Ngoại trưởng Đức: Thuận song phương, lợi đa phương

Chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 5 - 6/9 tới là nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ song phương nói riêng và quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) với Thổ Nhĩ Kỳ nói chung.

Chuyến thăm tới Thổ Nhĩ Kỳ lần này của Ngoại trưởng Maas và chuyến thăm cấp Nhà nước tới Berlin của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sắp tới được xem là bước tiến quan trọng trong cải thiện quan hệ song phương, đưa Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần châu Âu hơn.

Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Một mặt, Ankara đang phải chịu hàng loạt các biện pháp và chính sách thuế quan của Mỹ khi từ chối thả tự do cho Andrew Brunson – mục sư người Mỹ bị buộc tội khủng bố. Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ phải tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng tiền tệ, với đồng nội tệ Lira trượt giá và nền kinh tế tiếp tục bất ổn. Do đó, nếu muốn tìm kiếm viện trợ tài chính từ bên ngoài, Ankara sẽ phải cân nhắc việc thiết lập các mối quan hệ tốt hơn với EU, đứng đầu là Berlin.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas sẽ có chuyến làm khách tại Ankara từ ngày 5- 6/9. (Nguồn: Reuters)

Đối với Đức, Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí chiến lược quan trọng trong chính sách đối nội và đối ngoại. Thứ nhất, đây là nơi đặt căn cứ quân sự lớn thứ hai của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ là vùng đệm, điểm trung chuyển giữa châu Âu và Trung Đông; một Ankara bất ổn có thể sẽ tạo ra làn sóng di cư mới. Cuối cùng, tiềm năng quan hệ kinh tế song phương là rất lớn, với hơn 7.000 doanh nghiệp Đức kinh doanh và làm ăn tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Bởi vậy, cả hai bên đều thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ bằng mọi biện pháp. Ngày 13/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định: “Đức muốn nhìn thấy một Thổ Nhĩ Kỳ thịnh vượng về kinh tế và đó là mối quan tâm của chúng tôi”. Trong khi đó, Ankara cũng “đánh tiếng” muốn bình thường hóa quan hệ với Berlin và EU, khi trả tự do và nới lỏng lệnh cấm đối với một số công dân Đức bị giam giữ, trong đó có nữ nhà báo Mesale Tolu và luật sư Taner Kilic.

Tuy nhiên, bình thường hóa và cải thiện mối quan hệ trắc trở này là không hề đơn giản. Đức cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần cải tổ và nghiêm túc hơn cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn chính trị. Đến Ankara lần này, nhiều khả năng Ngoại trưởng Heiko Maas sẽ tiếp tục nêu vấn đề thả tự do cho các công dân Đức bị bắt giữ sau cuộc đảo chính tại Ankara năm 2016. Đây là điểm mấu chốt trong bình thường hóa quan hệ với Đức và EU.

Một chủ đề khác cũng sẽ được ông Heiko Maas đề cập tại Ankara là Syria. Đức đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để ngăn chặn thảm họa nhân đạo tại tỉnh Idlib của Syria trước các chiến dịch tấn công của lực lượng chính phủ. Idlib nằm gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria và với vị thế ngày một quan trọng của Ankara trong tiến trình hòa bình Syria, Berlin muốn chính quyền của Tổng thống Erdogan sẽ có biện pháp cụ thể để giải quyết tình trạng này.

Cuối cùng, chuyến công du của Ngoại trưởng Heiko Maas sẽ tạo tiền đề cho chuyến thăm Đức của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Đây là cơ hội để ông Maas “thăm dò” lập trường của Ankara về những vấn đề nóng trong quan hệ song phương, qua đó có sự chuẩn bị thích hợp cho hành trình của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tới Berlin. Hy vọng rằng chuyến công du lần này của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas sẽ cải thiện quan hệ hai nước nói riêng và EU – Thổ Nhĩ Kỳ nói chung, tạo nền tảng cho các hoạt động trao đổi và mang tới lợi ích cho tất cả các bên.

Hải Yến

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/ngoai-truong-duc-thuan-song-phuong-loi-da-phuong-77354.html