Ngoại trưởng Mỹ: Iran sẽ nhận sự cô lập và trừng phạt hơn nữa

Ông Pompeo cảnh báo Iran về 'sự cô lập và trừng phạt hơn nữa' sau khi Iran công bố kế hoạch làm giàu uranium vượt mức cho phép.

“Kế hoạch mở rộng chương trình hạt nhân mới nhất của Iran sẽ dẫn tới sự cô lập và trừng phạt thêm. Các nước nên khôi phục tiêu chuẩn dài hạn về việc không làm giàu uranium đối với chương trình hạt nhân của Iran. Chính quyền Iran được trang bị vũ khí hạt nhân sẽ tạo ra mối đe dọa lớn hơn đối với thế giới”, ông Ngoại trưởng Mike Pompeo viết trên Twitter.

Cùng ngày, phát biểu với các phóng viên tại Morristown, bang New Jersey, Mỹ hôm 7/7, Tổng thống Donald Trump cảnh báo Iran nên cẩn trọng. “Iran tốt hơn hết nên cẩn trọng, bởi họ làm giàu uranium chỉ vì một lý do, và tôi sẽ không nói lý do đó là gì. Nhưng điều đó không tốt. Họ tốt hơn hết nên cẩn trọng”, Tổng thống Trump nói .

 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Ảnh: Sputnik)

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Ảnh: Sputnik)

Tuyên bố cứng rắn của chính quyền Mỹ được đưa ra sau khi Iran ngày 7/7 thông báo kế hoạch làm giàu uranium vượt mức giới hạn 3,67% được quy định tại thỏa thuận hạt nhân. Người phát ngôn Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran cho biết nước này “sẵn sàng làm giàu uranium tới bất kỳ cấp độ nào và với bất kỳ số lượng nào trong vài giờ nữa" và nói giảm cam kết của quốc gia đối với Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA).

Hôm 3/7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng vào ngày 7/7, Tehran sẽ bắt đầu làm giàu uranium ở các cấp độ được quy định trong JCPOA và sẽ duy trì sự làm giàu đó ở mức độ mà họ cho là cần thiết.

Vào ngày 8/5/2018, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút hoàn toàn khỏi hiệp ước JCPOA lịch sử năm 2015 và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Một năm sau, Tehran tuyên bố sẽ đình chỉ một số nghĩa vụ theo thỏa thuận, đưa ra các bên ký kết thỏa thuận hạt nhân khác - Pháp, Đức, Anh, Nga, Trung Quốc và Liên minh châu Âu - 60 ngày để cứu hiệp định bằng cách tạo điều kiện cho xuất khẩu dầu và thương mại với Iran trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Washington, Tehran đe dọa sẽ vượt quá giới hạn về nguồn cung uranium được phép theo hiệp ước. Đồng thời, Iran cảnh báo rằng nếu các bên ký kết JCPOA còn lại không đảm bảo sự bảo vệ của Iran trước khi hết thời hạn, nước này sẽ tiếp tục xây dựng Cơ sở Lò phản ứng nước nặng Arak.

Sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước, Pháp, Đức và Vương quốc Anh đã tạo ra một cơ chế chung để tiếp tục làm ăn với Iran, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ba nước đã thông báo vào ngày 31/1 rằng cơ chế, được đặt tên là Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX), đã được tạo ra.

Trong giai đoạn đầu tiên, cơ chế này sẽ đảm bảo việc cung cấp thuốc, thiết bị y tế và nông sản, nhưng Tehran muốn INSTEX giúp nước này xuất khẩu dầu, một trong những trụ cột của nền kinh tế Iran. Nga đã liên tục ủng hộ để duy trì JCPOA, và mở rộng hợp tác kinh tế và tài chính với Iran, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Bộ Ngoại giao Anh hôm 7/7 kêu gọi Iran “dừng ngay lập tức và đảo ngược mọi hoạt động không đúng với cam kết” tại thỏa thuận hạt nhân. Đức và Liên minh châu Âu (EU) cũng lên tiếng phản đối Iran.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga, ông Sergei Lavrov, Nga kêu gọi Iran thể hiện sự kiềm chế và tôn trọng các điều khoản chính của thỏa thuận.

Phương Anh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/ngoai-truong-my-iran-se-nhan-su-co-lap-va-trung-phat-hon-nua-d485529.html