Ngoại trưởng Iran công du châu Á: Sứ mệnh thật không dễ dàng

Sau khi xuất hiện 'bất ngờ' tại Thượng đỉnh G7 ở Pháp, từ ngày 25/8, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif thăm Trung Quốc, Nhật Bản và Malaysia nhằm tìm kiếm sự ủng hộ cho việc hạ nhiệt căng thẳng với Mỹ.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. (Nguồn: Global Post)

Theo Người Phát ngôn BNG Iran Abbas Mousavi, chuyến thăm của Ngoại trưởng Iran Zarif nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chính sách ngoại giao chủ động và cân bằng của Iran.

Chuyến đi của Ngoại trưởng Iran diễn ra sau hành trình gần một tuần tới Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy và thị trấn Biarritz (Pháp), nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G7. Tại đây, ông đã đàm phán hơn ba giờ với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian và một số quan chức Anh, Đức nhằm tìm hướng giải cứu Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA).

Tuy vậy, ông Zarif lại không hề dành ra bất kỳ phút nào để gặp mặt Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hai quốc gia đang đắm chìm trong căng thẳng không lối thoát, bao gồm nhiều vấn đề như JCPOA, Eo biển Hormuz, vũ khí hạt nhân… Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran, điều thêm tàu chiến và máy bay ném bom chiến lược tới Vịnh Ba Tư nhằm “đối phó với mối đe dọa từ Iran”.

Mẫu số chung là kinh tế

Tehran từ lâu đã có mối quan hệ chặt chẽ với một số quốc gia châu Á và Đông Á, là một phần quan trọng của chính sách đối ngoại nhằm đa dạng hóa và tăng cường quan hệ đối ngoại. Trong số các mục tiêu chiến lược của chuyến đi này, ngoài khía cạnh chính trị, vấn đề kinh tế và trao đổi thương mại song phương cũng được đánh giá là rất quan trọng. Qua đó, Iran muốn đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, đặc biệt là với Trung Quốc, Nhật Bản và Malaysia bởi cả ba đều là những đối tác quan trọng của Tehran trong lĩnh vực dầu khí.

Trong một bài phát biểu gần đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nhấn mạnh tầm quan trọng phát triển quan hệ với Iran. Ông mô tả JCPOA là một thành tựu to lớn của nền ngoại giao thế giới, là biểu tượng của chủ nghĩa đa phương và đồng thời nhấn mạnh quyết tâm của Trung Quốc trong việc hợp tác với Iran và cộng đồng quốc tế để duy trì thành tựu quan trọng này.

Theo giới quan sát, Trung Quốc đang lên tiếng phản đối chủ nghĩa đơn phương kinh tế của Mỹ, và khẳng định Bắc Kinh không nhất thiết phải tuân theo luật chơi do Washington đề ra. Đây là cách Trung Quốc ngầm khẳng định rằng sẽ tiếp tục nhập khẩu dầu của Iran, bất chấp trừng phạt của Mỹ. Quyết định này sẽ “lợi cả đôi đường”: Bắc Kinh đa dạng hóa nhiên liệu nhập khẩu, giải quyết “cơn khát” năng lượng - điểm yếu dễ bị đối phương tận dụng trong cuộc chiến thương mại - đồng thời buộc Washington dành sự chú ý cho Trung Đông; Tehran có thêm ngoại tệ cần thiết để tiếp tục chống đỡ các lệnh cấm vận và duy trì chương trình hạt nhân.

Song, với Nhật Bản thì khác. Họ cần phải dựa vào Mỹ nhiều hơn là Iran, nhất là khi quốc gia này đang vướng vào xích mích và khó xử lớn với “người hàng xóm” Hàn Quốc. Khi tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tehran hồi tháng 6/2019, Lãnh đạo Tối cao Iran Ali Khamenei nhấn mạnh rằng nếu muốn mở rộng quan hệ song phương, Tokyo cần có những hành động cụ thể.

Hành động cụ thể

Một trong những “hành động cụ thể” đó có thể kể đến việc Nhật Bản dè dặt về đề nghị tham dự Chiến dịch Người Bảo vệ của Mỹ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải tại Vùng Vịnh. Tương tự như Bắc Kinh, lợi ích của Tokyo trong quan hệ với Tehran nằm ở lĩnh vực năng lượng. Duy trì JCPOA và tự do xuất khẩu dầu mỏ của Iran là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách của Nhật Bản tại Trung Đông, song thực hiện như thế nào để thuận Mỹ, chiều Iran là không hề đơn giản.

Với Malaysia, Iran không những muốn đẩy mạnh quan hệ song phương, mà còn muốn nhấn mạnh hợp tác đa phương bởi Malaysia là thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Mục tiêu quan trọng của tổ chức là các quốc gia thành viên cùng chung tay nỗ lực nhằm thiết lập hòa bình lâu dài, đoàn kết, thống nhất và hợp tác trong khu vực. Đó là điều Iran đang hướng tới và giải thích cho lý do Tehran tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) năm 2018.

Tuy nhiên, quan hệ hai bên không phải lúc nào cũng êm đềm – sự khác biệt về dòng Hồi giáo, với Iran là quốc gia có 90% dân số theo dòng Shia, còn Malaysia có 61% theo dòng Sunni, đã từng gây ra căng thẳng chính trị. Kuala Lumpur từng tố cáo Tehran có hành vi kích động người Hồi giáo Shia tại Malaysia và thông qua một số luật nhằm hạn chế hoạt động của nhóm này. Khác biệt về tôn giáo cùng căng thẳng chính trị này sẽ là trở lực không nhỏ đối với những nỗ lực thương thảo của Ngoại trưởng Iran Javad Zarif.

Thể hiện sự khác biệt

Bản thân ông Zarif cũng đang phải đối mặt với nhiều sự chỉ trích đến từ Mỹ và thậm chí là chính tại quê nhà. Các quan chức thuộc chính quyền của ông Trump chỉ trích ông Zarif là không thành thực khi hành động như một người ôn hòa trong khi vẫn kiên định với Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei có thiên hướng cứng rắn. Tại Iran, ông Zarif bị chỉ trích nặng nề do “rơi vào bẫy” của người Mỹ, chỉ đưa ra những lời hứa suông mà không có hành động thiết thực, trong khi nền kinh tế Iran đang đứng trước những khó khăn và thách thức rất lớn.

Đó cũng là một lý do Ngoại trưởng Iran tích cực chuyến công du nước ngoài với cường độ cao. Ông Zarif đang cố gắng chứng tỏ rằng bất chấp vô vàn khó khăn, Iran vẫn là cường quốc khu vực, với ảnh hưởng ngày càng gia tăng tại các quốc gia Đông Á, nơi đang trở thành một trong những trung tâm chính trị quan trọng thời gian gần đây. Đồng thời, ông Zarif cũng nỗ lực đẩy lùi những lời “phê bình” trong nước, tiếp tục chứng minh bản lĩnh của nhà ngoại giao hàng đầu của quốc gia Hồi giáo này.

Duy Quang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-truong-iran-cong-du-chau-a-su-menh-that-khong-de-dang-100121.html