Ngoại giao văn hóa, thể thao góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam

Báo điện tử Tổ Quốc xin giới thiệu bài phỏng vấn Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Sanh Châu– Đại sứ được chỉ định của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ kiêm nhiệm Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal và Vương quốc Bhutan bên lề Hội nghị Ngoại giao 30 ngày 13/8 về ngoại giao văn hóa và ngoại giao thể thao của Việt Nam.

Báo điện tử Tổ Quốc xin giới thiệu bài phỏng vấn Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Sanh Châu– Đại sứ được chỉ định của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ kiêm nhiệm Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal và Vương quốc Bhutan bên lề Hội nghị Ngoại giao 30 ngày 13/8 về ngoại giao văn hóa và ngoại giao thể thao của Việt Nam.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Sanh Châu tại đêm hòa nhạc “Gioacchino Rossini gala concert” nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Italia.

PV: Thưa ông, trong những Hội nghị Ngoại giao hai năm một lần của ngành ngoại giao Việt Nam thì ngoại giao văn hóa đóng vai trò như thế nào?

Ông Phạm Sanh Châu: Ngoại giao văn hóa đã trở thành một trong ba trụ cột của ngoại giao Việt Nam hiện đại từ cách đây 10 năm - Hội nghị ngoại giao lần thứ 25. Kể từ đó, ngoại giao văn hóa đã trở thành một hoạt động đối ngoại không thể đảo ngược. Trước đây, Việt Nam ta đã có hoạt động ngoại giao văn hóa, nhưng vẫn còn lẻ tẻ và chưa trở thành một hệ thống. Và từ 10 năm trước, ngoại giao văn hóa đã trở thành một trụ cột và sau đó Bộ Ngoại giao đã xây dựng được một hành lang pháp lí, trong đó có Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về tăng cường công tác ngoại giao văn hóa hay Chương trình hành động về ngoại giao văn hóa do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Hoạt động ngoại giao văn hóa cũng được triển khai ở trong nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.

Ngoại giao văn hóa hướng đến nhiều đối tượng: các nhà ngoại giao nước ngoài và những người nước ngoài nói chung ở Việt Nam, Việt kiều ở nước ngoài và đông đảo người nước ngoài. Vì vậy, nhiệm vụ lớn nhất của ngoại giao văn hóa là giúp bạn bè quốc tế hiểu đúng, hiểu rõ về đất nước và con người Việt Nam và ủng hộ Việt Nam.

Nhiệm vụ thứ hai là quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam, giới thiệu bản sắc riêng của mình - đây là nguồn cảm hứng khơi dậy lòng tự hào dân tộc.

Nhiệm vụ thứ ba là góp phần quảng bá, thúc đẩy du lịch, góp phần hỗ trợ xóa đói giảm nghèo tại các địa phương và phát triển kinh tế xã hội.

Hiện tại, hoạt động ngoại giao văn hóa của Bộ Ngoại giao đã được triển khai rất tích cực, bài bản và khai cụ thể trong 95 cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài. Ở một số quốc gia trên thế giới, dù các sứ quán của ta chỉ là vừa và nhỏ, nhưng đều thực hiện hoạt động ngoại giao văn hóa.

Trong thời gian tới, chúng ta đang cố gắng đưa ngoại giao văn hóa gắn liền với các hoạt động chính trị, tăng nội hàm văn hóa trong diễn văn của các nhà lãnh đạo.

Điều thứ hai, tiếp tục hoạt động ngoại giao văn hóa để góp phần bảo tồn giá trị, di sản của Việt Nam. Hiện tại, chúng ta đang tiếp thu những giá trị văn hóa tích cực của thế giới nhưng chúng ta cũng bị ảnh hưởng bởi những mặt tiêu cực. Do đó, trong quá trình thực hiện ngoại giao văn hóa, chúng ta phải kết hợp được cả hội nhập quốc tế và bảo lưu được bản sắc của mình. Trong Hội nghị bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định không đánh đổi di sản lấy phát triển.

Điều thứ ba, ngoại giao văn hóa phải thực sự đóng góp vào phát triển, một ví dụ là các danh hiệu di sản chúng ta đạt được phải thu hút được du khách đến đông hơn. Phải làm sao để ngoại giao văn hóa đóng góp thiết thực vào quá trình thúc đẩy phát triển, du lịch và đóng góp vào xóa đói giảm nghèo của người dân.

PV: Thắng lợi của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam tại Giải U23 châu Á vừa qua không chỉ làm nức lòng người hâm mộ Việt Nam, mà còn góp phần mang thể thao Việt Nam nói riêng và hình ảnh Việt Nam nói chung đến với bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, thể thao Việt Nam cũng còn rất nhiều đột phá khác. Ông đánh giá ra sao về ngoại giao thể thao trong thời gian tới?

