Ngoại trưởng Jaishankar: Ấn Độ ngày càng mất lòng tin với Trung Quốc và gắn bó với Mỹ

Truyền thông Ấn Độ hôm 12/1 dẫn lời các quan chức Ấn Độ cho biết phía Trung Quốc gần đây đã rút 10.000 binh sĩ khỏi khu vực phía đông Ladakh, nhưng tình hình đối đầu giữa quân đội hai bên không thay đổi.

 Lính Trung Quốc ở biên giới Trung - Ấn luyện tập chiến đấu trong điều kiện băng tuyết (Ảnh: Dwnews).

Lính Trung Quốc ở biên giới Trung - Ấn luyện tập chiến đấu trong điều kiện băng tuyết (Ảnh: Dwnews).

Theo trang tin Hồng Kông Dongfang dẫn nguồn báo Ấn Độ Hindustan Times ngày 12/1, cuộc rút lui của PLA diễn ra trong 7 đến 10 ngày qua, nhưng quân đội Ấn Độ vẫn không loại trừ khả năng quân Trung Quốc sẽ một lần nữa tăng quân và đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Ladakh. Ngoài ra, tướng DS Hooda, cựu Tư lệnh Bộ chỉ huy miền Bắc của quân đội Ấn Độ, chỉ ra rằng Trung Quốc và Ấn Độ khó có thể phát động các hoạt động quân sự quy mô lớn vào mùa đông, đây có thể là lý do khiến Trung Quốc rút một số quân.

Theo báo cáo, để cổ vũ lực lượng tại tiền tuyến, các quan chức quân sự hàng đầu của Ấn Độ gần đây đã thường xuyên đến thăm khu vực này, trong đó, Tham mưu trưởng Quốc phòng Ấn Độ Bipin Rawat và Tư lệnh Không quân RK Singh Bhadauria đã lần lượt đến thăm Leh, một thị trấn lớn ở Ladakk và Căn cứ không quân ở tiền tuyến phía đông của Ladakh.

Lính Ấn Độ tuần tra ở khu vực biên giới (Ảnh ANI).

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo rằng cuộc tập trận quân sự "Sea Vigil-21" trên toàn tuyến biên giới sẽ được tổ chức từ thứ Ba đến thứ Tư (12 đến 13/1). Phạm vi cuộc tập trận bao gồm toàn bộ 7.516 km bờ biển và vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ, với sự tham gia của 13 tiểu bang ven biển và vùng lãnh thổ liên bang. Ngoài hải quân, tham gia cuộc tập trận còn có các lực lượng bảo vệ bờ biển, hải quan và các ngành khác. Các nhà chức trách nhấn mạnh rằng đợt tập trận này là sự tiếp nối của các cuộc tập trận "sẵn sàng chiến đấu cấp Chiến khu" được tổ chức hai năm một lần ở Ấn Độ và sẽ bao gồm tất cả các vấn đề an ninh trên biển, bao gồm cả diễn tập phòng ngừa các cuộc xung đột bất ngờ.

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều, hai quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã đối đầu ở khu vực biên giới từ tháng 5 năm 2020 và kéo dài cho đến nay. Nhiều phương tiện truyền thông Ấn Độ ngày 11/1/2021 đưa tin Trung Quốc đã rút 10.000 binh sĩ khỏi khu vực biên giới. Truyền thông Hong Kong cũng tiết lộ thêm thông tin chi tiết vào ngày 12/1.

Lính Trung Quốc huấn luyện chiến đấu ở biên giới với Ấn Độ trong điều kiện khắc nghiệt (Ảnh: Dwnews)

Tờ South China Morning Post (Bưu điện Hoa nam Buổi sáng) của Hồng Kông ngày 12/1/2021 cũng đưa tin, theo các nguồn thạo tin, Trung Quốc đã triệt thoái 10.000 binh sĩ khỏi biên giới tranh chấp với Ấn Độ trong những tuần gần đây vì Bắc Kinh ước tính khả năng xảy ra xung đột trên dãy Himalaya vào mùa đông là rất nhỏ.

Một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc xin được giấu tên nói với South China Morning Post: "Cuộc rút quân đã bắt đầu cách đây hơn hai tuần. Tất cả quân đội đã rút lui bằng các xe tải quân sự, vì vậy phía Ấn Độ có thể nhìn thấy rõ".

