Ngoại giao số thời dịch Covid-19: Chọn 'bơi' thay vì 'chìm', một châu Phi đầy mới mẻ

Covid-19 đã mang đến cho các quốc gia châu Phi một nhận thức đầy mới mẻ về vai trò của kết nối trực tuyến.

Covid-19 đã mang đến cho các quốc gia châu Phi một nhận thức đầy mới mẻ về vai trò của kết nối trực tuyến. (USC Public Diplomacy)

Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, việc sử dụng ngoại giao kỹ thuật số ở các nước châu Phi không phải là hoạt động phổ biến. Đại dịch này thực sự đã mang đến cho các quốc gia châu Phi một nhận thức đầy mới mẻ về vai trò của kết nối trực tuyến.

“Ngoại giao số” còn là một định nghĩa mới lạ đối với một số quốc gia châu Phi cho tới khi dịch Covid-19 bùng phát. Trước những thay đổi bất ngờ của dịch bệnh, giới chức và nhân dân châu Phi đã thực hiện việc thích ứng nhanh chóng với tình hình. Cũng từ sự cố Covid-19, châu Phi đã tìm ra cho mình một cơ hội thay đổi, một công cụ để phục vụ phát triển, đó là phương tiện số.

Dịch bệnh Covid-19 với yêu cầu giãn cách xã hội đã thay đổi hoàn toàn cách thức ứng dụng truyền thông kỹ thuật số ở các nước châu Phi. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng trước đây người dân và giới chức châu Phi không quan tâm chút nào đến lĩnh vực này. Minh chứng là người dân có thể thường xuyên bắt gặp nhiều nhà lãnh đạo của Kenya, Rwanda và Ghana trên các trang mạng Twitter hoặc Facebook,…

Tuy có sự kết nối, nhưng mạng xã hội ở châu Phi lúc đó cũng chỉ dừng lại ở việc cập nhật các thông tin trong nước với tính tương tác thấp.

Chọn "bơi" thay vì "chìm"

Đáng nói, khi dịch Covid-19 ập tới, tần suất hoạt động ngoại giao kỹ thuật số ít ỏi ở các nước châu Phi đã thay đổi, các quốc gia chọn “bơi” thay vì để những tác động của dịch đánh “chìm”.

Thay đổi đáng kể của châu Phi đến từ việc đồng bộ hóa hoạt động họp trực tuyến. Các quan chức, từ Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao đến Đại sứ và quan chức cấp cao buộc phải tham dự các cuộc họp và hội nghị trực tuyến qua màn hình nhỏ.

Vào tháng 3, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã tham gia họp trực tuyến với các nước G20. Các cuộc họp mới đây của Cộng đồng Đông Phi hay Cộng đồng kinh tế Tây Phi đều diễn ra thành công dưới hình thức trực tuyến. Trong các hội nghị, giới lãnh đạo đã chỉ ra rằng châu Phi có thể chấp nhận và thích nghi khá nhanh với điều kiện mới của ngoại giao toàn cầu.

Không chỉ dừng lại ở đó, nhằm phát triển hình thức ngoại giao kỹ thuật số, châu Phi có thể tính đến việc đào tạo thêm các chuyên gia trong lĩnh vực này. Các chuyên gia truyền thông đối ngoại sẽ giúp cải thiện hình ảnh châu Phi trong mắt bạn bè thế giới, thu hút đầu tư kinh tế, và tất nhiên là xử lý tốt những vấn đề truyền thông trực tuyến.

Hiện tại ở châu Phi, các cơ sở đào tạo và viện nghiên cứu ngoại giao đang có một mạng lưới chung nhằm đẩy mạnh các khóa học truyền thông kỹ thuật số. Đây được coi là tín hiệu tích cực giúp châu Phi hiện thực hóa khả năng phát triển hơn nữa công cụ ngoại giao số trong thời đại mới.

Sau nỗ lực kiểm soát tốt dịch Covid-19 vào tháng 3 và tháng 4, tương lai khả quan cho việc phục hồi và phát triển của châu Phi phụ thuộc lớn vào việc sử dụng hiệu quả công cụ ngoại giao kỹ thuật số. Có thể nói, với châu lục này, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức, đòi hỏi sự chung tay hành động của tất cả các quốc gia.

Ngọc Nga

(theo USC Public Diplomacy)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-giao-so-thoi-dich-covid-19-chon-boi-thay-vi-chim-mot-chau-phi-day-moi-me-118911.html