng với dòng chảy của không gian và thời gian, chứng kiến bao thăng trầm lịch sử của quê hương cách mạng anh hùng.

Chùa Vích. Ảnh: N.N

Sách “Tên làng xã Thanh Hóa” có viết: “Làng Y Bích có chùa Vích được dựng từ thế kỷ XIV... Cửa Lạch Trường còn gọi là cửa Vích có dãy núi Hà Rò chắn giữ ở phía Đông Nam. Từ hòn Nẹ trở vào luôn có dòng đối lưu, khi triều lên, mũi nước chảy xói mòn vào cửa Lạch Trường, gặp nước sông Kênh De đổ ra biển, tạo ra một vụng lặng sóng ở vùng biển Hải Lộc, thuận tiện cho việc neo đậu tàu thuyền, là nơi tập kết các hạm thuyền của các triều đại phong kiến trước đây chống giặc ngoại xâm. Do ở vị trí có cửa lạch sâu và rộng, trong lịch sử thường xuyên có tàu của người nước ngoài cập vào buôn bán, trao đổi hàng hóa đã biến nơi đây thành thương cảng sầm uất, với sự xuất hiện của nhiều thương gia nước ngoài và các nhà truyền giáo”.

Những năm cuối thế kỷ XIX, hưởng ứng chiếu Cần vương chống Pháp của Vua Hàm Nghi, một số sĩ phu yêu nước ở Hậu Lộc cũng là những thủ lĩnh phong trào Cần vương như: Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt tổ chức chiêu mộ nghĩa quân tham gia lập căn cứ Ba Đình (Nga Sơn) chống Pháp. Làng Y Bích – Lộc Tiên đã có các ông: Đinh Chương Thâu, Nguyễn Đình Thống, Nguyễn Đình Phát, Dương Văn Chuốc là những đồ nho, lý dịch cùng nhiều trai tráng trong làng tham gia nghĩa quân. Khi căn cứ Ba Đình thất thủ, giặc Pháp kéo quân về càn quét làng Y Bích – Lộc Tiên để lùng bắt nghĩa quân, đốt nhà và định phá chùa Vích. Nhân dân đã tổ chức đấu tranh không cho giặc phá chùa, buộc chúng phải nhượng bộ. Vì vậy, chùa Vích vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Những năm 1936-1938 của thế kỷ XX, chùa Vích từng là nơi ở và hoạt động của đồng chí Đinh Chương Dương – một trong những vị cách mạng tiền bối ở Thanh Hóa. Nhiều người, trong đó có lớp thanh niên nho học ở làng Y Bích – Lộc Tiên đã được đồng chí giác ngộ, giới thiệu để đưa sang Trung Quốc học tập bồi dưỡng cách mạng, như: Đinh Chương Long, Bùi Văn Nho... Sau này, họ đã trở thành những cán bộ tích cực của Đảng. Trong thời gian hoạt động bán công khai, đồng chí Đinh Chương Dương đã liên lạc với nhiều cán bộ Đảng của tỉnh, như: Lê Chủ, Bùi Đạt, Trịnh Hồng Quế... để thống nhất chủ trương thành lập hội tương tế. Hội đã tổ chức nhiều đợt quyên góp giúp đỡ tù chính trị, nuôi giấu cán bộ cách mạng, cất giữ, in ấn tài liệu ủng hộ cách mạng tại chùa Vích.

Đinh Chương Phượng – con trai của đồng chí Đinh Chương Dương, đã tổ chức kết nạp Đảng cho 3 quần chúng ưu tú và tuyên bố thành lập Chi bộ Y Bích – Lộc Tiên do Đinh Chương Phượng làm bí thư. Chi bộ Y Bích – Lộc Tiên sau 10 năm hoạt động đã tập hợp được đông đảo quần chúng đi theo cách mạng, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở địa phương. Cùng với lớp đảng viên trước Cách mạng Tháng Tám, nhiều gia đình, cơ sở có công nuôi giấu các chiến sĩ cộng sản, bảo vệ cơ sở đảng trong các thời kỳ cách mạng đã đóng góp xứng đáng cho công cuộc giải phóng dân tộc, trong đó có chùa Vích đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2008.

Về kiến trúc của ngôi chùa Vích được cấu tạo theo hình chữ Công, gồm: nhà bái đường, trung đường và chính điện, tam quan, nhà thờ Tổ và nhà thờ Mẫu. Vẻ đẹp của chùa Vích đặc biệt ở chỗ là dấu ấn của kiến trúc cổ, địa hình và phong cảnh xung quanh đều có yếu tố phong thủy. Phía Nam của chùa là dãy núi Lạch Trường, phía Tây là con sông Kênh De án ngữ, phía Đông là biển và đảo. Toàn bộ khối kiến trúc chùa Vích được bố trí trên một diện tích rộng hơn 5.000m2, độc lập trong khung cảnh tự nhiên giữa núi, bờ biển, xóm làng và đảo xa.

