Ngọc Lặc phát triển đồng đều về mọi mặt

Ngọc Lặc là huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới XDNTM)…

Mô hình trồng chanh đào của gia đình ông Phạm Bá Cường, Làng Rềnh (Đồng Thịnh - Ngọc Lặc).

Mục tiêu thành đô thị cửa ngõ phía Tây

Với mục tiêu xây dựng và phát triển trở thành đô thị cửa ngõ phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, Ngọc Lặc đang tập trung triển khai hàng loạt dự án. Xây dựng các khu đô thị theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, phân bố dọc theo các tuyến Quốc lộ 15A, Quốc lộ 45, Quốc lộ 217, đường Hồ Chí Minh... qua địa bàn. Thực hiện mở rộng địa giới hành chính thị trấn Ngọc Lặc, trong đó tập trung chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng các khu trung tâm đô thị, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu…; hướng tới thành lập thị trấn Phố Châu và thị trấn Ba Si, phấn đấu đến năm 2020 đầu tư xây dựng 5 tuyến đường giao thông nội thị với chiều dài 15km, chiều rộng 10,5 - 15m…

Để thực hiện tốt các mục tiêu, huyện tích cực thực hiện các khâu chiến lược như: Cải cách hành chính, kêu gọi thu hút đầu tư, đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực… ưu tiên nguồn lực đầu tư có trọng điểm vào các dự án động lực, quan trọng, nhằm tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại, bền vững.

Song song với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Ngọc Lặc cùng nỗ lực, chung sức XDNTM.

Tập trung xây dựng nông thôn mới

Ngay khi triển khai Chương trình XDNTM, Ngọc Lặc đã kiện toàn Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung tay thực hiện XDNTM.

Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2018, huyện có 13 thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; huy động được 221,9 tỷ đồng (trong đó: vốn huy động từ nhân dân là 200.15 tỷ đồng) cho Chương trình XDNTM. Thực hiện được 35,5km bê tông giao thông nông thôn; cấp phối đá sỏi 7,33km đường thôn xóm, nâng cấp 2,730km đường nội đồng; xây mới 1 trạm biến áp và 12 nhà văn hóa thôn…

Sau 7 năm thực hiện, huyện đã có 03 xã và 64 thôn đạt chuẩn NTM, bình quân toàn huyện đạt 12,02 tiêu chí/xã, không có xã nào đạt dưới 7 tiêu chí; 3 xã Phúc Thịnh, Đồng Thịnh và Quang Trung đang tập trung hoàn thành các tiêu chí và hoàn thiện hồ sơ đề nghị thẩm định công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2018.

Xác định phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng yếu để nâng cao thu nhập cho người dân, các địa phương đã mạnh dạn trong chuyển dịch cơ cấu cây giống, mùa vụ: chuyển đổi đất 2 lúa thành 3 vụ, đất 1 vụ lúa sang trồng 2 màu - 1 lúa, đất trồng lúa năng suất kém sang các cây trồng như: Mía, ngô, sắn dây…; hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo quy hoạch, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả cho doanh thu trên 100 triệu đồng/năm từng bước được nhân rộng.

Bên cạnh đó, Ngọc Lặc còn quan tâm tới công tác đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Phấn đấu cuối năm 2018, huyện có 70% số xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất, 70% số xã đạt tiêu chí thu nhập, 50% số xã đạt tiêu chí hộ nghèo và 100% số xã đạt tiêu chí lao động có việc làm.

Có thể thấy, Ngọc Lặc phát triển khá đồng đều về mọi mặt, đạt được nhiều kết quả tích cực. Đô thị được đầu tư phát triển theo hướng hiện đại hóa; cơ sở hạ tầng nông thôn đã được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, đúng quy hoạch; giao thông nông thôn cơ bản đáp ứng yêu cầu, thuận tiện cho việc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội cho các xã vùng sâu, vùng xa. Hệ thống tổ chức chính trị xã hội được củng cố kiện toàn, an ninh chính trị được giữ vững, đời sống nhân dân ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng.

Với những kết quả đạt được, hy vọng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Ngọc Lặc sẽ đạt được nhiều kết quả nổi bật hơn nữa, sớm hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Kiều Thủy

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/ngoc-lac-phat-trien-dong-deu-ve-moi-mat-post23559.html