Ngoại trưởng Mỹ công du Triều Tiên lần 3: Màn khởi động khó khăn

Kết quả chuyến công du lần thứ ba của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng kể từ đầu tháng 4 năm nay có thể đánh giá là khá khiêm tốn.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) trong cuộc hội đàm với Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol (phải) tại Bình Nhưỡng ngày 7/7. Ảnh: YONHAP/ TTXVN

Những tuyên bố của ông Pompeo cũng như giới chức Triều Tiên sau chuyến thăm, đặc biệt việc người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ không gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un như hai lần trước, đang khiến dư luận khu vực đặt nhiều dấu hỏi.

Lần thứ ba tới Triều Tiên và là lần đầu tiên sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ- Triều, ông Pompeo rõ ràng mang trên vai một gánh nặng lớn: làm sao phải đạt được thỏa hiệp với Triều Tiên về những nội dung cụ thể hóa tuyên bố phi hạt nhân hóa mà hai bên cam kết trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore hôm 12/6.

Gánh nặng càng chồng chất khi ngay trước thềm chuyến công du quan trọng này, ông Pompeo lại phải chịu thêm áp lực bởi ở Mỹ xuất hiện nhiều hoài nghi về cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, khi có tin tình báo cho biết Triều Tiên có thể đang tiếp tục các hoạt động hạt nhân và tên lửa của nước này. Những áp lực ấy cũng khiến ít người kỳ vọng vào một bước đột phá trong chuyến công du này, trước hết là trong vấn đề gây mâu thuẫn lớn nhất liên quan phương thức và lộ trình tiến hành cam kết phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Đúng như dự đoán, chuyến đi thứ ba tới Triều Tiên của Ngoại trưởng Mỹ không hề dễ dàng, thậm chí còn khó khăn gấp bội so với 2 lần trước. Ông Pompeo đã phải đàm phán liên tục với Phó Chủ tịch Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol, ngày đầu trong chuyến thăm là 3 giờ và ngày hôm sau quãng thời gian gấp đôi (từ 9h sáng tới tận 3 giờ chiều). Các cuộc đàm phán được hai bên cho là rất nghiêm túc và động chạm tới mọi “ngóc ngách” của vấn đề phi hạt nhân hóa và các công việc liên quan, một khối lượng công việc mà ông Pompeo đã nói vui với các phóng viên đi cùng là “sẽ làm bạn mất ngủ khi nghĩ tới”.

Kết quả là, sau những giờ đàm phán đầy cam go, phía Mỹ cho là đã đạt được “bước tiến” trong mọi nội dung đàm phán nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên hoàn toàn, trong khi phía Triều Tiên lại lấy làm tiếc về kết quả đàm phán và cho rằng phía Mỹ đã “đơn phương đưa ra những đòi hỏi thái quá”.

Không chỉ có vậy, sau đó Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) còn tuyên bố kết quả cuộc đàm phán là "vô cùng đáng lo ngại", làm lung lay quyết tâm "vững chắc và kiên định" của Triều Tiên trong việc từ bỏ chương trình hạt nhân của mình, đồng thời chỉ trích việc Washington ép buộc Bình Nhưỡng, tìm kiếm mục tiêu phi hạt nhân hóa một cách toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. KCNA cũng nhắc lại lập trường kiên quyết rằng "cách thức nhanh nhất" để có được một bán đảo Triều Tiên không vũ khí hạt nhân là thông qua cách tiếp cận theo từng giai đoạn, trong đó cả hai bên phải đồng thời thực hiện các hành động “có đi có lại” hướng tới phi hạt nhân hóa.

