Ngoại thành Hà Nội khi nào hết ngập?

Lãnh đạo Tổng cục Phòng chống Thiên tai cho biết rất khó để xác định khi nào ngoại thành Hà Nội hết ngập, bởi điều này phụ thuộc vào công suất của máy bơm cưỡng bức.

Nhiều nhà dân ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) phải sống chung với lũ. Ảnh: Phạm Thắng

10 ngày qua, nhiều khu vực trũng ở ngoại thành Hà Nội như huyện Chương Mỹ, Quốc Oai bị ngập nặng. Dù các cơ quan chức năng đã sử dụng máy bơm, song nước vẫn rút khá chậm. Tình trạng ngập lụt được dự báo sẽ còn kéo dài trong nhiều ngày tới.

Mực nước tại các hồ chứa lớn của Hà Nội như Kèo Cà, Văn Sơn, Miễu, Đồng Sương vẫn đang ở mức cao, vượt mức cho phép.

Bác ngập do thủy điện Hòa Bình xả lũ

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống Thiên tai, phủ nhận nguyên nhân thủy điện Hòa Bình xả lũ gây ngập lụt. “Nước sông Bùi dâng cao do lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về cùng tình trạng mưa lớn cục bộ dài ngày”, ông Hoài phân tích.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết thêm các khu vực trên đều nằm trong vùng trũng, hệ thống các sông xung quanh đã đầy, khiến nước tràn qua đê.

Theo ông Sơn, giải pháp trước mắt là chờ nước tự tiêu, song mực nước bên ngoài phải thấp hơn vùng trũng ở trong. Bên cạnh đó, ông Sơn cho rằng chính quyền TP Hà Nội cần sử dụng hệ thống bơm cưỡng bức chống ngập.

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi khi nào ngoại thành Hà Nội sẽ hết ngập lụt, vị này khẳng định rất khó để xác định chính xác, bởi điều này phụ thuộc vào công suất của máy bơm.

Thanh niên, trẻ em vui đùa giữa con đường ngập nước ở huyện Quốc Oai. Ảnh: Hoàng Hà

Đưa ra giải pháp lâu dài, ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh Hà Nội cần quy hoạch lại vùng dân cư ven sông Bùi, đưa dân ra khỏi vùng thường xuyên ngập úng, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ven sông. Đây được coi là phương án triệt để song khá tốn kém.

Hơn 3.600 ngôi nhà vẫn chìm trong nước

Nước dâng cao khiến ngoại thành Hà Nội liên tiếp xảy ra sự cố đê điều như sạt lở chân đê bối hữu Bùi (ngày 21.7), 3 sự cố rò rỉ qua mang cống đê hữu Bùi; 1 sự cố sụt mang cống thuộc trạm bơm Trại Nứa, đê bao hữu sông Tích; tràn 3 đoạn đê bối hữu sông Tích và 1 đoạn đê bao tả Tích; 2 sự cố rò rỉ mang cống thuộc trạm bơm Đốc Tín, đê hữu Đáy và trạm bơm Đức Môn (ngày 22.7).

Ngày 23.7, hai sự cố rò rỉ qua mang cống đê bối xã Đồng Tiến. Đến ngày 26.7, sự cố bục thân cống đê bao hữu sông Tích tiếp tục xảy ra.

Các phương tiện di chuyển giữa dòng nước. Ảnh: Việt Linh

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội sáng 1.8 cho biết khu vực ngoại thành có 3.683 căn nhà bị ngập. Hơn 1.500 ha lúa, rau màu thiệt hại, gần 56.000 gia súc, gia cầm bị chết thất lạc. Chiều dài kênh mương bị hư hỏng gần 12 m; chiều dài đê, hồ, đập bị sạt lở 12,1 m.

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu Hà Nội tiếp tục huy động lực lượng, vật tư gia cố đê tả Bùi để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, ngập úng vẫn diễn ra ở vùng thấp thuộc huyện Chương Mỹ (Hà Nội), đặc biệt tại xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến.

Thủ tướng: Hà Nội cần biện pháp mạnh mẽ hỗ trợ dân vùng ngập lụt

Tại buổi làm việc tại phiên họp Chính phủ sáng 1.8, báo cáo về tình hình ngập lụt do mưa lũ tại khu vực huyện Chương Mỹ, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đến thời điểm này, nước đã có dấu hiệu rút.

Ông Hùng khẳng định, các cơ quan chức năng của thành phố vẫn kiểm soát được tình hình. Thành phố đã tổ chức gia cường và triển khai nhiều biện pháp khắc phục tình trạng ngập lụt, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của bà con nhân dân.

Cũng theo ông Hùng, mưa lớn kéo dài gây ngập lụt đã tác động lớn đến đời sống nhân dân tại huyện Chương Mỹ. Thành phố đã chủ động chăm lo, đảm bảo đời sống người dân.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tích cực phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội cho người dân khu vực chịu tác động của mưa lũ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thành phố Hà Nội cần có biện pháp mạnh mẽ hơn trong tháo gỡ khó khăn cho người dân trong vùng bị ngập, lụt. Đặc biệt, thành phố cần chú ý làm tốt hơn nữa việc xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường để đảm bảo sức khỏe người dân.

Trà My

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ngoai-thanh-ha-noi-khi-nao-het-ngap-14682.html