Ngọc Khuê: Lần đầu được gọi là cô giáo tôi đã rơi nước mắt

Tôi gặp Ngọc Khuê vào một sáng mùa thu nắng nhẹ ở trường Đại học Văn hóa, đúng giờ chị đang lên lớp. Trong phòng học nhỏ xinh, cô giáo Khuê với mái tóc ngắn cá tính, đang phiêu cảm xúc bên phím đàn piano cùng học trò cưng.

Tôi gặp Ngọc Khuê vào một sáng mùa thu nắng nhẹ ở trường Đại học Văn hóa, đúng giờ chị đang lên lớp. Trong phòng học nhỏ xinh, cô giáo Khuê với mái tóc ngắn cá tính, đang phiêu cảm xúc bên phím đàn piano cùng học trò cưng.

Rời xa ánh đèn sân khấu, Ngọc Khuê cần mẫn “chở” từng nốt nhạc, truyền lửa đam mê cho học trò. Chị yêu lắm cái cảm giác lên lớp cùng các bạn sinh viên mỗi ngày. Với cô giáo Khuê, được thấy học trò trưởng thành, sống được bằng nghề, đó là điều mà chị hạnh phúc nhất.

Như một lẽ tự nhiên, cứ đến ngày tri ân nhà giáo, Ngọc Khuê lại trào dâng những xúc cảm bồi hồi, xúc động khó tả. Gương mặt chị rạng ngời hạnh phúc khi nhắc nhớ đến các thế hệ học trò “như những cánh chim rời khỏi tổ, cứ đến mùa thương, mùa nhớ lại bay về”.

Nữ ca sĩ Ngọc Khuê hiện đang giảng dạy tại trường đại học Văn hóa Hà Nội.

Nữ ca sĩ Ngọc Khuê hiện đang giảng dạy tại trường đại học Văn hóa Hà Nội.

“Tôi thích cảm giác ấy vô ngần”

- Là ca sĩ nổi tiếng, tại sao Ngọc Khuê lại bén duyên với nghiệp nhà giáo?

Sinh ra trong cái “nôi” có truyền thống về giáo dục, nên ngay từ thuở bé tôi chịu ảnh hưởng khá nhiều từ gia đình. Bố tôi là nhạc sĩ – họa sĩ- giảng viên trường đại học Mỹ thuật công nghiệp. Mẹ tôi trước đây cũng là quản lý ở một trường trung học và hiện tại chị gái đang là giáo viên dạy tiểu học. Bản thân tôi cũng có niềm yêu thích với nghề giáo.

Thực sự, tôi yêu lắm cái cảm giác được lên lớp mỗi ngày để giảng dạy cho học trò. Tôi cảm thấy khi truyền đạt cho các em những kiến thức mình tích lũy được sẽ ý nghĩa hơn so với việc chỉ đứng hát trên sân khấu. Khi cống hiến, cháy hết mình trên sân khấu mới chỉ thỏa mãn cái tôi của mình, nhưng tận trong sâu thẳm tôi luôn muốn được truyền lửa đam mê âm nhạc cho các học trò.

- Lần đầu tiên đứng trên bục giảng, được các trò gọi rất thân thương “cô giáo Khuê”, cảm xúc của chị lúc đó thế nào?

Tôi trưởng thành từ đội Họa mi của Cung thiếu nhi Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi trở về Cung thiếu nhi làm cộng tác viên giảng dạy cho các bé. Ngay lần đầu tiên nghe các con gọi mình là “cô giáo”, tôi đã rơi nước mắt vì quá xúc động. Tôi thích cảm giác ấy vô ngần!

- Vậy ngày 20/11 đầu tiên của cô giáo Ngọc Khuê có điều gì đặc biệt?

Tôi trải qua 20/11 đầu tiên trong muôn vàn cảm xúc. Các con ở câu lạc bộ Họa mi của Cung thiếu nhi Hà Nội gửi tặng tôi một tấm thiệp, lồng bên trong là bức tranh cô giáo do chính các con tự tay vẽ, kèm theo đó là đĩa CD thu một bài hát mà tôi đã dạy cho các con. Đó là món quà vô cùng đặc biệt mà các con đã kỳ công dành tặng tôi. Đến thời điểm này, tôi vẫn còn lưu giữ bức tranh và đĩa CD đó ở nhà.

- Cảm giác của cô giáo Ngọc Khuê khi được gặp lại các thế hệ học trò trong ngày đặc biệt này?

Năm 2011, tôi bắt đầu công tác giảng dạy ở trường đại học Văn hóa Hà Nội. Là một trong số những giáo viên trẻ tuổi ở trường, nhưng may mắn cho tôi khi đã có nhiều thế hệ học trò trưởng thành. Mỗi lần gặp lại, nhìn thấy các bạn trưởng thành, có cuộc sống ổn định, sống được bằng nghề, đó thực sự là niềm hạnh phúc với bản thân tôi và các giảng viên trong trường.

Lứa học trò đầu tiên của tôi đến nay đã lập gia đình hết rồi, nhưng 20/11 năm nào cũng vậy, các bạn đều quay về trường để tìm gặp cô giáo Ngọc Khuê. Khi các em quay trở về trường để tri ân các thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi cảm thấy mình rất may mắn khi được sống với nghề giáo, được truyền lửa đam mê cho các bạn. Và như một lẽ tự nhiên, cứ đến ngày đặc biệt này, trong tôi lại trào dâng những xúc cảm bồi hồi, xúc động khó diễn tả bằng lời. Các thế hệ học trò của mình, như những cánh chim rời khỏi tổ, cứ đến mùa thương, mùa nhớ lại bay về.

