Ngoại giao hòa bình - 'kim chỉ nam' trên Biển Đông

Phân tích về sách lược trọng tâm trước diễn biến phức tạp trên Biển Đông, giới chuyên gia quốc tế khẳng định, việc duy trì biện pháp ngoại giao hòa bình và pháp luật quốc tế là 'chìa khóa' để giải quyết tranh chấp.

Quang cảnh hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 9 (tháng 7-2019) tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Ảnh: TTXVN

Quang cảnh hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 9 (tháng 7-2019) tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Ảnh: TTXVN

Sách lược tạo sự bền vững

Thời gian gần đây, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp bởi sự gia tăng tầm ảnh hưởng thế lực của cường quốc. Biển Đông vốn là tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu của thế giới với gần 2/3 sản lượng vận tải thương mại trên thế giới bằng đường biển thông qua Biển Đông. Chính vì vậy, Biển Đông luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia, bao gồm cả việc tăng cường sức ảnh hưởng tại khu vực này. Tình hình Biển Đông cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Liên hợp quốc.

Phân tích của giới chuyên gia quốc tế chỉ ra rằng, một số quốc gia có các động thái “gây bất ổn” tại Biển Đông. Tuy nhiên, nhờ sức mạnh của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, việc thượng tôn và bảo vệ luật pháp quốc tế luôn là một trong những “chìa khóa thành công” hàng đầu trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của các quốc gia tại khu vực.

Xuyên suốt thời gian qua, giới chuyên gia quốc tế luôn đánh giá Việt Nam là một quốc gia thể hiện rất tốt vai trò dẫn dắt khu vực Đông Nam Á, đương đầu với nhiều thách thức an ninh. Nhất là trong năm 2020, với cương vị là Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), dù khu vực và thế giới đối mặt với sự nổi lên của những thách thức an ninh phi truyền thống, như đại dịch Covid-19 và tác động kinh tế - xã hội nghiêm trọng của nó, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì hòa bình trên Biển Đông, xác định là ưu tiên hàng đầu của khu vực, song hành với hiệu quả trong ứng phó với dịch bệnh và các thách thức an ninh khác.

Theo bà Bonnie Glaser, Cố vấn cao cấp về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), để đảm bảo hòa bình, ổn định trên Biển Đông, ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, Philippines và Malaysia cần tiếp tục phát huy các biện pháp pháp lý và ngoại giao vốn đang đạt hiệu quả rất tích cực. Trên cương vị là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cần thúc đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng và hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Nhấn mạnh trước truyền thông quốc tế mới đây, bà Glaser khẳng định, Việt Nam đang có trong tầm tay cơ hội để củng cố hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Dù đại dịch Covid-19 đã phần nào giảm hiệu quả ngoại giao toàn cầu, nhưng Việt Nam và ASEAN sẽ làm tốt công việc của khu vực để có được COC thực chất và hiệu lực.

Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia quốc tế nhìn nhận, để có được COC là điều không dễ dàng bởi những “rào cản” lớn về sự hài hòa lợi ích của các bên liên quan. Tuy nhiên, Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 dù được đánh giá “bước tiến lớn” và duy trì có hiệu quả, song cũng bộc lộ nhiều hạn chế và cần có một bản COC mới có hiệu quả thiết thực hơn nữa. Đặc biệt, hầu hết các quốc gia trong khu vực và ngoài khu vực đều khẳng định rằng, “thà không có thỏa thuận nào còn hơn có một thỏa thuận tồi”. Điều này đã cho thấy quyết tâm rất cao trong việc tạo nên một bản COC đạt được nền tảng cốt lõi là ràng buộc pháp lý. Đồng thời, cho thấy những tín hiệu tương đối khả quan trong việc đạt được COC thực chất và hiệu lực. Mặc dù vậy, chắc chắn chặng đường có được COC sẽ không dễ dàng và cần có thêm nhiều thời gian.

Giữ vững hòa bình, ổn định

Giới chuyên gia Biển Đông đánh giá, dù sự hiện diện quân sự gia tăng trên Biển Đông thời gian gần đây, song không đồng nghĩa với việc sẽ có xung đột hay đụng độ, thậm chí, điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Dù Mỹ và Trung Quốc leo thang căng thẳng về chiến tranh thương mại, song giới chuyên gia quốc tế đều bác bỏ các quan điểm cho rằng, 2 nước có nguy cơ đụng độ quân sự tại Biển Đông, bởi điều này là phi thực tế. Việc giữ được hòa bình mới tạo ra nền tảng cho đàm phán, đối thoại.

Đảo Đá Lát thuộc cụm Trường Sa, quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Đánh giá về Việt Nam, bà Bonnie Glaser cho rằng, Việt Nam vốn luôn giữ được hiệu quả rất tốt đẹp về ngoại giao, minh chứng cho uy tín ngày càng gia tăng của Việt Nam là việc trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong năm 2020 với số phiếu gần như tuyệt đối. Theo quan sát khách quan của bà Glaser, Việt Nam có chính sách không liên kết với nước này để chống nước khác, nhưng không có nghĩa là Việt Nam không hợp tác với các quốc gia khác để bảo vệ lợi ích của mình. Việc giữ quan hệ đối tác với các nước có đồng quan điểm để bảo vệ các nguyên tắc chung là giải pháp thiết thực nhằm củng cố sức mạnh để duy trì hòa bình, an ninh và ổn định, từ đó, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển và thịnh vượng chung của cả khu vực lẫn của từng quốc gia.

Nhìn ở góc độ toàn khu vực, ASEAN đang chứng minh rõ nét sự gắn kết giữa 10 quốc gia thành viên và tinh thần chủ động thích ứng có hiệu quả cao trước những thách thức về an ninh, đặc biệt là trong thời gian Việt Nam giữ trọng trách dẫn dắt khu vực. Sự thống nhất, đoàn kết của tổ chức khu vực được đánh giá là thành công nhất trên thế giới cũng cho thấy sức mạnh tập thể rất lớn để trở thành một “trung tâm” của châu Á nhằm thiết lập nên trật tự, hòa bình, ổn định của cả khu vực, trong đó có Biển Đông.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ngoai-giao-hoa-binh-kim-chi-nam-tren-bien-dong-post432840.html