Có thể thấy giới chức Mỹ và Triều Tiên đã có một “màn khởi động” khá khó khăn trong lộ trình đàm phán được đánh giá là còn nhiều chông gai để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa và đem lại hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Kết quả chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tới Bình Nhưỡng lần này cho thấy hai bên có vẻ vẫn trong giai đoạn “dền dứ” để mặc cả. Sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều hôm 12/6, nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên, Washington ngay lập tức tuyên bố ngừng "vô hạn định" các cuộc tập trận có lựa chọn với Hàn Quốc, bao gồm cả cuộc tập trận Người bảo vệ tự do Ulchi mà Bình Nhưỡng lâu nay gay gắt phản đối và coi đây là “màn tập dượt” chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, cùng lúc với động thái được đánh giá là thiện chí trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định kéo dài các lệnh trừng phạt Triều Tiên thêm một năm do “mối đe dọa khác thường từ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này tới an ninh quốc gia, chính sách ngoại giao và nền kinh tế Mỹ”.

Những tuyên bố đôi khi trái ngược của giới chức Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên, kể cả Tổng thống Donald Trump, Ngoại trưởng Mike Pompeo lẫn Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton, phần nào cũng bộc lộ sự chia rẽ chưa thể khỏa lấp trên chính trường Mỹ, kể cả nhánh lập pháp lẫn hành pháp, giữa phe Cộng hòa và Dân chủ xung quanh “bài toán hạt nhân Triều Tiên”. Đây có lẽ cũng là lý do khiến Ngoại trưởng Mỹ chưa thể đưa ra những “quân bài” có sức nặng để thuyết phục Triều Tiên trong chuyến công du lần này.

Về phần Triều Tiên, thái độ khá cứng rắn của Bình Nhưỡng khi đề cập tới chuyến công du lần này của Ngoại trưởng đã gửi đi một thông điệp dứt khoát rằng Triều Tiên không có ý định nhượng bộ trong những vấn đề lợi ích cốt lõi. Quả đúng là từ tuyên bố chung phi hạt nhân hóa hoàn toàn để đổi lấy sự đảm bảo về an ninh và bù đắp về kinh tế cho tới việc thỏa hiệp một cách chi tiết để hiện thực hóa cam kết là cả một khoảng cách quá xa.

Giữa Mỹ và Triều Tiên là cả một lộ trình dài: tiến hành phi hạt nhân hóa lúc nào, khi nào xong, có bao nhiêu vũ khí hạt nhân cần tiêu hủy, bao nhiêu cơ sở thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên cần phá dỡ, rồi chuyện kiểm chứng ra sao, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt khi nào, hỗ trợ phát triển kinh tế ra sao, hai bên phải làm gì để giữ vững sự tin tưởng lẫn nhau trong bối cảnh có nhiều tiếng nói nghi ngờ, chỉ trích ở trong nước. Tất cả là một núi công việc phía trước mà nếu hai bên không đủ kiên nhẫn, lòng quyết tâm, sự khao khát hòa bình thì sẽ không thể vượt qua. Hơn nữa, hai bên rất cần sự giúp đỡ, đồng lòng, khích lệ của các bên có liên quan trực tiếp như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga cũng như các bên có liên quan gián tiếp.

Ít nhất, việc Ngoại trưởng Mỹ đánh giá chuyến công du này là “tích cực” cũng cho thấy Mỹ muốn tiếp tục duy trì một cơ chế đối thoại để tháo gỡ từng bước vấn đề mâu thuẫn với Triều Tiên. Bởi vậy, màn khởi động đàm phán lần này không phải bế tắc. Ngay sau chuyến thăm Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Mỹ đã tới Tokyo để thông báo với hai người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc về nội dung cuộc thảo luận, sau đó ông sẽ tới Việt Nam và trong chương trình nghị sự cũng có vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, việc giới lãnh đạo Triều Tiên đang xúc tiến các nỗ lực phối hợp với các đồng minh, như Trung Quốc hay Nga, cũng tạo cơ hội để những cam kết giữa Mỹ và Triều Tiên có thể thành hiện thực.

Phạm Mạnh Hùng (P/v TTXVN tại Hàn Quốc)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/ngoai-truong-my-cong-du-trieu-tien-lan-3-man-khoi-dong-kho-khan-20180708160323698.htm