Ngợi ca những người gieo hạt giống tâm hồn

Mỗi năm, cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 lại trở thành một dịp đặc biệt để nhiều thế hệ học trò bày tỏ lòng tri ân sâu sắc dành cho thầy cô giáo và cũng là sự kiện mang rất nhiều ý nghĩa cao quý đối với những người đang hoạt động trong ngành giáo dục. Để ngợi ca truyền thống 'tôn sư trọng đạo' tốt đẹp của dân tộc, rất nhiều tác phẩm thi ca với nội dung tôn vinh, ca ngợi nghề giáo cao quý đã ghi lại dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ người nghe nhạc Việt.

Tình thầy trò (Ảnh minh họa).

Tình thầy trò (Ảnh minh họa).

NGƯỜI THẦY CAO QUÝ

Với mỗi người học trò, trong suốt quãng đời đi học đều mang trong trái tim mình một hình mẫu của người thầy, người cô mình trân quý. Đó có thể là người thầy giáo làng, cô giáo cấp 1, 2, 3… hoặc vị giáo sư đại học khả kính. Tất cả đều có chung một cái tên “Người giáo viên nhân dân” tận tâm, yêu nghề và như người mẹ, người cha thứ hai.

“Người cầm bút người cầm súng người đi xa hãy nhớ ghi tên em/Tiếng em nói nhen nhóm bao ước mơ lý tưởng/Tiếng kêu hùng của lịch sử cha ông dựng nước/Em đi gieo hạt giống đẹp bao tâm hồn”

(Bài ca người GV nhân dân-Hoàng Vân)

Khi đất nước còn khó khăn, lựa chọn nghề giáo không phải là điều dễ dàng. Không chỉ với mức lương khiêm tốn, việc phải điều đi dạy học ở các vùng sâu vùng xa, chuyển khỏi thành phố hoặc rời xa quê hương nơi có tuổi thơ và gia đình gắn bó, luôn là một thử thách khắc nghiệt đối với nhiều thầy cô giáo trẻ. Có lẽ lúc này, không chỉ là sự lựa chọn nghề nghiệp mà còn như một sự cống hiến, một nhiệm vụ không phải ai cũng vượt qua được:

“Nào cùng đi, khi ta đã là người giáo viên nhân dân/ Khuya sớm chuyên cần dìu dắt tuổi xanh/Vượt qua chông gai phía trước/Nguyện đem tinh hoa dâng lên... Tổ quốc”

(Yêu người bao nhiêu yêu nghề bấy nhiêu-Nguyễn Văn Quý)

“Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi/Tính tình tang/Đàn cô hát trên nương trên bản nghèo/ Cô tìm ai tìm người yêu đang đứng đợi bên bờ suối chăng/ Không không không/Cô đi tìm dạy đàn em nhỏ chưa biết chữ trên đỉnh núi cao”

(Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi - Văn Ký)

LÒNG TRI ÂN CỦA BAO THẾ HỆ HỌC TRÒ

Những người trò nhỏ hồn nhiên, vô tư thậm chí rất nghịch ngợm năm xưa sẽ trưởng thành qua năm tháng. Mỗi người mỗi số phận, mỗi nhiệm vụ khác nhau. Thấm thoắt rồi mái tóc trò cũng phai màu theo năm tháng, cũng nhận được nhiều trải nghiệm trước cuộc đời. Nhưng trong ký ức một thời HS vẫn theo mãi mỗi người về một thời dưới mái trường mến yêu:

“Dù năm tháng vô tình trôi mãi mãi/Tóc xanh bây giờ đã phai/Thầy vẫn đứng bên sân trường năm ấy/Dõi theo bước em trong cuộc đời”

(Người thầy-Nguyễn Nhất Huy)

Tình cảm của bao thế hệ HS đối với các thầy cô giáo-những người đã trực tiếp dìu dắt, nâng đỡ, chèo lái bao chuyến đò đến với bến bờ tri thức luôn trong sáng, đẹp đẽ nhất, tinh khôi nhất:

“Như những người lái đò thầm lặng/Như dòng sông chở nặng phù sa/Như bài hát không lời để suốt đời bên trang giáo án/Như cánh buồn trở đầy khát vọng/Như cuộc đời thầy đơn sơ bên bục giảng”

(Người lái đò thầm lặng-Văn Sang)

Có lẽ cần nhắc đến một ca khúc thuộc lòng của bao thế hệ cắp sách đến trường: Bụi phấn. Đây cũng là một trong những bài hát hay nhất về thầy cô nhân ngày 20/11 được các bạn HS, SV biết đến và nghe khá nhiều, không khó để bắt gặp giai điệu của ca khúc này vang lên tại các buổi lễ tri ân thầy cô. Năm 2000, ca khúc Bụi phấn được chọn vào danh sách 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20 do báo Thiếu niên tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Khoa giáo VTV, Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức.

“Khi thầy viết bảng/bụi phấn rơi rơi/Có hạt bụi nào/rơi trên bục giảng/Có hạt bụi nào/vương trên tóc thầy.../Em yêu phút giây này/thầy em, tóc như bạc thêm/bạc thêm vì bụi phấn/đã cho em bài học hay”

(Bụi phấn-Vũ Hoàng & Lê Văn Lộc)

Bụi phấn là hình tượng đặc biệt diễn tả về những khoảnh khắc chân thật, giản dị, gần gũi và tâm huyết của người thầy trên bục giảng với mong muốn mang đến cho học trò những bài học sâu sắc, bổ ích. Màu phấn trắng vương lên tóc thầy cũng tượng trưng cho bao vất vả, hy sinh tuổi thanh xuân của thầy cô cho đàn con thân yêu. Với ca từ đơn giản, mộc mạc cùng phần giai điệu dễ nghe, dễ nhớ, Bụi phấn từ lâu đã trở thành ca khúc không thể thiếu trong ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Jan Amos Comenxki nhà giáo dục danh tiếng người Séc (Tiệp Khắc) từng nói: “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Quả vậy, người làm công tác giáo dục vẫn được ví như những người gieo hạt giống tâm hồn, kiến tạo nên thế hệ tương lai cho đất nước. Để có một đất nước hùng mạnh, tất yếu phải có một nền giáo dục lành mạnh, ưu tú và điều đó phụ thuộc lớn lao vào nhân cách và sự lao động tận tâm của chính những bậc giảng dạy.

Philoxêne De Cythêrê nhà thơ, triết gia Hy Lạp cổ đại đã viết rằng: “Phải tôn kính thầy dạy mình, bởi lẽ nếu cha mẹ cho ta sự sống thì chính các thầy giáo cho ta phương cách sống đàng hoàng tử tế!”

VŨ THANH HOA

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202011/ngoi-ca-nhung-nguoi-gieo-hat-giong-tam-hon-914034/