Ngoại khóa Văn học dân gian 'hút' học trò

Ngoại khóa Văn học dân gian (VHDG) trong trường phổ thông, đặc biệt ở những lớp phân ban Khoa học xã hội đóng vai trò rất quan trọng. Với cách làm sáng tạo này đã tạo ra sức hút của bộ môn và giúp học sinh khám phá những tác phẩm văn chương.

Hỗ trợ tích cực việc dạy và học

VHDG gắn liền với các hình thức diễn xướng đặc sắc trong đời sống văn nghệ của người Việt còn lưu truyền đến ngày nay. Thực hành VHDG trong trường học đưa học sinh tìm hiểu, tiếp thu những tác phẩm văn học đặc trưng trong bối cảnh cụ thể. Thầy cô trực tiếp hướng dẫn học sinh tìm hiểu về các thể loại VHDG để khám phá về gốc rễ sự hình thành văn học buổi đầu. Từ đó từng bước đi sâu vào tiến trình phát triển văn học ở các giai đoạn sau.

Hiện nay, nội dung chương trình văn học trong sách giáo khoa bậc THPT đề cập đến tác phẩm văn học tiêu biểu. Việc mở rộng, tiến sâu vào các thể loại văn học phụ thuộc rất nhiều vào khả năng mở rộng vấn đề của thầy trò. Môn Văn là một trong những môn học chính, do vậy mục tiêu nâng cao chất lượng môn học là trách nhiệm của thầy lẫn trò.

Thời lượng học trên lớp không đủ truyền tải toàn bộ những tác phẩm văn học dân gian ở mọi khía cạnh cuộc sống đương đại. Chính cách làm sáng tạo, đặc biệt là cho học trò học qua các trích đoạn đã tạo ra sức hút và thầy trò rất hào hứng tham gia.

Ngoại khóa VHDG là hoạt động văn học mang tính chất vừa học vừa chơi phổ biến ở trường chuyên. Từ đó nâng cao tinh thần giao lưu học hỏi giữa các khối lớp, giáo viên có thể đánh giá năng lực lĩnh hội tri thức, nhìn nhận khối lượng tri thức đạt được của học sinh.

Thông qua cầu nối này, giáo viên tích lũy cho mình phương pháp hiệu quả trong những bài giảng, về cách diễn xướng của văn học dân gian. Không đóng khung một số tác phẩm chính yếu trong chương trình học, tạo cơ hội bứt phá của khả năng sáng tạo, khả năng kết hợp, kết nối thế hệ ngày nay với văn học ngày xưa trong những tác phẩm có chọn lọc.

Thầy Phan Mạnh Thông - Tổ trưởng tổ Văn, Trường THPT chuyên Bạc Liêu (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), chia sẻ: “Ngoại khóa VHDG là hoạt động hàng năm của tổ Văn. Hoạt động này đóng góp bổ ích và thiết thực, hỗ trợ tích cực và sáng tạo cho dạy và học VHDG trong trường phổ thông. Hình thức diễn xướng của VHDG được cụ thể hóa bằng các tiết mục như đơn ca, song ca, tốp ca, ca múa, múa, kịch dân gian…

Tất cả các tiết mục do học sinh thực hiện đều được giáo viên kiểm duyệt dựa trên tác phẩm VHDG hoặc có nguồn gốc từ dân gian. Do đó định hướng cho các em học tập tốt hơn thể loại VHDG, thúc đẩy chất lượng học VHDG ngày càng tốt, động lực cho việc giảng dạy VHDG được mới mẻ, lôi cuốn các em yêu thích học Văn nói chung và VHDG nói riêng”.

Những bài học bổ ích ngoài sách vở

Đứng trước những yêu cầu đổi mới giáo dục, đổi mới phương pháp dạy và học Văn cần những câu trả lời đến từ người dạy và người tiếp nhận. Phạm trù VHDG khá rộng, đòi hỏi khả năng sưu tầm, khả năng bóc tách nội dung VHDG không là dễ dàng khi chỉ có sách và lớp học. Chính vì tính thực tiễn, VHDG gắn liền với bối cảnh cụ thể nên tính hướng ngoại cần đến hoạt động thực tế tìm hiểu từ giáo viên và học sinh.

