Ngoạn mục bạch mã sơn

Là ngọn núi cao nhất ở Thừa Thiên - Huế, Bạch Mã với không gian hùng vĩ thoáng đãng, không những là điểm 'săn mây' lý tưởng, còn là nơi đón bình minh đẹp nhất trong top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam.

Đón bình minh trên đỉnh Bạch Mã.

Đón bình minh trên đỉnh Bạch Mã.

Ngựa trắng lang thang

Ngày 28 - 7 - 1932 ông F. Giard - kỹ sư cầu đường Đông Dương (người Pháp) lần đầu tiên phát hiện ra Bạch Mã. Sau đó 2 năm, Pháp cho làm một con đường nhỏ, hẹp bằng đất đỏ dẫn lên tới đỉnh. Năm 1936, tòa Khâm sứ tại Huế cho đấu thầu xây dựng 17 nhà nghỉ bằng gỗ, mãi đến năm 1938 mới có đường trải nhựa, xe ô tô cỡ nhỏ lên tới đỉnh. Đến năm 1945, Bảo Đại thoái vị, trên Bạch Mã có tất cả 139 biệt thự tọa lạc ở lưng chừng núi.

Bạch Mã ở vào độ cao trên 1.000 - 1.400 m so với mặt biển, nên khi chúng tôi thức dậy, mặt trời đã lên tới ngọn của các cây anh đào cổ thụ. Vậy mà khí hậu Bạch Mã vẫn dịu mát, dù hôm ấy dự báo thời tiết Thừa Thiên - Huế nắng nóng đến 34 độ. Thảo nào năm 1932 người Pháp tìm ra Bạch Mã liền ví von rằng đây là “Đà Lạt” thứ hai.

Vị trí vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã hiện nay được xác định trên bản đồ địa chính cách TP Huế khoảng 40 km về hướng Tây . VQG được Chính phủ thành lập năm 1991, đến năm 2008 mở rộng diện tích lên đến 37.487 ha. Số thực vật ở đây gồm 2147 loài. Động vật ghi nhận được 1.493 loài, đặc biệt có sao la. Về côn trùng, vườn quốc gia Bạch Mã xác định được 894 loài. Ông Nguyễn Phong, Trưởng phòng quản lý rừng và bảo tồn thiên nhiên ở Bạch Mã cho biết muốn khám phá hết VQG phải mất 2 - 3 ngày với điều kiện sức khỏe tốt, tất nhiên phải cần người dẫn đường.

Trước năm 1975 do chiến tranh ác liệt, vùng Bạch Mã rất hoang vắng. Ông Tôn Thất Lôi - một nhà giáo kiêm huynh trưởng Hướng đạo ở TP Huế, người trồng những cây hoa anh đào đầu tiên trên Bạch Mã kể rằng: “ Thời đó đường lên xuống núi nhỏ hẹp, nguy hiểm. Dăm ba nhóm người vào rừng làm tiều phu đốn củi, kiếm cây lá làm thuốc nam, hay bẫy chim và săn lan rừng đem về chợ Truồi (H. Phú Lộc) bán đong gạo. Rừng Bạch Mã đầy vắt hút máu và rắn rết”.

Dần dần được khám phá, ngọn núi kỳ ảo gần lại với người trần, Bạch Mã thu hút hàng vạn lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ ngơi. Đông vui nhất là kỳ nghỉ hè từ tháng 5 đến hết tháng 8. Mùa hè, du khách có nhiều thời gian ngắm cảnh ban ngày nhưng lúc này các điểm đến đều sẽ rất đông khách. Để tiết kiệm, du khách có thể ngủ lều cắm trại ngoài trời.

Đánh giá về VQG Bạch Mã, các chuyên gia nước ngoài đều có chung nhận xét đây là điểm tham quan tuyệt đẹp, một trong những vùng có khí hậu dễ chịu nhất trên bán đảo Đông Dương, mùa hè cũng không quá 26 độ C. Dù chỉ đến một, hai ngày rồi đi, Bạch Mã nguyên sơ và hùng vĩ rất khó quên.

Chập chùng rừng mơ

Ngày xưa nhìn lên núi Truồi (núi Truồi ai đắp mà cao/ sông Hương ai bới, ai đào mà sâu), người dân Thừa Thiên - Huế kể rằng: “ Trên đỉnh núi mù mây, thường có các vị tiên ngồi đánh cờ. Ngựa của tiên thả đi ăn cỏ, khi trở lại thì tiên đã bay về trời. Ngựa nhớ chủ lang thang đi tìm, hóa thành Bạch Mã”.

Bạch Mã sơn có dáng vẻ buồn, giống như con ngựa lạc bầy đứng giữa đồng xanh bao la mây mờ. Bây giờ, nó giậm giựt vó câu, giống như hân hoan chào chủ mới. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang xúc tiến đầu tư cáp treo, và mở đường thông thương với đường Hồ Chí Minh, để tạo cú hích cho tuyến du lịch Bạch Mã.

Năm 1998, vườn quốc gia Bạch Mã là một trong 30 VQG đã được xếp hạng và đưa vào danh mục bảo vệ nghiêm ngặt. Những cánh rừng nguyên sinh yên bình, những đỉnh núi quanh năm bao phủ mây mờ, những ngọn thác hùng vĩ thét gầm, những hồ nước trong vắt mát lạnh như nước đá, tất cả phong cảnh tươi đẹp, kỳ hoa dị thảo, chim muông quý hiếm hội tụ đầy đủ ở Bạch Mã.

Mùa Xuân là thời kỳ tham quan lý tưởng. Đỉnh Bạch Mã xanh tươi và trong lành, thời tiết lúc nào cũng mát mẻ. Khu rừng hai màu, trắng của mây trời hòa cùng màu lam sương núi. Những cánh rừng đỗ quyên bung nở, tô điểm thêm vẻ đẹp rực rỡ. Phía xa, sương mù như tấm phông vĩ đại bao phủ cảnh vật mờ ảo. Trên không những đám mây bồng bềnh, ôm ấp núi non. Những hang đá, thác nước trong rừng sâu chỉ có kiểm lâm và người bản địa biết.

Đường vào Nhị Hồ dễ đi, nhưng tới được thác Đỗ Quyên thì khó hơn. Đi sâu vào khoảng 2 km, những tán rừng già xuất hiện, nhiều cây gỗ quý trăm tuổi như táu muối, chò chỉ, nghiến. Cây cổ thụ san sát, thân ba người ôm không xuể. Không gian tịch mịch, chỉ còn tiếng nước chảy róc rách bên suối, gió thổi rì rào qua tán lá và tiếng hót líu lo của những loài chim rừng.

Sau khi nghỉ ngơi trong các biệt thự kiểu Pháp, du khách đi dạo trên các tuyến đường nằm quanh khu biệt thự. Đó là tuyến đường Trĩ Sao (dẫn đến thác Trĩ Sao, nơi có nhiều chim trĩ), đường mòn Đỗ Quyên (dẫn đến đỉnh thác Đỗ Quyên cao 300 m) nơi có rất nhiều hoa đỗ quyên đua nở vào mùa xuân. đường đến thác Ngũ Hồ (nơi có 5 hồ nước), đường lên Vọng Hải Đài (cuối đường đạt độ cao 1.450 m). Từ đây nhìn thấy toàn cảnh đèo Hải Vân, núi Túy Vân, đầm Cầu Hai và ánh điện lung linh của thị trấn Lăng Cô về đêm.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kinh-te-xa-hoi/ngoan-muc-bach-ma-son-6tGR8vaGR.html