Ông Phạm Sanh Châu: Ngoại giao thể thao và ngành thể thao Việt Nam sắp tới cần tạo thương hiệu cho quốc gia, giống như nước Croatia đã xây dựng nên một đội tuyển bóng đá có tiếng vang lớn hay một số nước khác như Serbia đã thông qua môn thể thao tennis để tạo nên thương hiệu cho đất nước mình. Vì thế, chúng ta phải chọn lựa những môn có lợi thế so sánh mạnh nhất của mình để đầu tư, góp phần tạo nên một trường phái thể thao Việt Nam và góp phần vào thương hiệu chung của Việt Nam.

Cá nhân tôi rất tin tưởng vào thể thao Việt Nam và coi ngoại giao thể thao là một bộ phận của ngoại giao hợp thành. Hiện tại, tất cả các ngành đều làm ngoại giao để tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển và xây dựng đất nước.

PV: Khi nhận nhiệm vụ mới tại Ấn Độ - một nền văn hóa rất lớn, ông sẽ có kế hoạch gì để phát huy những kinh nghiệm ngoại giao văn hóa của mình?

Ông Phạm Sanh Châu: Sắp tới, tôi sẽ được phân công làm Đại sứ tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal và Bhutan. Tôi cảm thấy đây là một duyên rất lớn vì cuộc đời tôi chủ yếu lớn lên, học hành và công tác tại các nước phương Tây. Đến với Ấn Độ, phải xác định đây là một tiểu lục địa với dân số gần 1,4 tỷ người với hàng trăm ngôn ngữ và sắc tộc khác nhau. Chúng ta cũng phải hiểu Ấn Độ là một trong 3 đối tác chiến lược toàn diện.

Trong thế giới hiện nay, vai trò của Ấn Độ đối với ta ngày càng quan trọng hơn vì liên quan đến hợp tác an ninh, quốc phòng. Ấn Độ cũng là một thị trường về du lịch, xuất khẩu mà chúng ta chưa khai thác hết. Tôi cũng sẽ cố gắng viết về Ấn Độ, một nền văn hóa đa dạng và sự tương tác giữa 3 tôn giáo lớn Hindu giáo, Phật giáo và Hồi giáo tại nước này. Đây sẽ là dịp để chúng ta có thể chiêm nghiệm về sự tương đồng và khác biệt với chúng ta. Như vậy, Ấn Độ là một điểm đến đầy thú vị và có nhiều câu chuyện đang chờ đợi.

Về sự thích nghi, tận dụng của ngành ngoại giao Việt Nam đối với cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, trợ lí Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Sanh Châu chia sẻ, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, tất cả thế giới đều phải thích ứng với sự phát triển này. Nếu như chúng ta thích ứng kịp và bắt được những cơ hội cuộc cách mạng này mang lại thì chúng ta sẽ tạo ra những đột phá và bước ngoặt, còn nếu không chúng ta sẽ bị tụt hậu. Một nội dung quan trọng trong triển khai 4.0 là vấn đề phát triển, ứng dụng công nghệ - điều chúng ta phải chuẩn bị các biện pháp thích nghi.

Thứ nhất là chúng ta phải có sự chuẩn bị để tránh bị các lực lượng khác tấn công trên mạng, bảo đảm môi trường an toàn, an ninh cho hoạt động ngoại giao của ta. Thứ hai là chúng ta phải biết tận dụng công nghệ 4.0 để tuyên truyền. Tác dụng của các phương tiện truyền thông thông thường hiện tại đã không còn hiệu quả như xưa. Chủ đề của Hội nghị ngoại giao 30 năm nay cũng đề cập đến tính hiệu quả. Và để đạt được mục tiêu này chúng ta phải ứng dụng công nghệ 4.0, một trong số đó là tiếp cận các ứng dụng mới nhất và các công nghệ truyền tải thông tin hiện đại nhất để góp phần vào công tác dự báo chiến lược và tiếp tục chuyển đi các thông điệp bảo vệ công dân ta khi hoạt động ngoài khơi, xử lí hoạt động của tội phạm xuyên biên giới và những thách thức an ninh phi truyền thống.

Điều thứ 3 là sử dụng công nghệ 4.0 để quảng bá. Một trong những phương pháp quảng bá hữu hiệu nhất hiện tại là phải ứng công nghệ 4.0 và nếu chúng ta không xây dựng được phương thức phù hợp, chúng ta sẽ bị tụt hậu với các quốc gia khác. Điều này có thể thấy rõ trong việc Tổng thống Trump đã sử dụng rất hiệu quả mạng xã hội Twitter để truyền tải thông điệp của mình. Ở một số quốc gia, các tài khoản Twitter và Facebook của các nhà ngoại giao cũng được coi là một kênh thông tin chính thức của chính quyền.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thoi_su/ngoai-giao-van-hoa-the-thao-gop-phan-xay-dung-thuong-hieu-quoc-gia-viet-nam-356790.html