Ngoại trưởng Iran thăm Trung Quốc sau khi từ chối khả năng đối thoại với Mỹ

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, ngày 17/5, sẽ tới Trung Quốc để thảo luận về 'các vấn đề khu vực và quốc tế' với các quan chức cấp cao của Trung Quốc, hãng thông tấn chính thức của Iran, IRNA đưa tin.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif trong một lần gặp tại Bắc Kinh vào tháng 2/2019

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif trong một lần gặp tại Bắc Kinh vào tháng 2/2019

Trung Quốc phải mua dầu của Iran

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng mạnh mẽ giữa Washington và Tehran, theo IRNA, sẽ là một cơ hội để Iran nói về thỏa thuận hạt nhân được ký kết tại Vienna năm 2015 mà Hoa Kỳ đã đơn phương rút khỏi cách đây gần một năm.

Cùng với Đức, Pháp, Anh và Nga, Trung Quốc là một trong những đối tác còn lại của thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Mỹ rút lui.

Trung Quốc cũng là nhà nhập khẩu dầu lớn của Iran.

Bắc Kinh đã "bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ” đối với việc Trung Quốc mua dầu của Iran.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng ông đã quyết định chấm dứt, kể từ ngày 2/5, các miễn trừ cho phép 8 thị trường (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ý và Hy Lạp) tiếp tục nhập khẩu dầu thô Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Trước chiến dịch "áp lực tối đa" của Washington, Iran hy vọng sẽ tiếp tục bán dầu cho các khách hàng chính của mình, đặc biệt là Trung Quốc và không che giấu ý định sử dụng các biện pháp gián tiếp để làm điều đó.

Đáp lại việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 và phục hồi các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ, Iran đã tuyên bố vào ngày 7/5 rằng nước này sẽ phá vỡ 2 trong số các cam kết trước đó.

Tehran cũng đe dọa sẽ tiếp tục phá vỡ những cam kết khác nếu châu Âu, trong vòng 2 tháng, không tìm được giải pháp để giúp ngành dầu mỏ và ngân hàng của Iran thoát khỏi sự cô lập của Mỹ.

Sau đó, Bắc Kinh đã kêu gọi "tất cả các bên phải kiềm chế, tăng cường đối thoại và tránh leo thang căng thẳng" và nói thêm rằng "việc duy trì và thực thi thỏa thuận là trách nhiệm của tất cả các bên".

Châu Âu một mặt cũng kêu gọi tất cả các bên cố gắng cứu vãn thỏa thuận và nhưng tỏ ra tức giận khi Iran buộc họ phải tìm cách giúp nước này vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ.

"Vấn đề thực sự đối với Iran là xuất khẩu dầu", một nhà ngoại giao châu Âu nói. "Người Trung Quốc phải mua dầu thô của Iran", nhà ngoại giao này nói.

Quan hệ giữa Tehran và Washington thậm chí còn trở nên căng thẳng hơn trong những tuần gần đây.

Vào ngày 8/5, Washington đã ban bố thêm các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Iran trước khi tuyên bố tăng cường sự hiện diện quân sự ở Trung Đông để đề phòng các mối đe dọa "sắp xảy ra" đối với lợi ích của họ trong khu vực.

Iran từ chối mọi khả năng đàm phán lại với Mỹ

Chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Iran diễn ra chỉ 1 ngày sau khi ông tuyên bố loại trừ "mọi khả năng" đàm phán lại với Hoa Kỳ.

"Không, không có khả năng đàm phán", ông Zarif nói với các phóng viên ở Tokyo nhân chuyến thăm Nhật Bản ngày 16/5.

Ngoại trưởng Zarif cũng bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng "Iran sẽ sớm muốn thảo luận với Mỹ".

Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 là nhằm buộc Iran phải đàm phán lại thỏa thuận này và đòi Iran ngừng can thiệp vào các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Ngày 14/5, lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran Ali Khamenei đã tuyên bố: "Đàm phán với chính phủ Mỹ hiện tại là điều không nên (...) họ không tôn trọng bất cứ điều gì".

Nh.Thạch (Theo AFP)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ngoai-truong-iran-tham-trung-quoc-sau-khi-tu-choi-kha-nang-doi-thoai-voi-my-536848.html