Ngoại giao góp phần tạo giá trị cốt lõi cho thương mại Việt Nam

Ngoại giao đã tạo nên giá trị cốt lõi cho thương mại Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Năm 2017 là năm thành công của nền kinh tế Việt Nam với tăng trưởng GDP đạt 6,81%. Bước sang Quý I/2018, tăng trưởng kinh tế đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua, và quý 2 đạt mức tăng trưởng 6,79%.

Để đạt được mức tăng trưởng này có sự tham gia tích cực của các cấp lãnh đạo, tất cả các Bộ ngành, toàn dân…, trong đó có có sự đóng góp quan trọng của ngành ngoại giao. Không chỉ có vậy, ngoại giao đã tạo nên giá trị cốt lõi cho thương mại Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngoại giao duy trì giá trị cốt lõi của thương mại

Có người sẽ lầm tưởng rằng ngoại giao thiên về lễ tân, đón tiếp, hay tổ chức các sự kiện ngoại giao…Trên thực tế, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, ngoại giao đã đóng góp vào quá trình thiết lập khung khổ pháp lý, cơ chế hợp tác cho quan hệ kinh tế cùng có lợi với các nước, vùng lãnh thổ và các thể chế kinh tế khu vực và quốc tế.

Cuộc Hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kang.

Cuộc Hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kang.

Cùng với một số Bộ, ngành, Ngoại giao đã đi sâu nghiên cứu về cơ cấu tổ chức, tôn chỉ, mục đích và sự vận hành của các thể chế kinh tế khu vực và quốc tế, từ đó đề xuất các chủ trương, chính sách thích hợp nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế đối ngoại và toàn bộ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ Ngoại giao, năm 2017, Lãnh đạo cấp cao ta đã thực hiện 18 chuyến thăm đến 19 nước, dự 8 hội nghị quốc tế đa phương, đồng thời đón 36 lượt Nguyên thủ và Thủ tướng các nước đến thăm Việt Nam.

Thông qua những chuyến thăm này, Việt Nam đã xây dựng được hàng loạt các cơ chế, khuôn khổ hợp tác trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế đất nước bền vững.

Thông qua ngoại giao, Việt Nam đã tham gia vào các thể chế kinh tế khu vực và quốc tế như ASEAN, APEC, ASEM, WTO, TPP...để người dân có thể sử dụng những sản phẩm cao cấp nhất với mức giá bình đẳng nhất.

Khi người dân Mỹ, Nhật Bản, Australia… nhắc tới những sản phẩm nông sản như thanh long, xoài hay tôm, cá da trơn, đặc biệt ngay cả sản phẩm công nghệ cao của Việt Nam, và ngược lại những sản phẩm hàng đầu của các nhà sản xuất hàng đầu trên thế giới có mặt tại Việt Nam cũng có sự đóng góp của ngành ngoại giao.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn VOV về những đóng góp của ngành ngoại giao trong việc phát triển kinh tế đất nước, ông Nguyễn Văn Thảo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế Bộ Ngoại giao Nguyễn Văn thảo khẳng định rằng, ngoại giao Kinh tế đã góp phần kiến tạo những điều kiện cần cho chuyển tiếp kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phát triển tới, đặc biệt là việc duy trì giá trị cốt lõi của thương mại, đầu tư tự do và mở, ủng hộ cho hệ thống thương mại đa phương.

Mặt hàng hoa quả của Việt Nam được người tiêu dùng Nhật Bản ưa thích.

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết trong 4 tháng từ đầu năm 2018, tổng trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Nhật Bản đạt 11,41 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2017. Nhật Bản trở thành 1 trong 4 đối tác thương mại lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Minh ngoài con số ấn tượng đó, một giá trị trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản là sự tin tưởng lẫn nhau. Điều này rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế bền vững, nhất là đối với Việt Nam. Để có một sự tin tưởng từ một đối tác lớn nhất, nhì trên thế giới, ngoài con số cụ thể thì đó là sự kiên trì, bền bỉ và tâm huyết của những người phụ trách thương mại tại nước ngoài. Đây là ngoại giao toàn diện.

Cán bộ ngoại giao là sứ giả về kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một lần nói chuyện với cán bộ ngành ngoại giao đã nói: "Mỗi cán bộ ngoại giao phải là một sứ giả về kinh tế".

Dù ngoại giao đó ở trong nước hay nước ngoài, không chỉ đơn thuần là kết nối là quảng bá…mà còn phải làm nhiệm vụ giống như một nhà kinh tế. Không chỉ có Tham tán đầu tư, thương mại hay Tham tán lao động mới có thể trực tiếp đàm phán với các đối tác về văn bản thỏa thuận hay cam kết kinh tế, mà chính mỗi người cán bộ ngoại giao lại có khả năng thúc đẩy việc xây dựng hay thực thi những cam kết kinh tế vượt biên giới, mang lại lợi ích cho nền kinh tế đất nước, góp phần cải thiện đời sống cho mỗi người dân thực sự hạnh phúc.

Không đơn giản, trong năm 2017 vừa qua, kinh tế Việt Nam tăng 5 bậc, lên thứ 55/137 nước trong xếp hạng của WEF và WB xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam lên thứ 68/190 nền kinh tế, tăng 14 bậc. WIPO đánh giá Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam tăng 12 bậc, lên thứ 47/127 nước.

Như vậy, ngoài việc các doanh nghiệp Việt Nam chủ động kết nối, đàm phán, xây dựng cơ chế riêng biệt của mình đối với các đối tác thương mại, các Đại sứ quán Việt Nam, Tổng Lãnh sự quán, Lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài cũng có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, nếu như không muốn nói là cầu nối duy nhất của nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng như nước ngoài khi mong muốn hợp tác liên quan đến sản xuất, đầu tư.

Thanh long và chuối của Việt Nam tại siêu thị Aeon.

Ông Katsuhito Asano, Nguyên Phó chánh văn phòng Nội các Nhật Bản khi đề cập tới vai trò của Ngoại giao trong phát triển kinh tế đã khẳng định rằng, ở một xã hội kinh tế phát triển chắc chắn ở đó có nền ngoại giao phát triển. Bởi lẽ kinh tế chỉ thực sự phát triển ở đỉnh cao khi nền kinh tế đó được mở rộng ra thị trường bên ngoài với sự tham gia tích cực của Ngoại giao.

Thực tế, ở Nhật Bản từ những năm 1858 (thời kỳ Minh Trị), nền ngoại thương của Nhật Bản bắt đầu phát triển khi mà Vua Minh Trị (Meiji) đã hiểu thế nào về ngoại giao kinh tế bằng việc cử những sứ giả sang nước ngoài tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế giúp Nhật Bản thoát khỏi tình trạng kém phát triển.

Hiện nay, Việt Nam đang tích cực thực hiện công cuộc Cách mạng 4.0 xây dựng một xã hội phát triển và văn minh. Ngoại giao càng trở nên quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế quốc tế, đóng góp thực chất và hiệu quả cho nền kinh tế Việt Nam./.

Bùi Hùng/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/ngoai-giao-gop-phan-tao-gia-tri-cot-loi-cho-thuong-mai-viet-nam-797822.vov