Ngồi chờ hệ lụy?!

Cùng với tiến độ giải ngân vốn đầu tư nói chung, tốc độ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài của Việt Nam khá tốt trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, từ năm 2014, tốc độ này dần thấp đi và tới nay đang rất chậm. Điều này tác động không tích cực đến sự phát triển của nền kinh tế. Đây là mối quan ngại lớn của các nhà tài trợ vốn.

6 nhà tài trợ chính của Việt Nam gồm Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (K-Exim), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã cùng nghiên cứu và đưa ra một số số liệu thống kê, trong đó chỉ rõ: Tỷ lệ giải ngân năm 2018 chỉ ở mức 11,2%, bằng một nửa so với tỷ lệ trung bình của giai đoạn 2011-2014 là 21,7%. Và tỷ lệ này cũng chỉ bằng một nửa các quốc gia khác. Cụ thể: tỷ lệ trung bình toàn cầu của ADB là 21%; WB 20,2%. Thậm chí, tỷ lệ giải ngân hiện tại của Việt Nam đang thấp hơn cả các quốc gia ngang hàng. Con số “chênh lệch” giải ngân năm 2018 khoảng 1,8 tỷ USD (gần bằng 0,75% GDP).

Hệ lụy của việc chậm trễ giải ngân vốn không khó để nhận ra. Đó là trả phí cam kết cao hơn; chi phí quản lý dự án cũng tăng lên theo thời gian; các tranh chấp về hợp đồng với nhà thầu không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ dự án mà còn ảnh hưởng tới uy tín của Việt Nam. Đặc biệt, hiệu quả các dự án cũng như những tính toán ban đầu của nhà tài trợ theo đó cũng bị ảnh hưởng. Những tác động này có thể chưa xuất hiện ngay lập tức nhưng về lâu dài sẽ phát sinh và ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Vậy làm thế nào?

Trả lời câu hỏi này không khó. Ví dụ như nhanh chóng sửa các quy định về đầu tư công cho thống nhất, rõ ràng, nhất là về vai trò và trách nhiệm của các cơ quan tham gia. Hay là nâng cao tính sẵn sàng của các dự án. Trực tiếp hơn thì đơn giản hóa các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư; thủ tục phân bổ ngân sách bổ sung; đảm bảo tính linh hoạt trong cập nhật Kế hoạch hàng năm; chuẩn bị đầy đủ vốn đối ứng khi cần,… Để kể ra thì không thiếu giải pháp, từ vi mô đến vĩ mô. Hơn nữa, những giải pháp đó không phải chưa làm mà đã và vẫn đang làm.

Thiết nghĩ, điều quan trọng hiện giờ là sự chủ động và quyết liệt của chính các đơn vị triển khai. Dù Chính phủ, Bộ Tài chính có tích cực đến đâu, có tháo gỡ đến đâu nhưng các bộ, ngành, địa phương vẫn ỷ lại, trông chờ hoặc “để dành” đến cuối năm thì tiến độ giải ngân vốn vài tháng tới vẫn sẽ “giậm chân tại chỗ” như bây giờ và ngày những hệ lụy kể trên ập đến cũng sẽ không xa.

Đông Mai

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/ngoi-cho-he-luy-109467-109467.html