Ngoài tên lửa, Iran còn nhiều vũ khí nguy hiểm đe dọa Mỹ

Vụ tấn công của Iran vào căn cứ quân đội Mỹ không gây ra thiệt hại đáng kể nhưng Tehran có nhiều lựa chọn có thể gây nguy hiểm cho Mỹ, nếu tình trạng thù địch leo thang.

Các quan chức quân đội và tình báo Mỹ đã “choáng váng” về độ chính xác, quy mô và sự táo bạo về đợt tấn công mà sau đó họ kết luận là Iran đứng đằng sau.

Đó là bốn tháng trước, một loạt máy bay không người lái và tên lửa hành trình bay thấp đã tấn công cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia, khiến Washington bất ngờ và gây sụt giảm tức thời 5% nguồn cung dầu thế giới.

Hầu như không có quốc gia nào trong khu vực, Israel có thể là ngoại lệ có khả năng bảo vệ chống lại cuộc tấn công như thế, New York Times cho biết.

Cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran vào căn cứ quân đội Mỹ ở Iraq hôm 8/1 là lần tấn công trực tiếp duy nhất vào Mỹ hoặc đồng minh mà Iran tuyên bố, kể từ vụ chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ ở Tehran vào năm 1979.

Nhiều lựa chọn chết người

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang ở mức cao nhất trong 4 thập niên qua và thành công của cuộc tấn công bất ngờ vào cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia là lời nhắc nhở rằng Iran có một loạt vũ khí có thể tấn công lén lút, gây ra mối đe dọa lớn hơn nhiều nếu sự thù địch leo thang.

Iran đã bác bỏ liên quan đến cuộc tấn công ở Saudi Arabia, nhưng các quan chức Mỹ kết luận Tehran đứng sau nó bằng cách phóng máy bay không người lái và tên lửa từ Iran hoặc miền Nam Iraq.

 Mãnh vỡ của tên lửa đạn đạo Iran sau đợt tấn công vào căn cứ quân đội Mỹ ở Iraq. Ảnh: Getty.

Mãnh vỡ của tên lửa đạn đạo Iran sau đợt tấn công vào căn cứ quân đội Mỹ ở Iraq. Ảnh: Getty.

Quân đội Iran đã xuống cấp nghiêm trọng bởi sự cô lập của cộng đồng phương Tây sau Cách mạng Iran năm 1979. Nhưng Tehran đã dành nhiều thập niên để phát triển quân đội thành một trong những lực lượng hàng đầu thế giới và xây dựng chiến lược tác chiến phi đối xứng chống lại siêu cường quân sự như Mỹ.

Iran có kho tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình lớn nhất Trung Đông, mạng lưới các nhóm chiến binh đồng minh trong khu vực với khoảng 250.000 tay súng, các nhóm tin tặc được Mỹ xếp loại nguy hiểm nhất thế giới.

Tehran cũng phát triển máy bay không người lái vũ trang và giám sát tinh vi. Iran thiếu lực lượng hải quân thông thường đủ mạnh, nên đã phát triển đội xuồng cao tốc hùng hậu để tìm cách bóp nghẹt nguồn cung dầu trên Vịnh Ba Tư và kho dự trữ thủy lôi lớn.

Jack Watling, nhà phân tích tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh, cho biết khả năng tấn công của họ lớn hơn nhiều so với khả năng phòng thủ của đối phương. Họ có thể gây ra thiệt hại đáng kể khiến chi phí chiến tranh với Iran rất tốn kém.

Tehran có thể toan tính xa hơn

Vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran hôm 8/1 cho thấy tầm bắn gần 1.000 km và độ chính xác kém, với một số tên lửa rơi rất xa mục tiêu của nó. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng Lãnh tụ tối cao Iran có thể đã cố tình tạo ra cuộc tấn công mang tính biểu tượng, để xoa dịu dư luận mà không gây ra cuộc chiến với Mỹ.

Karim Sadjadpour, học giả về Iran tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho rằng Iran đã điều chỉnh phương án tấn công để không mất mặt, nhưng không đến nỗi gây ra cuộc chiến với Mỹ.

Ảnh vệ tinh cho thấy thiệt hại tại căn cứ Mỹ sau đợt tấn công bằng tên lửa của Iran. Ảnh: Reuters.

Nhưng giới phân tích cho rằng Iran và các đồng minh của họ có thể vẫn đang âm mưu các hình thức trả thù ít công khai hơn, sau vụ Mỹ ám sát tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh lực lượng Quds, Vệ binh Cách mạng Iran.

Một số nhà phân tích cho rằng Iran và các nhóm chiến binh đang quay trở lại mô hình tấn công bí mật hoặc gián tiếp mà không để lại bằng chứng rõ ràng về trách nhiệm của Iran. Thủ lĩnh nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn ở Iraq cũng đã chết cùng với tướng Soleimani trong đợt tấn công của Mỹ sẽ tìm cách trả thù riêng.

Hassan Nasrallah, lãnh đạo lực lượng dân quân thuộc Hezbollah ở Lebanon được Iran hậu thuẫn tuyên bố sẽ trả thù. Iran từ lâu cũng thể hiện sự quan tâm đối với các vụ ám sát, chiến thuật có thể phù hợp với lời thề trả thù của các quan chức Iran.

