'Ngọc vũ trụ' phổ biến thiên văn học

Thiết bị FORS2 gắn trên Kính Thiên văn cực lớn VLT của Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ châu Âu tại Bán cầu Nam (ESO) đã chụp được bức ảnh thiên hà xoắn NGC 3981 rất rõ nét. Bức ảnh được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Những viên ngọc vũ trụ ESO (ESO Cosmic Gems).

Chương trình lợi dụng những cơ hội hiếm hoi, khi các điều kiện quan sát không thích hợp để thu thập dữ liệu khoa học để thực hiện những bức ảnh đẹp về bầu trời phía Nam bán cầu.

Trong số những thiết bị hiện đại gắn trên 4 kính viễn vọng chính trong tổ hợp VLT, thiết bị FORS2 có khả năng nghiên cứu các đối tượng thiên văn đa dạng bằng nhiều cách, đồng thời cũng có thể chụp được những bức ảnh đẹp.

Bức ảnh chụp thiên hà xoắn NGC 3981 cho thấy, các nhánh bao gồm các “dòng suối” bụi và các khu vực tạo sao cùng các ngôi sao trẻ và nóng. Thiên hà NGC 3981 hơi nghiêng so với Trái đất, vì thế các nhà thiên văn học dễ dàng “nhìn trực tiếp” vào trung tâm của nó – tức là khu vực chứa siêu lỗ đen. Họ cũng có thể quan sát được cấu trúc bên ngoài thiên hà mà một phần cấu trúc đó dường như kéo dài ra ngoài thiên hà, có thể là do ảnh hưởng hấp dẫn từ va chạm thiên hà xưa kia.

NGC 3981 chắc chắn có nhiều “thiên hà hàng xóm”. Nó ở cách Trái đất 65 triệu năm ánh sáng và là một thành viên của nhóm NGC 4038. Nhóm này lại là một phần của Đám mây Hố trũng (Crater Cloud) nằm trong Dải Ngân hà.

Thiên hà xoắn NGC 3981 không phải là đối tượng đáng quan tâm duy nhất trên bức ảnh. Ngoài các ngôi sao trong Dải Ngân hà, thiết bị FORS2 còn chụp được ảnh tiểu hành tinh cắt ngang bầu trời, trông như một vệt sáng yếu ớt phía trên bức ảnh.

Bức ảnh được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Những viên ngọc vũ trụ ESO. Đây là sáng kiến phổ biến khoa học, trong đó các nhà nghiên cứu chụp ảnh những đối tượng thiên văn hấp dẫn dành cho mục đích giáo dục và phổ biến thiên văn học.

Theo Tuấn Sơn -Nauka

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/ngoc-vu-tru-pho-bien-thien-van-hoc-3951892-b.html