Ngoại tình trong văn chương: Những bản tình ca dang dở

Ngoại tình trong văn chương dẫu chỉ là những bản tình ca dang dở, nhưng không bao giờ cũ kỹ và thôi quyến rũ các nhà văn nổi tiếng. Bởi đó còn là những trăn trở, day dứt của các nhà văn về cuộc sống gia đình, các mối quan hệ xã hội...

Một thợ sửa radio đang sống hạnh phúc bên vợ con bỗng như hồi tỉnh vì ngỡ tìm được nửa kia đích thực của mình trong một chuyến tản cư tránh phát xít Đức. Một anh chàng chỉ vì vợ con đi nghỉ hè không có ai đơm cúc áo cho để đi làm mà nhận ra sự hiện diện của cô hàng xóm. Một người vợ trong lúc đi tìm con mèo mà phát hiện ra chồng mình đang trong vòng tay một người phụ nữ khác…

Một câu chuyện dài trong Chuyến tàu định mệnh của Georges Simenon và nhiều truyện ngắn trong Một buổi sáng khó quên và những bản tình ca dang dở của Françoise Sagan, mỗi câu chuyện là một bối cảnh không gian, thời gian, hoàn cảnh, lý do khác nhau: phần đa là những câu chuyện bi thương nhưng vẫn len lỏi đâu đó những câu chuyện có hậu.

Một câu chuyện dài trong Chuyến tàu định mệnh của Georges Simenon

Tác giả Georges Simenon sinh ngày 12/2/ 1903 tại Lìege (Bỉ), mất tại Lausanne (Thụy Sĩ) ngày 4/9/1989.

Ban đầu ông là phóng viên, với nhiều bút danh khác nhau của hàng loạt tiểu thuyết danh tiếng, Simenon đã tạo ra nhân vật thanh tra Maigret đưa ông đến với thành công trên khắp thế giới. Ông đã xuất bản khoảng 200 tiểu thuyết, 155 truyện ngắn và 25 tự truyện được: dịch ra trên 50 ngôn ngữ tại 50 quốc gia khác nhau; chuyển thể thành hơn 70 bộ phim; tiêu thụ hơn 800 triệu bản trên toàn thế giới

Simenon còn là tác giả tiếng Pháp trong thế kỷ XX được dịch nhiều nhất thế giới; tác giả tiếng Pháp được dịch nhiều thứ ba trong mọi thời đại, chỉ sau Jules Verne và Alexandre Dumas; tác giả được dịch nhiều thứ ba trong mọi thời đại ở Mỹ và Anh (theo UNESCO).

Françoise Sagan, tên thật là Françoise Quoirez, sinh năm 1935 tại Cajarc và mất năm 2004. Bà trải qua thời thơ ấu ở Paris trong một gia đình khá giả. Năm 18 tuổi, bà viết tiểu thuyết đầu tay, Buồn ơi chào mi, ngay lập tức gặt hái được thành công vang dội. Ngay trong năm đầu xuất bản tại Pháp, cuốn tiểu thuyết đã bán được 850.000 bản, được cả công chúng lẫn giới phê bình đánh giá cao. Kể từ đó, thế giới bắt đầu biết đến bút danh Sagan – được lấy theo tên một nhân vật của Proust – của bà. Sự nghiệp sáng tác của bà khá đồ sộ với khoảng hơn 50 tiểu thuyết, 30 triệu bản sách được bán riêng tại Pháp, và được chuyển ngữ ra nhiều thứ tiếng. Được coi là một trong những thành viên của Làn Sóng Mới, bà còn tham gia viết kịch và lời thoại cho phim.

17 truyện ngắn là mười bảy bối cảnh không gian, thời gian, là những biến cố bẻ ngoặt cuộc đời các nhân vật theo những con đường không ai biết trước

Tác phẩm đầu tay của bà được nhận giải Prix des Critiques do một hội đồng nổi tiếng trao tặng và năm 1985 bà nhận được giải Prix de la Fondation Prince Pierre của Monaco cho toàn bộ các tác phẩm của mình.