Một số chuyên gia Iran nói rằng giết chết một quan chức Mỹ trong khu vực có thể là mục tiêu mà Iran đang tìm kiếm. Nhưng Iran có tỷ lệ thành công rất thấp trong các vụ ám sát. Tehran đã nhiều lần thất bại trong việc cố gắng ám sát nhà ngoại giao Israel ở Thái Lan, Gruzia và Ấn Độ.

Họ cũng thất bại trong việc đánh bom một cuộc biểu tình gần Paris, nơi ông Rudolph W. Giuliani, cựu thị trưởng New York, đang phát biểu.

Năm 2011, an ninh Mỹ đã phá vỡ âm mưu của Iran khi thuê những tên côn đồ từ băng đảng ma túy của Mexico với giá 1,5 triệu USD để thổi bay một nhà hàng Ý ở Washington, nhằm giết chết một nhà ngoại giao Saudi Arabia.

Công nghệ Iran hiện đại hơn Mỹ dự báo

Cuộc tấn công vào cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia trong tháng 9/2019 đã cho thấy một thay thế đáng sợ, một phần vì nó phơi bày điểm dễ bị tổn thương của hầu hết hệ thống phòng thủ tên lửa.

Các hệ thống phòng thủ tên lửa phần lớn được thiết kế để chống lại tên lửa đạn đạo và hầu như không được trang bị khả năng phát hiện và ngăn chặn số lượng lớn máy bay không người lái và tên lửa hành trình tốc độ cao bay thấp.

Những mãnh vỡ của tên lửa hành trình được cho là do Iran sản xuất còn sót lại sau vụ tấn công cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia. Ảnh: AP.

Các quan chức nói rằng cuộc tấn công chứng minh công nghệ Iran tiên tiến hơn những gì tình báo Mỹ đánh giá. “Cuộc tấn công vào cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia đã gây ấn tượng sâu sắc về sự táo bạo của nó”, tướng Kenneth F. McKenzie Jr, người đứng đầu Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ cho biết.

Tal Inbar, cựu giám đốc trung tâm nghiên cứu vũ trụ, thuộc Viện nghiên cứu chiến lược không gian và không quân Fisher, cho biết độ chính xác của cuộc tấn công không thể đạt được nếu chỉ dựa vào GPS.

Các khả năng tiên tiến hơn đã được triển khai trong cuộc tấn công này, có thể là máy ảnh trên tên lửa và máy bay không người lái để so sánh hình ảnh mục tiêu, còn gọi là công nghệ so sánh hình ảnh tương phản.

Máy bay không người lái của Iran không có khả năng phóng tên lửa như các drone tiên tiến của Mỹ và Trung Quốc, nhưng chúng có thể mang theo chất nổ để trở thành tên lửa dẫn đường tầm xa.

Tên lửa hành trình của Iran có tầm bắn khoảng 2.500 km từ biên giới Iran, có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào ở Vịnh Ba Tư. Nga, Trung Quốc và Triều Tiên được cho là đã cung cấp công nghệ và đạn dược cho Iran để nước này sản xuất máy bay không người lái trong nước.

Tuy vậy, Iran vẫn thích dựa vào mạng lưới đồng minh chiến binh trong khu vực, bao gồm Hezbollah ở Lebanon, nhóm dân quân ở Iraq, phiến quân Houthi ở Yemen. Một số nhóm như Hezbollah, hay lực lượng dân quân ở Iraq được trang bị tốt và thể chế hóa gần giống quân đội chuyên nghiệp hơn là dân quân.

Afshon Ostovar, học giả tại Trường đại học Hải quân ở California, Mỹ, cho biết đó là cách giúp Iran mở rộng sức mạnh vượt ra ngoài biên giới.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ trong những năm qua đã làm suy yếu nền kinh tế Iran và giảm mức độ tài trợ cho các nhóm chiến binh.

Nhưng một báo cáo gần đây của Trung tâm các vấn đề chiến lược và quốc tế, đã kết luận rằng tổng số chiến binh trong mạng lưới được Iran hậu thuẫn tiếp tục tăng trưởng, từ 150.000 lên hơn 250.000 người.

Bất chấp những nỗ lực ngăn chặn của Mỹ và Israel, Iran vẫn tiếp tục buôn lậu tên lửa với tầm bắn và năng lực khác nhau cho Syria, Iraq, Lebanon và Yemen.

Tấn công mạng cũng là một lựa chọn khác mà Iran có thể sử dụng. Dan Coats, cựu giám đốc tình báo quốc gia, xếp hạng Iran là một trong bốn nguồn tấn công mạng nguy hiểm nhất thế giới cùng với Nga, Trung Quốc và Triều Tiên.

Biệt đội Quds của tướng Soleimani quyền lực thế nào ở Iran? Vào năm 1997-1998, ông Qassem Soleimani trở thành chỉ huy của biệt đội Quds. Ông bị ám sát bởi máy bay không người lái của Mỹ vào ngày 3/1.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ngoai-ten-lua-iran-con-nhieu-vu-khi-nguy-hiem-de-doa-my-post1034215.html