Ngọc Hoa công chúa, truyền kỳ kể mãi

Thành phố Hội An những ngày này đang rộn ràng với chuỗi hoạt động giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 16 và điểm nhấn là vở diễn sống động, đầy màu sắc tái hiện đám cưới công chúa Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản Araki Sorato ở khu vực chùa Cầu.

Mộ công chúa Ngọc Hoa và chồng ở hậu viên Đại Âm Tự (Nhật Bản). Ảnh: T.L

Xem lại nhớ trong lịch sử xứ mình, nhiều cô công chúa tài sắc vẹn toàn vì lợi ích dân tộc sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân, nhưng hình như chỉ có mỗi Ngọc Hoa là kết thúc có hậu hơn cả.

Chân dung được cho là của công chúa Ngọc Hoa cách đây hơn 400 năm. Ảnh: T.L

Tầm nhìn của các Chúa Nguyễn

Mỗi khi chạm đến Hội An, tôi cứ hình dung về một ngày nào đó của hơn 400 năm trước. Ngày của lần đầu tiên chúa Tiên Nguyễn Hoàng đặt chân lên đỉnh đèo Hải Vân và lập tức nhận ra “chỗ này là yết hầu của miền Thuận Quảng” như Thực lục chép lại.

Để rồi sau đó chúa Tiên vượt núi, xem xét tình thế, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (thuộc huyện Duy Xuyên, Quảng Nam ngày nay) và xây kho tàng, chứa lương thực sau khi nhận thấy Quảng Nam là vùng “đất tốt, dân đông, sản vật giàu có” và sai hoàng tử thứ sáu là chúa Nguyễn Phúc Nguyên sau này vào trấn giữ.

Đó là một quyết định vô cùng sáng suốt. Bởi sau khi được truyền ngôi, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã có một công cuộc cải cách hành chính có ý nghĩa then chốt, đặt cơ sở cho những bước tiến xa hơn và vững chắc hơn của triều đình chúa Nguyễn nói riêng và đất nước nói chung. Bắt đầu bằng việc cho mở rộng quan hệ giao thương với nước ngoài, thúc đẩy kinh tế hàng hóa trong nước, xây dựng Hội An thành thương cảng quốc tế phồn thịnh. Tạo nên một hiện tượng kinh tế – xã hội hết sức độc đáo chưa từng xuất hiện trước đó.

Đặc biệt, trong số các nước phương Đông thời ấy, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đặc biệt quan tâm đến Nhật Bản. Ông không chỉ chủ động xúc tiến quan hệ giao thương với tư cách chính thức của vị đứng đầu nhà nước An Nam (An Nam Quốc Vương), tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thương nhân đến sinh sống, buôn bán ở Hội An, mà còn gả con gái nuôi yêu quý của mình là công chúa Ngọc Hoa cho một thương nhân Nhật Bản tên Araki ở Nagasaki để thắt chặt hơn nữa quan hệ với giới đại thương Nhật.

Nhưng ông Araki (tên tiếng Việt là Hoàng Mộc Tông Thái Lang) là người như thế nào mới được chúa Nguyễn Phúc Nguyên coi trọng đến mức phải kết làm thông gia? Theo như những gì ghi chép trong “Ngoại phiên thông thư”, một tư liệu cổ ghi lại thư từ ngoại giao giữa Nhật Bản thời Mạc phủ với các nước lâng bang thì ông Araki vốn là võ sĩ Samurai thuộc Higonokuni (tỉnh Kumamoto bây giờ), năm Thiên Chính thứ 16 (tức năm 1588) ông đã rời tới Nagasaki và bắt đầu nghề buôn bán bằng thuyền và sau đó trở thành một thương gia lớn.

Araki đã đi lại buôn bán giữa các nước Xiêm (là Thái Lan hiện nay) và An Nam (một phần của Việt Nam hiện nay). Ông cùng 8 doanh nhân khác đi thuyền mang cờ hiệu của công ty Đông Ấn Hà Lan VOC đến cập cảng Hội An vào năm 1619. Hành trình vượt biển đến Hội An của họ được miêu tả trong bức tranh “Giao Chỉ Quốc mậu dịch độ hải đồ” nổi tiếng của thương gia Chaya Shinroku.

Và theo nhiều sử liệu thì “Trong nhiều thương nhân đến Hội An buôn bán, Araki Sotaro được Chúa Nguyễn Phúc Nguyên có cảm tình và giao cho nhiều trọng trách tại Hội An”. Đặc biệt “Chúa Nguyễn Phúc Nguyên lập cho ông một tờ thư xác nhận ông đã tự nguyện ở dưới gối-tức làm chức quan trung thành với Chúa”.

Năm 1619, chúa Nguyễn Phúc Nguyên quyết định gả con gái nuôi của mình là công chúa Ngọc Hoa cho nhà lái buôn Nhật Bản tài ba này. Nhưng không hiểu vì lý do gì, một năm sau, ông Araki lại đưa vợ về Nhật Bản định cư ở Nagasaki, sinh được một con gái và cùng gây dựng nên một trung tâm thương mại tại Motoshikhui - Machi ở Nagasaki.

Tại đây bà quy y ở chùa Daionji (Đại Âm Tự) với pháp danh Diệu Tâm. Công chúa Ngọc Hoa mất năm 1645, sau 26 năm sống tại Nhật Bản, sau chồng 10 năm. Bà và chồng được chôn cất ở hậu viên Đại Âm Tự ở Nagasaki. Hiện nay, Viện Bảo tàng nghệ thuật Nagasaki vẫn lưu giữ chiếc gương soi của Công nữ Ngọc Hoa.

