Ngoại trưởng Iran tới G7, nói tiếng lòng châu Âu

Pháp mời Iran đến G7 không bàn về chương trình tên lửa đạn đạo, nhắn nhủ Mỹ về lợi ích châu Âu?

Reuters ngày 25/8 dẫn nguồn tin độc quyền từ các quan chức ngoại giao Iran cho biết, trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đến Pháp, các cuộc thảo luận chỉ đề cập tới việc xuất, nhập khẩu dầu chứ không đàm phán về việc Iran phát triển chương trình hạt nhân.

Ngoại trưởng Iran (áo trắng, bên trái ảnh) trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Macron (áo trắng, ngoài cùng bên phải ảnh). Ảnh: Twitter Ngoại trưởng Javad Zarif

Ngoại trưởng Iran (áo trắng, bên trái ảnh) trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Macron (áo trắng, ngoài cùng bên phải ảnh). Ảnh: Twitter Ngoại trưởng Javad Zarif

Ông Zarif đã bất ngờ xuất hiện tại Biarritz, Pháp theo lời mời của Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian.

Lời mời này được đưa ra sau sự kiện Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố ông muốn gặp Ngoại trưởng Iran vào đầu tuần trước để bàn về số phận thỏa thuận hạt nhân Iran.

Cuộc họp diễn ra trong 3 tiếng đồng hồ giữa các đại diện của Iran và Anh, Đức, Pháp. Ngoại trưởng Iran đã đề xuất rằng nước này muốn xuất khẩu tối thiểu 700.000 thùng dầu mỗi ngày, ở mức lý tưởng hơn là 1,5 triệu thùng/ngày nếu phương Tây muốn đàm phán để cứu thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Tehran cho rằng đây là một cử chỉ thiện chí và một bước tiến nhằm tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán trong tương lai.

"Chúng tôi đã đáp ứng đề xuất của Pháp. Chúng tôi muốn xuất khẩu 700.000 thùng dầu/ngày và được trả bằng tiền mặt. Đó chỉ là khởi đầu... Mức xuất khẩu sẽ tăng lên 1,5 triệu thùng/ngày" - quan chức giấu tên nói với Reuters.

Quan chức ngoại giao Iran thứ hai cho biết, cuộc họp không đề cập tới chương trình phát triển tên lửa của Iran. Iran bác bỏ bất kỳ cuộc đàm phán nào có nội dung đề cập đến quyền làm giàu uranium hay chu trình nguyên liệu hạt nhân tự chế của họ. "Đổi lại, chúng tôi sẽ hoàn toàn cam kết với hiệp ước hạt nhân năm 2015" - nguồn tin của Reuters cho biết.

Nội dung của cuộc đàm phán đã cho thấy một sự thật là châu Âu thừa nhận Iran không cố ý vi phạm các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 như họ đã tuyên bố. Tehran đã chịu sức ép từ sự rút lui và trừng phạt xuất khẩu dầu của Mỹ. Điều này thực sự đã làm ảnh hưởng lớn đến các lợi ích của các thành viên G7 gồm: Đức, Pháp, Nhật Bản, vốn là những người mua hàng lớn của Iran.

Kể từ khi Mỹ mạnh tay siết ngành dầu mỏ của Iran, xuất khẩu vàng đen của nước này đã suy giảm trầm trọng.

Trong tháng 7, Tehran chỉ xuất khẩu 100.000 thùng dầu/ngày, theo các nguồn tin trong ngành tiết lộ với Reuters. Tháng 4/2018, tức là tháng trước khi lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực, Iran đã xuất khẩu 2,5 triệu thùng/ngày.

Sự có mặt của "vị khách Iran" tại sự kiện bên lề G7 và thảo luận về chuyện xuất khẩu dầu càng cho thấy đã có sự mâu thuẫn về lợi ích giữa châu Âu và Mỹ khi Washington muốn thúc đẩy tình trạng căng thẳng với Iran bất chấp các lợi ích của châu Âu.

Và đến lúc này, Paris thấy rằng cần phải hành động để lợi ích của châu Âu cũng sẽ được bảo vệ, bắn tín hiệu tới Tổng thống Mỹ rằng, trong các vấn đề với Iran, Mỹ bắt buộc phải cân nhắn đến lợi ích của châu Âu.

Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với các thành viên G7, Tổng thống Pháp đã nhấn mạnh rằng, Tổng thống Mỹ cũng không muốn một cuộc xung đột với Iran. Điều này dù có phần mâu thuẫn với chiến dịch hàng hải của Mỹ gây áp lực lên lực lượng bờ biển của Iran, song nó phù hợp với bối cảnh các nước châu Âu đang buộc Mỹ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn về lợi ích của họ trước khi muốn gia tăng sức ép lên Tehran.

Khi được hỏi về sự xuất hiện của ông Zarif bên lề G7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “từ chối bình luận”. Nhà Trắng cho biết rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Iran là một bất ngờ đối với Tổng thống Trump, vì ông không được thông báo trước về việc này. Một số quan chức Mỹ thậm chí còn tỏ ra tức giận.

Trong khi đó, văn phòng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố tất cả các đối tác G7 đã được thông báo nhanh về chuyến thăm sắp tới của ông Zarif, đồng thời lưu ý rằng chuyến thăm được tổ chức rất gấp gáp.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng các cuộc đàm phán với Ngoại trưởng Zarif đều là sự kiện phụ của hội nghị thượng đỉnh G7. Bản thân bà và các đối tác G7 “sẽ tiếp tục tìm cách giảm căng thẳng" với Teheran.

Đây có lẽ là một dịp hiếm có để châu Âu hội tụ với Iran, gửi tín hiệu đến Mỹ một cách đầy bất ngờ và thẳng thắn.

Có 3 quốc gia cử đại diện tới cuộc họp với Ngoại trưởng Iran cùng với Tổng thống Pháp và có lẽ phía Nhật Bản cũng muốn có cuộc gặp này bởi đây cũng là vấn đề liên quan đến lợi ích của Tokyo. Nhật Bản là một trong những khách hàng lớn mua dầu của Iran và đã buộc phải hạn chế hoạt động này từ khi Mỹ ngừng miễn trừ trừng phạt các quốc gia được phép mua dầu của Iran.

Là quốc gia chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay, Pháp đang muốn thể hiện tinh thần kết nối là người giảng hòa tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Iran trong tương lai.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ngoai-truong-iran-toi-g7-noi-tieng-long-chau-au-3386372/