Ngoại và Tết

Ngày xưa, ngoại ở quê, gia đình chúng tôi ở phố. Mẹ tôi là con gái đầu của ngoại nên thường được gọi là Hai. Cậu tôi thứ sáu nên ngoài cái tên còn được gọi là Sáu. Cậu Sáu tôi được ba mẹ tôi ở phố nuôi ăn học.

Khi có chút ý thức, chúng tôi hiểu rằng ngoại tôi làm lụng sinh sống vừa "tiếp tế" cho một cậu ở trong quê, vừa "tiếp tế" cho một cậu ra phố đi học ở nhà tôi. Nên ngoại như là con thoi đan bện hai chiều giữa quê và phố. Những ngày cuối năm, ngoại từ quê ra phố với lỉnh kỉnh gà, nếp, chuối. Nhớ nhất là những lần ngoại đi Tết thầy cho cậu. Các cụ dạy: "Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ hãy yêu lấy thầy". Các bậc phụ huynh xưa bày tỏ tấm lòng biết ơn các thầy cô giáo đã dạy dỗ con cái của mình bằng một tấm lòng chân thật với những sản vật sẵn có. Và cũng chỉ có một dịp Tết mà thôi. Ngoại tôi, đầu đội thúng nếp, tay xách con gà. Cậu tôi áo quần tươm tất đi bên cạnh ngoại đến nhà thầy. Lúc đó, trông cậu tôi ngượng nghịu lắm. Tôi, quần xà lỏn, áo may-ô miệng thì liến thoắng, chân nhảy như sáo chạy trước mở đường đến nhà thầy của cậu. Đến ngõ, chân cậu ngần ngừ, ngoại giục cậu bước vào cùng ngoại. Tôi đứng bên ngoài, lấm lét nhìn qua lỗ rào. Đợi một lát thì cả ngoại và cậu trở ra. Lúc này, cậu tôi mới linh hoạt hẳn lên. Những ngày giáp Tết, bọn học trò chúng tôi nghỉ học chạy lông nhông trong xóm. Niềm vui lớn nhất của tôi là được theo ngoại về quê ăn tết. Cho đến bây giờ tôi vẫn tự hỏi, không hiểu tại sao tôi lại có sự thích thú khác thường kia. Do vậy, sau ngày không phải đến trường, vừa chạy chơi, tôi vừa ngóng ngoại ra Tết thầy cho cậu để rồi được theo ngoại về quê ăn Tết. Ngoại sống một mình. Tuy ở quê, nhưng lại là xóm tản cư. Vườn tược nhà ngoại ở Lạc Thành, Điện Bàn cách đó vài ba cây số. Tôi nhiều lần đi bộ cùng ngoại về thăm vườn và xem ngoại trồng tỉa.

