Ngoại trưởng Mỹ khẳng định tiếp tục theo đuổi đàm phán với Triều Tiên

Bất chấp việc Triều Tiên tuyên bố 'lấy làm tiếc' về kết quả đàm phán tại Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiếp tục khẳng định quyết tâm theo đuổi các cuộc đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa với Triều Tiên.

Trả lời phỏng vấn báo chí sau cuộc hội đàm với hai người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc tại thủ đô Tokyo ngày 8/7, Ngoại trưởng Pompeo cho biết ông đã nêu vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên trong các cuộc thảo luận với giới chức cấp cao Triều Tiên tại Bình Nhưỡng và phía Triều Tiên đã không phản đối điều này.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải) và Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol (trái, phía trước) tới cuộc hội đàm tại Bình Nhưỡng ngày 7/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, ông thừa nhận vẫn còn rất nhiều việc phải làm và tin rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn giữ vững cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân mà ông đã đưa ra tại cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 12/6 vừa qua tại Singapore. Ngoại trưởng Pompeo nêu rõ: "Con đường phía trước sẽ khó khăn, nhiều thách thức và chúng tôi biết rằng những người chỉ trích luôn tìm cách đánh giá thấp thành quả mà chúng tôi đã đạt được".

Tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Triều Tiên có những phát biểu "lệch pha" về kết quả các cuộc đàm phán tại Bình Nhưỡng trong chuyến công cán đến Triều Tiên của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ. Trong khi phía Mỹ cho là đã đạt được “bước tiến” trong mọi nội dung đàm phán nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên hoàn toàn, phía Triều Tiên lại lấy làm tiếc về kết quả đàm phán và cho rằng phía Mỹ đã “đơn phương đưa ra những đòi hỏi thái quá”.

Thậm chí, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) sau đó còn tuyên bố kết quả cuộc đàm phán là "vô cùng đáng lo ngại", làm lung lay quyết tâm "vững chắc và kiên định" của Triều Tiên trong việc từ bỏ chương trình hạt nhân của mình, đồng thời chỉ trích việc Washington ép buộc Bình Nhưỡng, tìm kiếm mục tiêu phi hạt nhân hóa một cách toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

KCNA cũng nhắc lại lập trường kiên quyết rằng "cách thức nhanh nhất" để có được một Bán đảo Triều Tiên không vũ khí hạt nhân là thông qua cách tiếp cận theo từng giai đoạn, trong đó cả hai bên phải đồng thời thực hiện các hành động “có đi có lại” hướng tới phi hạt nhân hóa.

Với những tuyên bố trái chiều sau khi Ngoại trưởng Pompeo rời Triều Tiên, một số thượng nghị sĩ Mỹ đã bày tỏ quan ngại về những chỉ trích gay gắt của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục duy trì sức ép đối với Bình Nhưỡng. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Joni Ernst, một thành viên của Ủy ban Quân lực Thượng viện, cho rằng nên sớm nối lại các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc nếu các cuộc đàm phán với Triều Tiên gặp khó khăn.

Trong khi đó, một số khác cũng bày tỏ lo ngại nguy cơ các cuộc đàm phán đang rơi vào khó khăn, đồng thời suy đoán có sự tác động của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán Mỹ - Triều, đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung đang leo thang. Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Fox News của Mỹ, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đã cáo buộc "Trung Quốc đang lôi kéo Triều Tiên" để giành lợi thế trong tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.

Tuy nhiên, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc số ra ngày 8/7 đã đăng bài viết phản bác rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên không phải là điều mà Trung Quốc có thể kiểm soát được, đồng thời khẳng định lập trường của Bắc Kinh hoàn toàn ủng hộ tiến trình phi hạt nhân hóa.

TTXVN/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/ngoai-truong-my-khang-dinh-tiep-tuc-theo-duoi-dam-phan-voi-trieu-tien-20180709112015059.htm