Ngoại giao tâm công - bí quyết thành công của Việt Nam trong tháng Chủ tịch HĐBA

Đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhiệm vai trò này trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an trong hai năm 2020-2021.

Việt Nam đã tiếp tục thành công trên cương vị Chủ tịch Hội đồng bảo an trong tháng 4/2021. Đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhiệm vai trò này trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an trong hai năm 2020-2021. Các sáng kiến và đề xuất của Việt Nam đã được các nước đánh giá cao. Nhân dịp kết thúc tháng Chủ tịch Hội đồng bảo an của Việt Nam, phóng viên VOV thường trú tại Mỹ, có cuộc trao đổi với Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc.

Đại sứ Đặng Đình Quý.

Đại sứ Đặng Đình Quý.

PV: Xin Đại sứ cho biết về đánh giá của các nước đối với những hoạt động của Việt Nam trong tháng Chủ tịch Hội đồng bảo an (HĐBA)?

Đại sứ Đặng Đình Quý: Đa số các nước đánh giá là tháng Chủ tịch của chúng ta rất thành công bởi vì chúng ta đã đạt được những mong muốn của họ về câu chuyện đưa nội dung của Hội đồng bảo an thảo luận thực chất vào giải quyết các vấn đề trên thế giới, phản ứng kịp thời với những vấn đề nảy sinh. Chúng ta đồng thời cũng đưa ra những vấn đề mà lâu nay Hội đồng bảo an không thảo luận, không quan tâm lắm nhưng lại nổi lên bây giờ như vấn đề bom mìn, hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống của dân thường ở các khu vực xung đột.

Họ đánh giá rất cao cái đó và chúng ta mở ra cơ hội cho rất nhiều đối tượng ở Liên hợp quốc tham gia được từ các nước thành viên, từ cộng đồng các tổ chức dân sự, từ khối học giả đều có thể tham gia các cuộc thảo luận mở đó được. Họ đánh giá rằng Việt Nam là nước đầu tiên đưa ra họp không chính thức trở lại trụ sở chính của Liên hợp quốc hai cuộc và cộc hôm nay là cuộc tổng kết tháng. Họ thích lắm, mọi người rất vui vẻ đến giống như học sinh quay trở lại trường sau tháng mùa Hè. Đấy là thành công chung mà họ đánh giá về hoạt động của Việt Nam trong tháng Chủ tịch Hội đồng bảo an vừa rồi.

PV: Trong tháng Chủ tịch Việt Nam, chúng ta đã gặp những khó khăn gì và đã xử lý như thế nào thưa Đại sứ?

Đại sứ Đặng Đình Quý: Cái khó thứ nhất là nhiều vấn đề nảy sinh quá, tháng Tư vừa rồi tưởng là yên bình nhưng xảy ra khắp nơi, ngoài chuyện Myanmar còn Yemen, Somalia, Sudan, Mozambique, toàn chuyện căng thẳng mà mỗi nước lại có quan điểm khác nhau, có lợi ích khác nhau và chính sách khác nhau. Thế thì Chủ tịch phải làm thế nào để điều phối những cái khác nhau đó?

Một cái khó nữa là tình hình Covid-19 vẫn vậy, các nước suốt ngày tranh cãi nhau khi nào thì quay trở lại phòng họp của Hội đồng bảo an mà chúng ta đang đứng tại đây và họp lại được, bởi vì không thể thay thế 100% họp trực tuyến qua mạng bằng họp chính thức như thế này được. Những khó khăn đó làm chúng ta phải xử lý. Một trong những cách mà chúng ta xử lý rất thành công tức là bài học mà Bác Hồ dạy đó là “ngoại giao tâm công”, tức là tranh thủ trái tim của người ta, mình thuyết phục người ta, phân tích cho người ta, rồi mình hòa giải, cố gắng tạo ra cầu nối giữa những khác biệt đó và cho đến bây giờ thì phải nói rằng là chung ta đã xử lý thành công những khó khăn đó và đã đi đến được những kết quả có dấu ấn trong tháng Tư vừa rồi.

PV: Việt Nam đã được đánh giá cao trên cương vị Chủ tịch Hội đồng bảo an tháng 1/2020 và tháng 4/2021, vậy xin Đại sứ cho biết về những hoạt động chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện để đảm bảo nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an sẽ là một thành công?

Đại sứ Đặng Đình Quý: Nếu nói về câu chuyện để lại văn kiện thì sau tháng Tư vừa rồi là hai tháng Chủ tịch, chúng ta đã để lại tổng cộng 3 nghị quyết và 3 tuyên bố chủ tịch, số lượng như vậy là nhiều và trong đó có những văn bản được đánh giá rất cao đối với việc củng cố khuôn khổ pháp lý quốc tế trong những lĩnh vực đó. Sau tháng Chủ tịch chúng ta làm gì tiếp?

Còn 8 tháng nữa, nhiệm vụ của ta phải tiếp tục, đóng góp tiếp tục vào công việc chung của Hội đồng bảo an để gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế, đóng góp tích cực để xử lý những vấn đề ở ngay khu vực chúng ta như những câu chuyện liên quan tới Myanmar, Triều Tiên và những vấn đề khác nữa thì Việt Nam phải có vai trò, có tiếng nói.

Đồng thời chúng tôi cũng phải tính tới những việc bên ngoài hoạt động của Hội đồng bảo an, hoạt động ở các ủy ban, hoạt động ở Đại hội đồng, đều phải hoàn thành cả. Như vậy, chúng ta phải tiếp tục phương châm “chủ động, tích cực, có trách nhiệm” bây giờ, những tháng tới và ngay cả sau khi chúng ta ra khỏi Hội đồng bảo an.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!./.

Phạm Huân-Huy Hoàng/VOV-Washington

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/ngoai-giao-tam-cong-bi-quyet-thanh-cong-cua-viet-nam-trong-thang-chu-tich-hdba-854174.vov