Ngoại trưởng Mỹ thăm Đức: Gian lao trọng trách 'làm lành'

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Berlin trong chuyến thăm Đức lần đầu tiên trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao nước Mỹ. Với danh sách dài các hồ sơ thảo luận, liệu ông có thể hàn gắn quan hệ ngày một sứt mẻ giữa Mỹ và Đức? Bình luận của Báo TG&VN.

Thứ Sáu ngày 31/5, lá cờ của Mỹ, Đức và Liên minh châu Âu (EU) mới một lần nữa có dịp phấp phới cùng nhau trên Phủ Thủ tướng tại Berlin. Điều này khiến nhiều người liên tưởng về vài thập kỷ trước, khi thủ đô nước Đức trở thành điểm đến thường xuyên của các đời Tổng thống Mỹ. Song giờ đây, mọi chuyện đã khác.

Vì sao lạnh nhạt?

Kể từ khi nhậm chức, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ghé thăm hơn 40 quốc gia, song ông dường như chưa bao giờ có thời gian dành cho nước Đức. Lời hứa gần đây nhất của ông về công du Berlin một tuần trước cũng đã phải gác lại để nhường chỗ cho chuyến thăm khẩn cấp tới Iraq. Điều gì đã quan hệ thân thiết một thời trở nên lạnh nhạt đến như vậy?

Thái độ của Washington dành cho Berlin dưới thời Tổng thống Donald Trump có lẽ là nguyên nhân hàng đầu. Vô vàn lời chỉ trích nhắm vào thâm hụt thương mại Mỹ - Đức, thúc giục đóng góp cho ngân sách Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), kêu gọi Berlin “nghỉ chơi” với Moscow hay cứng rắn hơn với Bắc Kinh khiến ngay cả những người Đức bình tĩnh nhất cũng phải nóng mặt, dù đó có là Thủ tướng Angela Merkel hay Ngoại trưởng Heiko Maas.

Song suy cho cùng, với tư cách là một quốc gia đứng đầu EU, Đức vẫn là đối tác chiến lược của Mỹ tại châu Âu và quan hệ song phương xấu đi sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới triển khai chính sách của Washington. Là người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ, ông Mike Pompeo một lần nữa gánh vác trọng trách “làm lành” mối quan hệ giữa bà Merkel và ông Trump, song đây sẽ là một nhiệm vụ không hề đơn giản.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc gặp ngày 31/5 tại Berlin. (Nguồn: Reuters)

Khởi đầu thuận lợi

Mọi chuyện đã khởi đầu một cách tương đối thuận lợi khi Ngoại trưởng Mỹ nhận được sự đón tiếp trọng thị đến từ Thủ tướng và Ngoại trưởng Đức. Giới quan sát cho rằng khác với Tổng thống Donald Trump, ông Pompeo đã thể hiện một thái độ thân thiện và hòa nhã đối với người đồng cấp Heiko Maas cũng như nhà lãnh đạo Angela Merkel. Thậm chí, Ngoại trưởng Mỹ còn không ngần ngại chia sẻ về quãng thời gian đóng quân tại Đức nhiều năm về trước. Chính sự cởi mở này đã khiến cuộc gặp gỡ của ông với hai quan chức hàng đầu của Berlin thoải mái hơn.

Phát biểu sau cuộc hội kiến, ông Pompeo gọi Berlin là “đối tác, đồng minh lớn và quan trọng” của Washington và hai bên cần phối hợp nhiều hơn nhằm đạt được an ninh, hòa bình và ổn định. Về phần minh, Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel khẳng định bất chấp những khác biệt song phương, Mỹ tiếp tục là “đối tác quan trọng nhất của Đức” bên ngoài EU. Tương tự, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định Berlin có “nhiều giá trị và mục tiêu chung” với Washington.

Kết thúc chông gai

Chào hỏi xã giao là vậy, song xét trên thực chất, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo không đạt được nhiều tiến triển khi chưa thể cải thiện đáng kể, quan hệ song phương vốn đang trở nên nguội lạnh. Các vấn đề nóng như Iran, Syria, Dòng chảy Phương Bắc 2, đóng góp ngân sách quốc phòng của Đức cho NATO hay quan hệ với Trung Quốc đều xuất hiện trong hai cuộc thảo luận, nhưng đều không được đề cập trong phát biểu họp báo.

Theo đó, về Iran, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng dù có chung mục tiêu ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, song cách tiếp cận của Berlin là hoàn toàn khác, khi cố gắng cứu vớt thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, vốn bị đổ bể sau hành động đơn phương của Tổng thống Donald Trump. Về vấn đề này, ông Pompeo cho biết sẽ không ngăn chặn EU xây dựng cơ chế bảo vệ các công ty châu Âu làm ăn với Tehran khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ, nếu cơ chế này nhằm cung cấp các nhu yếu phẩm và hàng hóa được cho phép.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp nước chủ nhà Heiko Maas không đạt được đồng thuận trong nhiều vấn đề tại Berlin. (Nguồn: Reuters)

Một vấn đề then chốt khác là quan điểm của Mỹ xung quanh dự án đường ống khí gas Dòng chảy Phương Bắc 2 từ Nga tới Đức. Washington đã nhiều lần chỉ trích, thậm chí là đe dọa trừng phạt nếu kế hoạch này được triển khai, cho rằng sự phụ thuộc về năng lượng của Brussels vào Moscow có thể ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh của châu Âu. Tuy nhiên, khi được hỏi, ông Pompeo đã từ chối trả lời về khả năng Mỹ tiến hành trừng phạt các công ty Đức tham gia vào dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.

"Người mở nút"

Người đứng đầu ngành ngoại giao xứ cờ hoa cũng kêu gọi Berlin dừng hợp tác với tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc trong thiết lập và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ mạng 5G. Trước đề xuất của ông Pompeo, Ngoại trưởng nước chủ nhà Heiko Maas cho rằng công ty Đức có “tiêu chuẩn an ninh” rất cao mà các nhà đấu thầu cần phải thỏa mãn.

Những kết quả này cho thấy Mỹ và Đức còn rất nhiều chuyện phải làm nếu muốn quan hệ song phương trở lại quỹ đạo như trước.

Ngạn ngữ có câu: “Ai thắt nút thì người đó phải mở nút” và chừng nào “người thắt nút” chưa hành động, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo nhằm hàn gắn quan hệ quan hệ Washington – Berlin, dù đã đạt được thành tựu trong việc xây dựng tiền đề cho các cuộc đối thoại tương lai, vẫn chỉ là “muối bỏ bể” mà thôi.

Minh Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-truong-my-tham-duc-gian-lao-trong-trach-lam-lanh-95200.html