Ngoại hình thu hút là chưa đủ với một giảng viên ngôi sao Hàn Quốc

Trả lời Zing, chuyên gia cho rằng sự nổi tiếng của giảng viên ngôi sao tại Hàn Quốc xuất phát từ nhiều yếu tố như ngoại hình, phong cách giảng dạy và sự phổ biến của Internet.

Trong thế giới thể thao và giải trí phát triển ngày nay, tài sản ròng của các ngôi sao - như huyền thoại thể thao, nghệ sĩ, ngôi sao điện ảnh - có thể lên tới hàng trăm triệu USD. Thế nhưng tại Hàn Quốc, một nghề khác cũng có mặt trong danh sách này, đó là giảng viên ngôi sao, theo Korea Herald.

Những giảng viên này được gọi là “ilta” - “il” trong tiếng Hàn nghĩa là số một, “ta” là ngôi sao.

 Ông Mark Bray là giáo sư danh dự kiêm Chủ tịch UNESCO về giáo dục đối chiếu tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc). Ông là chuyên gia về xu hướng dạy thêm tại Hàn Quốc, Hong Kong, Sri Lanka, Ai Cập và nhiều nơi khác trên thế giới. Ảnh: FreshEd.

Ông Mark Bray là giáo sư danh dự kiêm Chủ tịch UNESCO về giáo dục đối chiếu tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc). Ông là chuyên gia về xu hướng dạy thêm tại Hàn Quốc, Hong Kong, Sri Lanka, Ai Cập và nhiều nơi khác trên thế giới. Ảnh: FreshEd.

Lý giải sức hút của những giảng viên này, ông Mark Bray - giáo sư danh dự kiêm Chủ tịch UNESCO về giáo dục đối chiếu tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) - cho biết sự nổi tiếng của họ bắt nguồn từ phong cách giảng dạy và học tập khác lạ khi đi học thêm, so với trường học chính thống mà học sinh được trải nghiệm.

“Các giảng viên ngôi sao có thể mang phong cách ít trang trọng hơn, khi sử dụng tiếng lóng và nhiều từ vựng thu hút thanh thiếu niên. Họ thường có hiểu biết đặc biệt về các câu hỏi và kỹ thuật trong bài kiểm tra. Bạn bè cũng có ảnh hưởng lớn”, ông nói với Zing.

Bên cạnh sự phát triển của Internet, giáo sư Bray cho rằng sự cạnh tranh trong xã hội cũng thúc đẩy nhu cầu theo học các giảng viên ngôi sao, khi giới trẻ Hàn Quốc đối mặt với áp lực sở hữu bằng cấp cao.

Ngoại hình thu hút là chưa đủ

Theo ông Jung Hoon Jung - giáo sư về giáo dục tại Đại học Quốc gia Pusan (Hàn Quốc), giảng viên ngôi sao dạy rất nhiều môn học, từ tiếng Anh tới lịch sử. Ông cho rằng có 3 yếu tố để tạo nên một giảng viên ngôi sao.

“Đầu tiên, họ có ngoại hình thu hút, nhưng đó không phải là tất cả. Họ phải có một thứ gì đó thật đặc biệt, một đặc điểm khiến họ dễ dàng được người khác nhớ tới”, ông nói, nhấn mạnh các giảng viên này thường trang điểm, làm tóc, thậm chí mặc trang phục đặc biệt như hanbok (trang phục truyền thống của Hàn Quốc) hay quân phục.

Thứ hai, giảng viên ngôi sao sử dụng ngôn ngữ dễ nhớ, dễ hiểu. Ông Jung cho hay những người này thường lặp đi lặp lại mỗi ngày cụm từ nhất định có liên quan tới nội dung bài học, khiến học sinh ghi nhớ và chia sẻ với bạn bè của mình.