Người này nói: “Trong số 10.000 binh sĩ, một số người trở về từ các khu vực có độ cao sau hơn một năm thực hiện nhiệm vụ. Đây là một phần của sự luân chuyển thường xuyên. Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tin rằng quân đội hai bên không thể tác chiến trong thời tiết lạnh giá như vậy trên dãy Himalaya".

Nguồn tin này cho biết, việc rút quân chủ yếu liên quan đến quân đội tạm thời được triển khai tại các quân khu Tân Cương và Tây Tạng. Nguồn tin cho biết: "Họ đã trở lại doanh trại của mình để nghỉ ngơi, nhưng tất cả 10.000 binh sĩ đều có thể quay trở lại tiền tuyến bằng đường sắt, xe quân sự và thậm chí là máy bay chỉ trong vòng một tuần".

Lính Ấn Độ bố trí ở một chốt ở khu vực tranh chấp ven hồ Pangong (Ảnh: ANI).

Việc PLA rút lui được coi là dấu hiệu cho thấy tình hình ở biên giới Trung-Ấn đã bớt căng thẳng. Tướng Manoj Mukund Naravane, Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ đã tổ chức một cuộc họp báo tại New Delhi vào ngày 12/1 và nói rằng ông hy vọng rằng cuộc đối thoại sẽ dẫn đến một giải pháp hữu nghị. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng Ấn Độ sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức.

Naravane cũng cho biết, quân đội Trung Quốc đã rút lui khỏi khu vực tung thâm của cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng, nhưng lực lượng tại các điểm va chạm ở phía đông Ladakh vẫn không hề giảm bớt.

Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Ấn Độ hôm 12/1 đã tuyên bố: cuộc xung đột biên giới đã làm tổn hại lòng tin của Ấn Độ đối với Trung Quốc. Theo Đa Chiều ngày 13/1, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, ông Subrahmanyam Jaishankar ngày 12/1/2021 đã tuyên bố kể từ khi xảy ra xung đột biên giới giữa hai nước vào mùa hè năm 2020, sự tín nhiệm của Ấn Độ đối với Trung Quốc đã bị tổn thương nặng.

Hãng tin Reuters ngày 12/1 đưa tin, lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang đối đầu ở khu vực đang tranh chấp phía tây dãy Himalaya, đây là cuộc khủng hoảng quân sự nghiêm trọng nhất giữa hai cường quốc vũ khí hạt nhân trong nhiều thập kỷ qua.

Ảnh vệ tinh chụp vị trí đóng quân của PLA ven hồ Pangong. Ảnh nhỏ: lính Trung Quốc tạo hình bản đồ và tên "Trung Quốc" trên phần đất Ấn Độ coi là lãnh thổ của mình (Ảnh: Dwnews).

Kể từ sau khi xảy ra xung đột, quân đội hai nước Trung-Ấn cho đến nay đã tổ chức 8 vòng đàm phán cấp chỉ huy quân đoàn. Tuy nhiên, các cuộc tham vấn về việc rút quân của quân đội hai nước vẫn không đạt được sự đồng thuận, và các cuộc đàm phán hiện đang được tiến hành ở vòng đàm phán thứ 9.

Ngoại trưởng Jaishankar nói rằng 45 năm đã trôi qua và máu đã đổ ở biên giới, điều này đã có tác động rất lớn đến dư luận và chính trị trong nước, đồng thời sự tín nhiệm và lòng tin của Ấn Độ đối với Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng mạnh.

Khác với mối quan hệ với Trung Quốc, Jaishankar khi đề cập đến mối quan hệ với Mỹ đã nói, mối quan hệ giữa hai nước có thể phát triển hơn nữa dưới sự lãnh đạo của chính quyền mới của Washington. Ông Jaishankar nói mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ đang ấm lên. Ông hoàn toàn tin tưởng vào định hướng của quan hệ song phương Ấn Độ - Mỹ dưới thời chính quyền Joe Biden sắp tới.

Ngoại trưởng Jaishankar tin rằng, về mặt cấu trúc, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ là rất ổn định, với những yếu tố độc đáo, sự tương đồng về chính trị, an ninh và quốc phòng ngày càng tăng thêm.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/ngoai-truong-jaishankar-an-do-ngay-cang-mat-long-tin-voi-trung-quoc-va-gan-bo-voi-my-post141966.html