Ngoại giao với 'quà tặng sống'

VH- Trong thế giới ngoại giao, quà tặng đóng vai trò rất đặc biệt. Tặng quà gì, cách tặng thế nào và quà tặng có được chấp nhận hay không phản ánh mức độ thân thiết và tin cậy giữa lãnh đạo các quốc gia. Ẩn ý của việc tặng và nhận quà ngoại giao rất sâu xa và tinh tế, thể hiện hiểu biết rất sâu sắc về văn hóa và con người.

Năm 2007, Thủ tướng Đức Angela Merkel khi tới thăm Liberia được tặng một con gà vì ở đất nước này gà là biểu tượng cho tình hữu nghị

Trong chuyến thăm Trung Quốc vừa rồi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một con tuấn mã trong đội kỵ mã của lực lượng Cận vệ cộng hòa với lý do là ông Tập Cận Bình khi thăm Pháp năm 2014 đã tỏ ra rất thích loài ngựa quý này. Ông Macron dùng món “quà tặng sống” này trong ngoại giao để thể hiện thiện chí với Trung Quốc, tranh thủ lãnh đạo Trung Quốc.

Việc tặng những món quà sống như thế trong hoạt động ngoại giao còn được gọi theo nhiều cách khác nhau, đã được thực hiện từ xa xưa. Sử sách Trung Quốc còn lưu lại hoàng đế Võ Tắc Thiên trong thế kỷ thứ VII đã tặng Nhật hoàng hai con gấu, rất có thể là gấu trúc. Tặng gấu trúc đã trở thành chiến lược quan trọng trong ngoại giao của Trung Quốc và có lẽ cũng bài bản nhất trên thế giới. Năm ngoái, Trung Quốc đã đưa sang Đức một đôi gấu trúc. Trước đó, vào năm 1980 và 1995, Trung Quốc đã hai lần đưa gấu trúc sang Đức. Cho tới năm 1983, Trung Quốc tặng các nước gấu trúc. Nhưng từ năm 1983 đến nay, Trung Quốc chỉ cho mượn gấu trúc với giá thuê khoảng 1 triệu USD một năm và điều kiện là Trung Quốc có thể cho gấu trúc “hồi hương” bất cứ lúc nào và gấu trúc con được sinh ra ở nước ngoài thuộc sở hữu của Trung Quốc và khi được 2 tuổi sẽ “hồi hương”. Trung Quốc áp dụng kiểu “ngoại giao gấu trúc” này với 15 nước. Các nước nhận phải bỏ ra khoản tiền không hề nhỏ để xây dựng chuồng và tạo môi trường sống thuận lợi cho gấu trúc. Khu chuồng cho đôi gấu trúc ở thủ đô Berlin của Đức tiêu tốn khoảng 9 triệu USD, ở thủ đô Viên của Áo cũng 6 triệu USD. Scotland phải nhập khẩu tre tươi về làm thức ăn cho gấu trúc. Nhiều nơi có cả thiết bị tạo sương mù cho gấu trúc ở giữa nơi kinh kỳ mà có được môi trường sống như trong tự nhiên ở Trung Quốc. Đắt nhưng thật sự xắt ra miếng vì gấu trúc rất được yêu thích.

Tổng thống Nga V. Putin đã hai lần được tặng quà là 2 chú chó

Gấu trúc là điển hình nhất cho ngoại giao với “quà tặng sống”, tức là dùng động vật sống làm quà tặng trong hoạt động ngoại giao. Lần ngược dòng lịch sử có thể thấy được rất nhiều bằng chứng thú vị. Năm 802, giáo chủ ở Baghdad (Iraq) Harun al-Rashid đã tặng Hoàng đế Karl (Đại đế) ở nước Đức ngày nay một con voi. Chú voi này luôn tháp tùng nhà quân chủ trong mọi chuyến đi. Năm 1513, Giáo hoàng Leo X được vua Bồ Đào Nha Emanuel I tặng một con voi có tên gọi là Hanno. Năm 1826, Thống đốc tỉnh Ai Cập (khi đó thuộc về Đế chế Osman) Muhammad Ali Pashas đã tặng vua Pháp Karl X một con hươu cao cổ. Phải mất 4 tuần đi biển mới đưa được món quà này về đến nước Pháp và thuyền trưởng phải cho cải tạo boong tầu để con hươu cao cổ thoải mái suốt chuyến đi về Pháp.

Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng nước CHDC Đức một chú voi con để thể hiện tình cảm gắn bó của Việt Nam với CHDC Đức. Năm 1962, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Robert F. Kennedy đã tặng Thị trưởng thành phố Tây Berlin một con đại bàng cổ trắng, con chim biểu tượng cho nước Mỹ để thể hiện là Mỹ luôn ủng hộ Tây Berlin. Năm 1962, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrutshov đã tặng cô gái Caroline Kennedy, con gái của Tổng thống Mỹ John F. Kennedy một con chó trắng, con của con chó Strelka vốn đã cùng con chó Belka được đưa lên quỹ đạo Trái đất năm 1960. Năm 2004, Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder khi thăm Ethiopia được tặng một con cừu. Ông Schroeder không đem theo về Đức mà để lại ở Đại sứ quán Đức. Năm 2007, Thủ tướng Đức Angela Merkel khi tới thăm Liberia được tặng một con gà vì con gà ở đất nước này là biểu tượng cho tình hữu nghị. Bà Merkel cũng để nó lại cho Đại sứ quán Đức như người tiền nhiệm. Lại chuyện tặng voi. Năm 2007, Tổng thống Sri Lanka Mahina Rajapaksa đem theo một con voi làm quà tặng khi tới thăm Trung Quốc. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hai lần được tặng quà là hai con chó, từ Bungari năm 2010 và Nhật Bản năm 2012.

Năm 2013, Tổng thống Pháp Francois Hollande được Tổng thống tạm quyền Mali Diuncounda Traore tặng một con lạc đà. Ông Hollande hứa là sẽ sử dụng nó làm phương tiện vận chuyển thường xuyên như có thể được, nhưng rồi không đem nó về Pháp. Năm 2014, Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdimuhamedow tới thăm Trung Quốc và tặng ông Tập Cận Bình một con ngựa thuộc chủng loại quý nhất của Turkmenistan. Australia cũng dùng con vật đáng yêu Koalas trong ngoại giao.

Xuân Mậu Ngô

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/ngo%E1%BA%A1i-giao-v%E1%BB%9Bi-qu224-t%E1%BA%B7ng-s%E1%BB%91ng