Ông Jung Hoon Jung là giáo sư về giáo dục tại Đại học Quốc gia Pusan (Hàn Quốc). Giáo sư Jung nghiên cứu về giáo dục ngoài luồng, đào tạo giáo viên và lý thuyết chương trình giảng dạy. Ảnh: Jung Hoon Jung.

Ngoài ra, giảng viên ngôi sao có kỹ năng rất tốt, không chỉ là kiến thức chuyên môn mà cả phương pháp dạy.

“Ví dụ, họ phân tích tất cả giáo trình, mọi loại câu hỏi có thể xuất hiện trong đề thi và tìm ra cách thức giải quyết những câu hỏi đó một cách dễ dàng nhất. Điều này khiến quá trình học của học sinh thoải mái hơn. Tất nhiên những giáo viên ở trường học cũng làm điều này, nhưng họ không có đủ thời gian để làm đầy đủ như giảng viên ngôi sao”, ông kết luận.

Theo giáo sư Jung Hoon Jung, ngoài sức hút cá nhân, nhiều yếu tố về văn hóa và lịch sử Hàn Quốc cũng thúc đẩy sự phát triển của các giảng viên ngôi sao.

“(Người Hàn Quốc) tôn trọng giá trị nội tại của việc học. Thông qua học tập, họ không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn trở thành một con người tốt hơn. Họ theo đuổi hình mẫu một cá nhân hoàn hảo cả về kiến thức và đạo đức. Những giá trị văn hóa đó đã ăn sâu vào tâm trí mọi người, bao gồm cả giáo viên, học sinh và phụ huynh”, ông nói.

Với tư tưởng này, “giáo dục trong bóng tối” hay giáo dục ngoài luồng dần phát triển. “Khi xã hội trở nên giàu có hơn, cha mẹ tích lũy tài sản và đầu tư tiền bạc cho việc học hành của con cái”, ông nói thêm.

Ông Mark Bray cũng dẫn tới tầm quan trọng của việc học thêm đối với xã hội Hàn Quốc.

“Đầu tiên, cần đặt câu hỏi tại sao giáo dục ngoài luồng lại có ý nghĩa quan trọng như vậy với xã hội Hàn Quốc. Câu trả lời rất đơn giản, đó là do cạnh tranh trong xã hội. Các gia đình nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục nhằm đảm bảo cơ hội việc làm trong tương lai. Ở Hàn Quốc, điều này đồng nghĩa học sinh sẽ có cơ hội tiếp cận với các trường đại học hàng đầu, nhờ đó triển vọng việc làm sau tốt nghiệp sẽ rất rộng mở”, ông Bray giải thích.

Vị giáo sư cũng cho biết “Hàn Quốc có lịch sử rất lâu đời về giáo dục ngoài luồng, và giảng viên ngôi sao cũng vậy”. Năm 1980, chính phủ ban hành quy định cấm hầu hết hình thức dạy thêm, nhưng các hạn chế dần được dỡ bỏ vào những năm 1990. Đến năm 2000, điều này hoàn toàn không còn nữa.

Bộ phim Crash Course in Romance khắc họa nam chính Choi Chi Yeol được gọi là “người đàn ông 1.000 tỷ won” (800 triệu USD) với tư cách là giảng viên online, trực tiếp và phát hành nhiều tài liệu học tập. Ảnh: tvN.

“BTS” trong giới học sinh và phụ huynh

Bên cạnh yếu tố lịch sử và văn hóa, sự phát triển công nghệ cũng góp phần thúc đẩy các kênh giáo dục ngoài luồng và danh tiếng của giảng viên ngôi sao.

Giáo sư Bray nhấn mạnh vai trò của Internet trong xu hướng này, khi cho phép giảng viên tiếp cận với học sinh trên khắp đất nước, thậm chí khu vực và toàn cầu.

“Hồi trước, việc học thêm thường diễn ra ở các trung tâm, nhưng Internet đã thay đổi mọi thứ. Dạy thêm tại chỗ có ưu điểm là học sinh có thể dành thời gian học hỏi bạn bè và được trợ giảng hỗ trợ. Tuy nhiên, Internet trở thành công cụ hỗ trợ học sinh ngoài giờ, và có thể sử dụng để quảng cáo trực tiếp hay gián tiếp”, ông ví dụ.

