Ngoại giao vaccine biến BRI của Trung Quốc thành Con đường Tơ lụa Y tế, vì sao?

Tác giả Suisheng Zhao* có bài viết đăng tải trên East Asia Forum giải thích vì sao Trung Quốc đang thắng thế so với phương Tây về chính sách ngoại giao vaccine.

Chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc hiện nay trái ngược với "chính sách tôi trên hết" của Mỹ và Liên minh châu Âu. Trong ảnh là dòng người tiêm vaccine Sinovac của Trung Quốc ở Indonesia, tháng 2/2021. (Nguồn: Reuters)

Chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc hiện nay trái ngược với "chính sách tôi trên hết" của Mỹ và Liên minh châu Âu. Trong ảnh là dòng người tiêm vaccine Sinovac của Trung Quốc ở Indonesia, tháng 2/2021. (Nguồn: Reuters)

Vaccine Covid-19 của Trung Quốc đã được chuyển đến hơn 80 quốc gia để bán trên thị trường hoặc sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Việc cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển đang cho thấy Bắc Kinh tự coi mình là giải pháp ứng phó với đại dịch hơn chứ không phải là nguồn gốc của coronavirus.

Lấp đầy lỗ hổng

Chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc hiện nay trái ngược với "chính sách tôi trên hết" của Mỹ và Liên minh châu Âu.

Với sự thiếu hụt nguồn cung, việc phải đối mặt với tỷ lệ lây nhiễm cao cùng số người tử vong tại nhà, buộc các nhà lãnh đạo Mỹ và EU cảm thấy cần phải tiêm chủng cho dân chúng trong nước trước tiên.

Điều này khiến những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới không có nguồn cung cấp vaccine và gặp rủi ro cao. Trong khi đó, Trung Quốc không phải đối mặt với những vấn đề này và có đủ khả năng để gửi vaccine ra nước ngoài.

Chỉ bằng cách xuất hiện và giúp lấp đầy những lỗ hổng trong nguồn cung vaccine toàn cầu, Trung Quốc đã có được vị thế trong chính sách ngoại giao vaccine.

Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết rằng vaccine của Trung Quốc sẽ được cung cấp như một hàng hóa phổ biến toàn cầu.

53 quốc gia được cấp vaccine miễn phí, bao gồm các nước đang phát triển ở châu Phi và một số quốc gia châu Á quan trọng về mặt chiến lược như Philippines và Pakistan.

Tuy nhiên, vaccine của Trung Quốc không hoàn toàn miễn phí, 27 quốc gia có thu nhập trung bình đã phải trả tiền cho các liều vaccine đến từ Bắc Kinh.

Sự thiếu vắng của Mỹ và EU trong nguồn cung vaccine không thể ngăn cản quyết tâm của các nước đang đấu tranh để mang vaccine đến với người dân.

Nhiều quốc gia thích vaccine Pfizer và Moderna do Mỹ hoặc EU sản xuất hơn vaccine của Trung Quốc, nhưng họ không thể tiếp cận chúng vì giá thành đắt đỏ. Các quốc gia này đang tuyệt vọng và đã chớp lấy cơ hội nhận vaccine của Trung Quốc.

Tận dụng cơ hội

Lý do tiếp theo, Trung Quốc đang thắng thế về ngoại giao vaccine vì việc tuyên truyền tốt của chính phủ nước này đến với công chúng thế giới như một cường quốc hào phóng và có trách nhiệm.

Truyền thông Trung Quốc luôn đưa tin về các chuyến vận chuyển vaccine. Cảnh quang được thiết lập theo một kịch bản tiêu chuẩn. Khi một chiếc máy bay chở hàng hạ cánh, nó được các nhà lãnh đạo cấp cao của địa phương chào đón cùng với hình ảnh các đại sứ Trung Quốc đang xuýt xoa về thùng hàng vaccine.

Thêm vào đó, các công ty Trung Quốc cũng sẵn sàng hơn các đối tác phương Tây trong việc đạt được các thỏa thuận cấp phép sản xuất vaccine ở nước ngoài.

Ví dụ, Indonesia đã trở thành trung tâm khu vực cho vaccine CoronaVac của công ty Sinovac từ Trung Quốc thông qua công ty dược phẩm nhà nước Bio Farma.

Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) chọn Sinopharm vì công ty Trung Quốc sẵn sàng tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba tại UAE và xây dựng năng lực sản xuất vaccine bản địa. Sinopharm cũng đã sắp xếp sản xuất vaccine của mình tại UAE để phân phối trong khu vực.

Ngoại giao vaccine đã giúp tăng ảnh hưởng của Trung Quốc và cho phép Bắc Kinh tận dụng các cơ hội mới.

Trung Quốc đã triển khai vaccine cho các bên tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và tăng cường khả năng tiếp cận ưu đãi với các mũi tiêm chủng cùng việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các dự án kết nối.

Theo một báo cáo của Think Global Health vào tháng 4, trong số 56 quốc gia mà Trung Quốc cam kết cung cấp vaccine, chỉ có một nước không phải là thành viên BRI.

Có thể đặt tên BRI hiện nay là Con đường Tơ lụa Y tế vì chính sách ngoại giao vaccine đã tạo chỗ đứng cho ngành công nghiệp dược phẩm của Trung Quốc vốn đang bị tai tiếng bởi các vụ bê bối và mức độ tín nhiệm thấp ở trong và ngoài nước. Việc Sinovac và Sinopharm nổi tiếng ở nước ngoài, có thể thay đổi nhận thức này của công chúng thế giới về Trung Quốc.

Vẫn còn hoài nghi

Mặc dù các nhà sản xuất vaccine Trung Quốc là một trong những nhà sản xuất vaccine sớm nhất trên thế giới bắt đầu thử nghiệm lâm sàng và tự báo cáo một số kết quả chính, nhưng nhiều nhà sản xuất đã không công bố dữ liệu đầy đủ. Điều này đã làm dấy lên sự hoài nghi về tính an toàn và hiệu quả của các loại vaccine.

Ông Gao Fu, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, hồi tháng 4 đã lưu ý rằng vaccine Trung Quốc không hiệu quả như mong đợi và việc kết hợp các loại vaccine là một trong những chiến lược đang được xem xét để tăng hiệu quả tiêm chủng.

Một số nước cũng đang lưỡng lự chưa muốn “bật đèn xanh” với vaccine Trung Quốc. Singapore đã nhận lô hàng vaccine Sinovac đầu tiên vào tháng 2, nhưng các cơ quan quản lý Singapore chưa chấp thuận việc sử dụng vaccine này và chuyển sang sử dụng vaccine Pfizer và Moderna.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã nói chuyện với người đồng cấp Trung Quốc về việc mua vaccine của Trung Quốc vào tháng 3. Tuy nhiên, các cơ quan y tế của Ba Lan đã khuyến cáo không nên sử dụng vaccine Trung Quốc vì thiếu dữ liệu đáng tin cậy.

Người ta cũng lo ngại liệu năng lực sản xuất của Trung Quốc có thể bắt kịp với danh sách khách hàng ở nước ngoài và chiến dịch tiêm chủng trong nước ngày càng quy mô hay không.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt hàng 20 triệu liều vaccine Sinovac của Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyến hàng đã bị trì hoãn buộc chính phủ Ankara phải liên tục điều chỉnh lại thời gian biểu tiêm chủng.

Ai Cập đã mua tổng cộng 40 triệu liều vaccine từ Sinopharm vào tháng Giêng nhưng chỉ nhận được một phần nhỏ đơn đặt hàng vaccine từ Trung Quốc vào giữa tháng 4. Áp lực này sẽ gia tăng khi nhu cầu vaccine nội địa của Trung Quốc ngày càng tăng.

Thiếu vắng Mỹ và các nước phương Tây, Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao vaccine hiệu quả. Nhưng các quốc gia này nên cạnh tranh và hợp tác với Trung Quốc để khắc phục những tắc nghẽn trong phân phối vaccine toàn cầu, để đảm bảo rằng tất cả các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, nhận được lượng vaccine mà họ cần để cuối cùng có thể đánh bại đại dịch Covid-19.

*Suisheng Zhao là Giáo sư, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trung – Mỹ của Trường Nghiên cứu Quốc tế Josef Korbel thuộc Đại học Denver. Ông đồng thời là Tổng Biên tập tờ Thời báo Trung Quốc Đương đại.

(Theo Eastasiaforum)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-giao-vaccine-bien-bri-cua-trung-quoc-thanh-con-duong-to-lua-y-te-vi-sao-144264.html