Hãy nhớ rằng, bấy giờ là năm 1619, tức cách đây hơn 400 năm, lúc mà việc một cô gái Việt Nam kết hôn với một chàng trai nước ngoài và ngược lại ở Nhật Bản là chuyện rất hiếm, và trong bối cảnh thời đó, ít nhiều thì chuyện tình của công chúa Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản là một “nhiệm vụ chính trị” mà chúa Sãi giao phó lên vai cô con gái nuôi của mình. Tuy vậy, rất ngạc nhiên là chuyện tình của họ lại trở thành một truyền kỳ nổi tiếng ở Nagasaki.

Tái hiện đám cưới công chúa Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản ở thành phố Hội An năm 2018.

Biểu tượng bang giao Việt – Nhật

Như những ghi chép trong sử sách Nhật Bản, đặc biệt là Hội Hữu Nghị Nagasaki – Việt Nam (Nagasaki-Việt Nam Frienship Association) thì tên của công chúa Ngọc Hoa được đặt theo tiếng Nhật là Wukaku (Vương Gia Cửu) nhưng do bà thường gọi chồng bằng tiếng Việt “anh ơi, anh ơi” nên người Nhật đã gọi bà bằng tên thân mật là Anio-san (từ “Anio” phát âm giống như câu nói cửa miệng của bà khi gọi chồng. Sau này các cô gái xinh đẹp, dễ thương cũng đều được gọi là Anio-san).

Công chúa Ngọc Hoa được người dân vùng Nagasaki yêu quý và ngưỡng mộ không chỉ bởi yếu tố nước ngoài mà còn vì việc thường xuyên đứng ra giúp đỡ cho dân bản địa trong việc buôn bán với Việt Nam. Ngày nay thì văn hóa vùng Nagasaki có nhiều nét tương đồng Việt Nam. Ví như người dân ở đây thường ăn trên bàn tròn trải vải đỏ, trong khi truyền thống Nhật ăn trên bàn chữ nhật màu nâu.

Hay người Nhật thường ăn uống theo khẩu phần riêng mỗi bữa ăn, mỗi người một khay nhỏ với nhiều đĩa thức ăn nhỏ, trong khi dân ở đây thường bày thức ăn trong đĩa lớn để mọi người cùng gắp ăn chung như người Việt. Và các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, sự giống nhau này được khởi nguồn từ công chúa Ngọc Hoa của hơn 400 năm trước!

Ở Hội An, đám cưới công chúa Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản Araki Sorato lần đầu tiên được tái hiện vào năm 2016. Nhưng ở Nagasaki, một lễ hội có tên Okunchi đã trở thành truyền thống được tổ chức hàng năm (từ ngày 7-9 tháng 10) nhằm tôn vinh sự giao thương của người Nhật với nước ngoài và nhắc nhớ công lao to lớn của vợ chồng Ngọc Hoa và Araki Sotaro (riêng năm 2014 đã có tới 7 lễ hội được tổ chức, liên tiếp trong khoảng thời gian dài).

Tại lễ hội, đám cưới của công chúa Ngọc Hoa cũng được phục dựng với một chiếc thuyền buôn cùng bé trai đóng vai Araki và bé gái đóng vai Ngọc Hoa. Bé trai mặc trang phục truyền thống Yukata, còn bé gái mặc áo dài Việt Nam, con thuyền vượt trùng khơi rồi trở về với một cặp uyên ương.

Thú vị là thời của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, không chỉ có mỗi công chúa Ngọc Hoa được gả cho người ngoại quốc mà còn có thêm 2 công chúa. Người đầu tiên là công chúa Ngọc Vạn (có tài liệu ghi là công nữ Ngọc Vạn), là con gái thứ hai của chúa Sãi. Năm 1620, theo lời cầu hôn của vua Chân Lạp (Campuchia bây giờ) Chey Chetta II, chúa Sãi thuận gả Ngọc Vạn cho ông, và bà trở thành hoàng hậu Chân Lạp với tước hiệu Brhat Mae Samdach Brhat Bhagavati Amara Deva Thida.

Công chúa Ngọc Vạn được vua Chey Chettha II rất yêu quý. Nhờ vậy mà một số người Việt đi theo công chúa cũng được cho giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình và nhiều người Việt khác thì được mở cửa hàng buôn bán ở gần kinh đô.

Người thứ 2 là công chúa Ngọc Khoa, là con gái thứ 3 của chúa Sãi, là em gái công chúa Ngọc Vạn. Theo “Nguyễn Phúc tộc thế phả”, năm 1631, bà được Chúa Sãi gả cho vua Chiêm Thành là Po Rômê. Nhờ có cuộc hôn phối này mà tình giao hảo giữa hai nước được tốt đẹp, để chúa Nguyễn có thể dồn lực đối phó với chúa Trịnh ở Đà Ngoài…

Ba cô công chúa được gả cho chồng ngoại ở ba phương trời khác nhau. Cũng là “vì nước quên thân cả” nhưng chỉ có Ngọc Hoa là một truyền kỳ được kể mãi ở cả Việt Nam và Nhật Bản và còn được đặt tên đường rất trang trọng ở thành phố Hội An, trở thành một biểu tượng của tình hữu nghị bang giao Việt- Nhật. Còn lại 2 công chúa Ngọc Vạn và Ngọc Khoa, không hiểu sao, sử sách, kể cả chính sử của triều Nguyễn lại gần như không ghi chép gì nhiều. Âu cũng là chuyện của “12 bến nước biết bến nào trong…” như lời một câu hát.

Tường Minh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/vh-gt/ngoc-hoa-cong-chua-truyen-ky-ke-mai-628206.ldo