Về phần mình, giáo sư Jung cho hay Hàn Quốc là quốc gia có công nghệ phát triển, nơi mạng Internet bắt đầu phổ biến cách đây khoảng 30 năm.

“Một số học giả Hàn Quốc từng nghiên cứu ở Mỹ đã trở về quê hương và xây dựng cơ sở hạ tầng (cho giáo dục)”, giáo sư Jung nói.

“Từ khoảng năm 2000, Bộ Giáo dục Hàn Quốc nhận ra công nghệ có vai trò quan trọng và nên được ứng dụng trong giáo dục. Sau đó, họ đã đưa ra Hệ thống Phát thanh Giáo dục EBS”, ông nói thêm.

Theo vị giáo sư Đại học Quốc gia Pusan, lúc đầu hệ thống EBS được chia sẻ qua đài truyền hình. Đến đầu thế kỷ 21, chính phủ đã cố gắng xây dựng một số chương trình và bài giảng qua Internet nhằm hỗ trợ học sinh trung học.

Ngay sau đó, các công ty thương mại nhanh chóng nắm lấy thời cơ. Họ bắt đầu phát triển công nghệ và tìm những giáo viên dạy kèm có kỹ năng và kinh nghiệm, xây dựng hệ thống dạy học ngoài luồng trên Internet, được gọi là hakwon, ông lý giải.

Khi nhiều công ty mới xuất hiện, kết hợp với sự phát triển của Internet, phụ huynh và học sinh bắt đầu sử dụng các dịch vụ này nhiều hơn, từ những bài giảng được ghi hình lại đến những buổi phát sóng trực tiếp.

Các trung tâm cũng tăng cường giao tiếp với học sinh, “khuyến khích học sinh đặt câu hỏi và tận dụng sức hút của những giảng viên ngôi sao”, ông Jung nói.

“Ngày nay, Internet rất phổ biến. Theo như tôi biết, phần lớn học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 tại Hàn Quốc đều có thể tiếp cập Internet. Khi các giảng viên có khoảng 200.000 học sinh đăng ký, họ trở thành nhóm nhạc nam BTS hay hình mẫu thần tượng trong giới học sinh và cả phụ huynh”.

Tại Hàn Quốc, nhiều giáo viên, gia sư hiện có thu nhập ngang với những ngôi sao trong giới giải trí. Ảnh: KoreaBoo.

Theo Korea Herald, tại Hàn Quốc, nhiều giáo viên, gia sư hiện có thu nhập ngang với những ngôi sao trong giới giải trí. Năm 2020, Lee Ji Young, giáo viên nổi tiếng với các bài giảng trực tuyến, tiết lộ số dư tài khoản ngân hàng là khoảng 13 tỷ won, trong khi thu nhập hàng năm lên đến hơn 10 tỷ won chỉ tính tiền lương.

Giáo viên này cũng sở hữu nhiều siêu xe, đồng hồ và trang sức xa xỉ. Các clip ghi lại bài giảng của cô thu hút hàng triệu lượt xem trên Youtube.

Theo các chuyên gia, giảng viên ngôi sao có thể thu hút học sinh bằng nhiều yếu tố, từ ngoại hình đến phong cách, song chất lượng bài giảng vẫn là yếu tố cốt lõi để duy trì danh tiếng.

“Về bản chất, (giáo dục ngoài luồng) cũng là lĩnh vực kinh doanh, trong đó phụ huynh và học sinh là những người tiêu dùng. Họ sẽ bỏ đi nếu không hài lòng với bài giảng”, ông Jung nhận định.

Phương Linh - Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngoai-hinh-thu-hut-la-chua-du-voi-mot-giang-vien-ngoi-sao-han-quoc-post1406441.html