Françoise Sagan được coi như một huyền thoại mà danh tiếng đã vượt ra ngoài nước Pháp, là totem của một giai đoạn tự do và vô lo.

TÁC PHẨM Chuyến tàu định mệnh: Nói về tình yêu và chiến tranh, một chủ đề kinh điển, bởi vì dường như trong chiến tranh, tình yêu có thể hé lộ hết chiều sâu của nó. Georges Simenon, trong cuốn tiểu thuyết Chuyến tàu định mệnh giờ đây đã là một huyền thoại lớn, nổi bật ở địa hạt của những câu chuyện tình trong chiến tranh nhờ sự chân thực hiếm có.

Sự chân thực ấy, vốn dĩ gắn bó với cả cuộc đời viết văn đồ sộ của Simenon, đã hết sức tự nhiên chọn lấy một tông giọng đẹp và chuẩn xác để kể câu chuyện về Marcel và Anna, cùng chuyến tàu hỏa huyền ảo, vào thời điểm chiến sự bắt đầu bùng nổ tại châu Âu, mùa hè năm 1940. Không ít chi tiết thuộc tiểu sử của Simenon đã đi vào Chuyến tàu định mệnh, cũng theo cách thức tự nhiên giống như bản thân cuốn tiểu thuyết lớn mặc cho vẻ bên ngoài rất giản dị này.

Một buổi sáng khó quên và những bản tình ca dang dở: Một buổi sáng khó quên, một buổi sáng Chủ nhật như mọi buổi sáng khác. Nicole bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại kỳ lạ. Bạn cô gọi đến để báo tin dữ về ngày tận thế: một quả tên lửa đang phóng đến Paris. San Francisco và Léningrad đã bị xóa sổ trên bản đồ thế giới. Chỉ còn duy nhất một giờ để sống sót. Liệu ta còn có thể làm gì? Còn có thể nghĩ đến ai?

Rémi Pelletier để vợ và các con đi nghỉ mát trong khi anh ở lại Paris một mình suốt cả tháng Tám. Viễn cảnh này khiến anh thoải mái, bởi cuối cùng anh cũng có thể xem bóng đá trên ti vi một cách yên ổn. Dẫu vậy, ai sẽ là người đơm lại ba chiếc cúc áo mà anh bị đứt? Anh không muốn trở thành kẻ ăn mặc lôi thôi tại văn phòng vào thứ Hai chỉ vì vợ mình không có ở đây. Và tình cờ anh bắt gặp Olga, cô bạn đồng thời là hàng xóm của hai vợ chồng, người phụ nữ có giọng nói lanh lảnh như chim và đầu óc cũng trên mây như chim. Nhưng bạn không thể nhờ một người gần như không thân thiết đơm hộ mấy chiếc cúc mà không có những hành động lịch sự tối thiểu phải không?

17 truyện ngắn là mười bảy bối cảnh không gian, thời gian, là những biến cố bẻ ngoặt cuộc đời các nhân vật theo những con đường không ai biết trước. Với giọng điệu phiền muộn pha lẫn hài hước, Françoise Sagan không chỉ gợi lên nỗi ám ảnh về cuộc đời, nơi quá khứ được phản chiếu và tương lai dễ thay đổi, mà còn chạm tới những xúc cảm chân thật trong mỗi người đọc. Và vì thế, chúng ta tự hỏi mình sẽ làm gì khi chỉ còn một giờ sống sót? Quyết định nào sẽ không khiến ta hối tiếc?

Thời gian diễn ra buổi tọa đàm vào 18h00 ngày 06/3/ 2018. Tại Thư viện Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội. Diễn giả có Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và Nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương.

K.L

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/goc-tam-hon/ngoai-tinh-trong-van-chuong-nhung-ban-tinh-ca-dang-do-post39517.html