Chùa Vích là công trình kiến trúc huy động nhiều công sức, của cải của dân làng. Một đặc điểm thể hiện sự tuân thủ kiến trúc cổ của chùa Vích đó là, so với tổng chiều cao, phần mái chiếm tới hơn nửa không gian kiến trúc của chùa, phần không gian hình hộp phía dưới thường thấp. Hai tầng mái của nhà bái đường khoảng chảy của tàu trước được đỡ bằng tường chắn mái, đưa nước sang hai bên hồi, tàu mái sau được liên kết với 2 mái gian giữa, điểm giao nối đó được đắp gờ chống bị dột nước. Giữa đỉnh nóc bái đường đắp trang trí hoa văn lửa và đường hoa văn kỷ hà được nối với hai đấu bát trên đỉnh tường hồi. Nối giữa bái đường và chính điện là nhà trung đường. Chính điện được kết cấu 4 mái, các cạnh mái được giao nối tạo thành một đường cong có cảm giác phần mái nhẹ nhàng. Đặc biệt, các bức tường chùa được xây dựng bằng 928 chiếc tiểu sành, theo Nhân dân địa phương quan niệm đó là biểu tượng của cứu nhân độ thế quy tập các linh hồn chúng sinh về ăn mày cửa Phật.

Một đặc điểm nữa của chùa Vích khi đã được xây kín xung quanh là các phần mộc, phần gỗ bên trong không chạm khắc. Vì vậy, kết cấu các vì ở đây cơ bản vẫn giữ nét kết cấu nhà gỗ của nông dân, được lắp dựng theo lối “bào trơn, đóng bén”. Kiến trúc chùa Vích thực chất có nguồn gốc từ kiến trúc dân gian với kết cấu khung gỗ đã quen biết từ lâu đời, mang đặc điểm của kiến trúc cổ Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII.

Loại hình hiện vật ở chùa Vích phong phú và đa dạng, phản ánh phong cách nghệ thuật ở thế kỷ XVII - XIX. Vào bên trong chùa có nhiều mô típ và hình khối khác nhau, nhưng không làm cho chúng ta cảm thấy tràn ngập, chật chội. Bởi mặt bằng kiến trúc được bài trí chỗ thưa, chỗ dày, chỗ cao, chỗ thấp, khối to, khối nhỏ của từng pho tượng, đồ thờ. Tất cả hài hòa, lắng đọng của một công trình Phật giáo mang phong cách Á Đông. Có thể phân chia đồ thờ thành 3 nhóm: Nhóm tượng gỗ 11 pho, nhóm thổ tượng 16 pho và các hiện vật khác. Số tượng gỗ trong chùa Vích biểu hiện các hình thức ngôn ngữ, hình dáng, kích thước, màu sắc khác nhau, chủ đạo là 3 màu đỏ, đen, vàng. Trong số này, nhóm thổ tượng có số lượng nhiều hơn, chiếm không gian kiến trúc lớn trong chùa. Đáng chú ý là nhóm tượng gỗ Tam thế, gồm 3 vị đại diện cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Tượng Tam thế được diễn tả theo một ngôn ngữ chung, thống nhất chặt chẽ từ kiểu dáng, khuôn mặt đến trang phục. Nét đẹp của tướng mạo lộ ra ngoài, biểu tượng cho trí tuệ, giác ngộ và siêu thoát, tất cả toát lên vẻ viên mãn, thanh thoát của cuộc đời hỷ xả. Số tượng pháp và những hiện vật ở chùa Vích nói lên trình độ của nghệ nhân về mặt tạo hình. Mỗi hiện vật không chỉ thể hiện cái đẹp, chuẩn mực về kỹ thuật, mà còn hòa quyện với tổng thể kiến trúc chung của ngôi chùa cổ này. Các hiện vật, đồ thờ khác như: bia đá, cột đá thiên, chuông đồng, đại tự, nghê gỗ, giá chiêng, ngai thờ, long khám,... được chạm khắc cầu kỳ, sơn son thếp vàng, thể hiện giá trị quý hiếm của di tích.

Như vậy, chùa Vích không chỉ có giá trị về công trình Phật giáo mà còn có ý nghĩa lịch sử, văn hóa của vùng văn hóa Lạch Trường nổi tiếng cần được tiếp tục giải mã. Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, ngày 26-4-2021, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 405/NQ-HĐND về việc chấp thuận danh mục các công trình, dự án phải thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2021, theo đó, chùa Vích sẽ được mở rộng quy hoạch thêm 1,3 ha về phía Đông và phía Bắc. Điều đó càng khẳng định tầm vóc, giá trị của ngôi chùa cổ bên dòng sông Kênh De, đồng thời đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của Nhân dân địa phương và quanh vùng.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-hang-thang/ngoi-chua-co-ben-dong-kenh-de/140402.htm