Ngoại trưởng Nga thăm Trung Quốc ngay sau hội đàm Mỹ-Trung

Hôm qua, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc, kêu gọi Moscow và Bắc Kinh giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ và các hệ thống thanh toán của phương Tây để đẩy lùi điều mà ông gọi là chương trình nghị sự theo ý thức hệ phương Tây.

Ông Lavrov, trong chuyến thăm hai ngày, dự kiến hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc vào thời điểm quan hệ của cả hai nước với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang căng thẳng, theo Reuters.

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc hồi cuối tuần trước đã có một cuộc đàm phán khó khăn ở Alaska, trong khi đại sứ Nga ở Mỹ được triệu hồi về Moscow hôm Chủ nhật để tham vấn sau khi ông Biden nói ông tin rằng Tổng thống Vladimir Putin là “kẻ giết người”.

Nga cũng đang chuẩn bị đối phó với một vòng trừng phạt mới của Mỹ mà nguyên nhân là những gì Washington nói là sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, điều mà Moscow phủ nhận.

Phát biểu trước truyền thông trước khi bắt đầu chuyến thăm, Ngoại trưởng Lavrov nói Moscow và Bắc Kinh buộc phải phát triển độc lập với Washington để ngăn cản “những nỗ lực của Mỹ” nhằm hạn chế sự phát triển công nghệ của họ.

“Chúng ta cần giảm thiểu rủi ro (liên quan đến các lệnh) trừng phạt bằng cách tăng cường độc lập về công nghệ, bằng cách chuyển sang thanh toán bằng tiền tệ quốc gia và tiền tệ toàn cầu, thay thế cho đồng đô la”,ông Lavrov nói.

“Chúng ta cần bỏ dần việc sử dụng các hệ thống thanh toán quốc tế do phương Tây kiểm soát.”

Trước chuyến thăm của ngoai trưởng Nga, tờ Hoàn cầu thời báo của Trung Quốc, nói chuyến đi của ông Lavrov là một dấu hiệu cho thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung Quốc và Nga sẽ hạn chế tác động của cái mà họ gọi là “sự gây rối của Mỹ”.

“Thời điểm của chuyến thăm rất đáng chú ý vì nó có nghĩa là Nga là quốc gia đầu tiên mà Trung Quốc chia sẻ thông tin và ý kiến về các vấn đề quan trọng sau cuộc hội đàm trực tiếp giữa Trung Quốc và Mỹ”, tờ báo bình luận.

“Mối quan hệ Nga-Trung hiện tại được các nhà lãnh đạo và nhân dân của chúng tôi đánh giá là tốt nhất trong chiều dài lịch sử”. “Quan hệ Nga-Trung được đánh dấu bằng quan hệ đối tác toàn diện và phối hợp chiến lược, đã bước sang một kỷ nguyên mới”, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga được dẫn lời, nói.

Theo quan điểm của ông Lavrov, ở mức độ lớn, quan hệ song phương đã đạt đến mức độ chưa từng có nhờ Hiệp ước láng giềng và hợp tác hữu nghị Nga-Trung được ký tháng 7/2001.

Kẻ thù của kẻ thù là bạn

Xem xét các diễn tiến gần đây liên quan đến mối quan hệ Mỹ-Nga-Trung Quốc, việc Moscow và Bắc Kinh tỏ ra khăng khít không khiến người ta ngạc nhiên. Mối quan hệ giữa Mỹ với hai đối thủ địa-chính trị lớn nhất đang phải đối mặt với những thử thách gay gắt khi Tổng thống Biden cố gắng khẳng định vị trí của Mỹ trên thế giới và phân biệt mình với người tiền nhiệm.

“Trung Quốc là đối tác chiến lược thực sự của Nga và là một quốc gia có cùng chí hướng, và cuộc đối thoại tin cậy và tôn trọng lẫn nhau của hai nước sẽ là tấm gương cho các nước khác”.

Tân Hoa Xã dẫn lời Ngoại trưởng Sergei Lavrov

Chính quyền Biden đã có thái độ cực kỳ cứng rắn với Trung Quốc và Nga trong tuần qua. Các cuộc tranh cãi công khai giữa các nước nổ ra khi ông Biden mô tả Tổng thống Nga Vladimir Putin là “kẻ giết người” và các trợ lý an ninh quốc gia hàng đầu của ông khiến Trung Quốc phẫn nộ vì nhiều vấn đề.

Moscow và Bắc Kinh đều “nổ súng” đáp trả, tạo tiền đề trong nhiều tháng, nếu không muốn nói là lâu hơn nữa, căng thẳng leo thang khó giải quyết nếu không có các cuộc thảo luận ở cấp lãnh đạo và những nhượng bộ lớn từ tất cả các bên.

Hãng tin ABC news của Mỹ viết: Mặc dù những bình luận mạnh mẽ của ông Biden về ông Putin phản ánh sự thay đổi từ cách tiếp cận hòa giải thường thấy của ông Donald Trump đối với Điện Kremlin, những lời chỉ trích gay gắt nhắm vào Trung Quốc của Ngoại trưởng Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, theo nhiều cách, phản ánh đường lối cứng rắn của chính quyền tiền nhiệm đối với Bắc Kinh.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/ngoai-truong-nga-tham-trung-quoc-ngay-sau-hoi-dam-mytrung-1810789.tpo