Thầy Huỳnh Vũ Lam - Tiến sĩ Văn học, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) trao đổi với chúng tôi: “Định hướng phát triển bộ môn, định hướng phát triển năng lực người học qua thực hành, thầy cô giáo và các em tham gia vào quá trình thực hiện ngoại khóa VHDG để có thể hỗ trợ các em vận dụng kiến thức đã học đến lý giải những vấn đề xung quanh. Từ đó hình thành năng lực học tập được tốt hơn bằng các hoạt động cụ thể gắn liền với chương trình học tập”.

Tính hiện thực của VHDG thể hiện rõ nét qua các hình thức diễn xướng nhằm phục vụ cho các sinh hoạt của cộng đồng; đây cũng chính là “con đẻ” của nghệ nhân dân gian và là tài sản chung của tập thể nên việc đi sâu tìm hiểu về VHDG bằng hoạt động đi thực tế tìm hiểu về phong tục tập quán địa phương được thể hiện trong tác phẩm văn học cụ thể như ca dao, tục ngữ, hò vè, truyện cổ tích… rất thiết thực. Trong chuyến đi học sinh dễ dàng nắm bắt được quá trình hình thành nên tác phẩm, cũng như lý giải được nguồn gốc.

Linh hoạt tổ chức hoạt động ngoại khóa VHDG giúp thầy cô giáo và học sinh chủ động trong việc học, đưa môn Văn thoát khỏi sự nhàm chán, tạo ra nhiều sức hút của sáng tạo dạy và học đổi mới. Học sinh được trau dồi kiến thức của mình để áp dụng vào thực tế cuộc sống, việc học đi đôi với hành trở thành động lực phát huy giá trị VHDG.

Theo thầy Huỳnh Vũ Lam: “Để hoạt động ngoại khóa VHDG có hiệu quả trong quá trình giảng dạy và học tập thì yếu tố quyết định phụ thuộc vào những chỉ đạo chuyên môn. Tổ Ngữ văn đóng vai trò quan trọng tổ chức ngoại khóa VHDG trên việc ủng hộ những phương pháp mới. Đồng thời động viên các em học sinh tham gia, nhất là những khối lớp phân ban Khoa học xã hội. Giáo viên giảng dạy hướng dẫn cho học sinh kỹ năng cụ thể tiếp nhận VHDG, kỹ năng sưu tầm tác phẩm nguyên tác hoặc có dị bản. Hoạt động ngoại khóa là đề tài kích thích hứng thú dạy tốt, học tốt của giáo viên dạy Văn và học sinh học Văn. Nhà trường lồng ghép đa dạng hoạt động diễn xướng, hoạt động thực tế cho các em tham gia thay đổi không khí môi trường học tập. Đặc biệt chuyến đi thực tế được tổ chức trước Tết Nguyên đán hướng học sinh tìm hiểu về cách gói bánh tét, bánh chưng, bánh giầy trong gia đình hoặc thăm những nghệ nhân…”.

Kho tàng VHDG khá đồ sộ, thực hành VHDG trong trường THPT thông qua các buổi ngoại khóa bằng nhiều hình thức diễn xướng, đi tìm hiểu thực tế sẽ đóng góp rất lớn cho việc dạy, học tác phẩm VHDG. Việc thay đổi chiều hướng tiếp nhận VHDG của học sinh từ tìm hiểu qua sách vở đến việc chủ động tìm kiến thức ở môi trường cuộc sống hiện đại là bước tiến quan trọng trong đổi mới phương pháp dạy, học. Từ đó giúp bảo tồn và phát huy các tác phẩm VHDG và góp phần giáo dục ý thức về nguồn cội dân tộc cho học sinh...

Thùy Trang

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/ngoai-khoa-van-hoc-dan-gian-hut-hoc-tro-3907215-b.html