Xóm tản cư ở trên một cái gò, gọi là gò Muồng bởi mọc nhiều cây Muồng. Cây muồng thuộc dạng cây thân thảo, mọc thành lùm cao lút đầu bọn trẻ con. Hoa muồng nở thành chùm dài và có màu vàng cam đẹp mắt, nhưng có mùi hôi nên chẳng ai động đến. Người lớn cũng vậy. Trẻ con cũng vậy. Nhờ đó, hoa muồng cứ thản nhiên nở và lung linh trong trời chiều chập chờn hoài trong ký ức tuổi thơ tôi. Ở quê thời chiến tranh, không có đèn điện chỉ có đèn dầu. Ban đêm, đèn dầu chỉ đốt lên một lát rồi nhà nào cũng thổi tắt đi ngủ, vừa tiết kiệm lại vừa an toàn. Buổi chiều thường ăn cơm sớm. Tối đèn đốt lên một lát rồi cũng tắt sớm. Nếu không có việc gì khẩn cấp thì chẳng ai dám ra đường. Trước khi tắt đèn, ngoại soi đèn cho tôi chui vào hầm trước ngoại vào sau. Hầm nằm trong nhà, ngay bên cạnh bàn ngồi chơi, ăn cơm và uống nước. Ngoại bảo ban đêm phải ngủ hầm cho an toàn để đề phòng đạn lạc. Ngoại luôn bảo tôi như vậy. Tôi hỏi mấy đứa nhỏ hàng xóm của ngoại. Chúng nhe răng cười bảo: “Ngủ hầm nóng lắm, tao quen rồi, không sợ, khi nào nghe có tiếng súng nổ đâu đó mới nhảy tót vô hầm”. Nhưng tôi thì phải tuân lệnh ngoại. Nên đêm nào cũng phải ngủ trong hầm. Nóng thì ngoại quạt cho ngủ. Giữa màn đêm đặc quánh, hai bà cháu chuyện trò thầm thì và tôi ngủ lúc nào cũng chẳng hay. Tôi là thằng bé vốn dĩ tò mò nên hỏi ngoại đủ thứ chuyện thuộc về ngày xửa ngày xưa của ngoại và của những người thân quen. Có câu đêm trước hỏi đêm sau lại hỏi, vì khi ngoại kể tôi đã ngáy khò rồi. Vậy mà ngoại cũng kiên nhẫn kể cho tôi nghe.

Buổi sáng, khi tôi thức dậy thì trời đã sáng banh mắt. Ngoại tôi trước đó đã dậy và làm biết bao nhiêu công việc rồi. Sau thức dậy và ăn uống chặt bụng, tôi lẽo đẽo theo sau ngoại đi thăm vài người quen và nhận tiền lì xì. Thú vị nhất là lúc tôi được tự do chạy theo mấy đứa cùng trang lứa. Trong ba ngày Tết, vẫn có những người ngồi rung bầu cua tôm cá bên gò. Có lần tôi với mấy đứa bạn bị thua về kể ngoại nghe. Ngoại la, bảo được lì xì đồng nào để dành khi nào về đi học lại có tiền mà ăn kẹo. Sát nhà ngoại có một đứa bằng tuổi tôi. Nghe đâu có chút huyết thống bà con xa gần chi đó. Nó thường cho tôi cỡi con trâu mà nó chăm. Con trâu đang độ trưởng thành, đen bóng vừa cao lại vừa to. Thú thật, lần đầu tiên leo lên lưng trâu để cỡi, tôi cũng run lắm và tim đập thình thịch. Tôi thấy nó phóc lên lưng trâu thật là dễ dàng như con nhái béng nhảy trên những chiếc lá sen. Tôi thì không làm được điều đó. Bỗng dưng, nó đập mông con trâu và hô một tiếng gì như là... phép thuật. Con trâu đứng lại, quỳ hai chân trước xuống để tôi leo lên. Chỉ có nó mới khiến cho con trâu làm được điều đó. Tôi phục lăn nó về chuyện này. Nhưng nó cười hiền và khiêm tốn bảo, tập cho trâu quen rồi, có chi đâu mà khen. Bù lại, nó phục tôi hàng chục chuyện khác. Nó thường nói “mày ở phố chuyện gì cũng biết, giỏi hơn tau ở quê nhiều”...

Gần năm mươi năm trôi qua. Đời người biết bao nhiêu thay đổi và biến động. Ngoại, từ lâu đã hóa ra người thiên cổ. Cuối năm. Đông tàn. Giá lạnh dần tan. Nắng ấm. Xuân đến. Tết về. Chợt nhớ ngoại. Nhớ khi ngoại đi Tết thầy cho cậu và nhớ nhất vẫn là những năm theo ngoại về quê ăn Tết, ngủ hầm. Nhớ cả những lần theo bạn cỡi trâu ngắm hoa muồng màu cam rực rỡ cả một góc gò.

MAI HỮU PHƯỚC

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_179534_ngu-dan-tru-ng-lo-c-bie-n-.aspx