- Có kỷ niệm nào với học trò mà Ngọc Khuê ấn tượng nhất trong suốt quãng thời gian giảng dạy?

Có một kỷ niệm đặc biệt với học trò mà tôi không thể nào quên. Vào ngày 20/11 đầu tiên tôi giảng dạy ở trường đại học Văn hóa, các bạn sinh viên mang biếu tôi một can rượu 5 lít và thịt trâu gác bếp. Nhưng thú thật tôi lại không biết uống rượu. Tuy nhiên, trong lớp có nhiều bạn là người miền núi nên cô trò quyết định bày tiệc rượu “mở hội” tưng bừng luôn.

“Cô Mầu” chỉn chu

- Trên cương vị là giảng viên, Ngọc Khuê định hướng cho học trò như thế nào?

Thường thường, cô trò rất vui vẻ và hòa đồng với nhau. Bản thân tôi luôn muốn tạo không khí trong lớp học thật vui và thoải mái nhất, để các bạn dễ dàng tiếp thu được những kiến thức mình muốn truyền tải. Thực ra, cô trò lên lớp không chỉ học bài, mà tôi còn gần gũi, hỏi han, quan tâm đến cuộc sống, gia đình, xã hội của các em. Các bạn đang làm gì, muốn làm gì, sau này ra trường sẽ làm gì, tôi đều nắm được hết.

Tôi nghĩ rằng, những điều đó rất cần thiết với những bạn sinh viên đang tuổi tâm sinh lý thay đổi, có những suy nghĩ khác so với những lứa tuổi khác. Bởi vậy, việc ổn định tâm lý cho các bạn sinh viên tại thời điểm mới vào trường là rất quan trọng. Bản thân tôi hay thủ thỉ với học trò để tìm ra những hướng giải quyết mới, để gần gũi và hiểu các bạn hơn. Có trường hợp thi vào trường do gia đình bắt ép, có bạn lại vì thích và đam mê mà thi vào, nên đôi khi sẽ xảy ra những mâu thuẫn. Đó thực sự là bài toán khó khiến tôi trăn trở rất nhiều. Nếu gần gũi, quan tâm đến nhau thì sẽ giúp xóa nhòa khoảng cách cô trò trong những giờ lên lớp.

- Vậy trong mắt các bạn sinh viên, cô giáo Ngọc Khuê là người thế nào?

Giờ lên lớp, tôi là người khá khó tính và kỹ tính với học trò. Tuy nhiên, ngoài giờ, tôi lại coi các bạn như con cháu trong nhà, cô trò luôn gần gũi trò chuyện. Thậm chí, có những chuyện các bạn không nói với bố mẹ mà để dành tâm sự với cô Khuê. Các bạn rất hiểu tính tôi, nên không dám “lệch” đâu (Cười).

- Khác với hình ảnh nhí nhảnh, tưng tửng trước đây, Ngọc Khuê của hiện tại trầm tĩnh, ưu tư hơn. Phải chăng, nghiệp nhà giáo đã khiến chị thay đổi?

Trên cương vị là giảng viên của một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội, tất nhiên tâm thế, tác phong của mình phải khác trước hơn rất nhiều. Thay vì là một cô Mầu đỏng đảnh, dễ thương, nhí nhảnh như trước, giờ tôi chỉn chu, nghiêm khắc hơn. Hiện tại, tôi vẫn theo đuổi dòng nhạc dân gian đương đại, nhưng có phần chững chạc hơn theo lứa tuổi. Thế nên, không thể nào còn nhí nhảnh như thuở đôi mươi được.

- Người ta nói rằng, sau bao nhiêu năm Ngọc Khuê vẫn chưa vượt qua “cái bóng” Chuồn chuồn ớt. Chị có chạnh lòng?

Thực ra, tôi cảm thấy rất hãnh diện khi khán giả vẫn nhớ tới hình ảnh Chuồn chuồn ớt Ngọc Khuê. Người nghệ sĩ khi đã định hình được phong cách cho bản thân, được khán giả nhớ đến, đó là điều may mắn rồi. Đó là cái bóng của chính mình, vậy thì tại sao phải thoát ra để trở thành cái bóng của người khác?

Đến bây giờ, tôi vẫn luôn cảm nhận được tình cảm yêu mến của khán giả dành cho mình. Tôi rất hài lòng và vui khi mọi người vẫn dành sự ưu ái cho mình.

- Dự định sắp tới của Ngọc Khuê là gì?

Trong nghệ thuật và cuộc sống, tôi là người khá cầu toàn. Nhưng, bản thân tôi luôn cảm thấy bằng lòng với những gì mình có. Tôi luôn biết mình cần gì, muốn gì. Thẳng thắn nhìn nhận vào xã hội hiện nay, tôi thấy nhiều thứ đều được mua bằng tiền. Nếu không có tiền, thì các bạn sẽ khó lòng làm được một điều gì đó. Tôi thấy, giá trị nghệ thuật và âm nhạc không được coi trọng như trước đây. Thế nên, dù đã hoàn thành dự án âm nhạc của mình, nhưng tôi cảm thấy đây chưa phải là thời điểm thích hợp để ra mắt sản phẩm mới.

- Cảm ơn những chia sẻ của ca sĩ – cô giáo Ngọc Khuê!

Hà Linh

Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 46

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/ngoc-khue-lan-dau-duoc-goi-la-co-giao-toi-da-roi-nuoc-mat-a210655.html