Ngoại giao chi phiếu

Với sự giúp đỡ của Trung Quốc, một thành phố mới đang dần hình thành tại Mount Hampden, khu vực ngoại ô cách Thủ đô Harare của Zimbabwe chừng 18km về phía Tây Bắc, trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng tại châu Phi.

Thành phố mới sẽ là nơi tọa lạc của Ngân hàng Dự trữ Zimbabwe, các khách sạn, trung tâm mua sắm cao cấp... Song, mọi sự chú ý hiện tập trung vào tòa nhà quốc hội cao 6 tầng trị giá 140 triệu USD tại đây. Nằm trên một đỉnh đồi, khu phức hợp hùng vĩ do Tập đoàn Xây dựng Thượng Hải thi công này được Trung Quốc “bao” trọn gói. Với diện tích 33.000 mét vuông, công trình kiến trúc mới sẽ thay thế tòa nhà quốc hội cũ kỹ từ thời thuộc địa với chỉ 100 ghế hiện tại của Zimbabwe (Quốc hội Zimbabwe có 350 nghị sĩ).

Trang trải kinh phí cho các công trình xây dựng mang tính biểu tượng của một đất nước, như dinh tổng thống hay tòa nhà quốc hội, thông qua các khoản tài trợ hoặc các khoản cho vay không lãi suất, là một trong những chiến lược ngoại giao lớn của Trung Quốc tại châu Phi. Khi bắt đầu thiết lập mối quan hệ ngoại giao với lục địa đen giữa những năm 1950-1970, Bắc Kinh từng sử dụng chiến lược hỗ trợ tài chính, cung cấp các khoản vay không lãi suất cũng như triển khai đội ngũ y tế đến “lấy lòng” các nước châu Phi.

Trung Quốc sau đó đã tài trợ nhiều dự án xây dựng đắt đỏ tại châu Phi, gồm tuyến đường sắt Tanzania-Zambia trị giá 500 triệu USD do 25.000 công nhân Trung Quốc xây dựng trong giai đoạn 1970-1975, cũng như nhiều dự án khác tại các quốc gia như Cameroon, Mozambique, Malawi, Ghana, Angola và Zambia. Trung Quốc cũng móc hầu bao xây các tòa nhà quốc hội ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Lesotho, Mozambique và Sierra Leone, xây các dinh tổng thống ở Togo, Sudan, Burundi và Guinea-Bissau.

Xu hướng “ngoại giao chi phiếu” gần đây lại được Trung Quốc chuộng dùng khi Bắc Kinh đồng ý tài trợ xây dựng trụ sở Liên minh châu Phi trị giá 200 triệu USD tại Thủ đô Addis Ababa (Ethiopia). Năm ngoái, Trung Quốc cho biết sẽ tài trợ xây dựng trụ sở mới Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) tại Thủ đô Abuja (Nigeria) trị giá 31,6 triệu USD. Trong khi đó, nước này đang xây dựng tòa nhà quốc hội trị giá 58 triệu USD tại Cộng hòa Dân chủ Congo, đồng thời tái thiết quốc hội bị cháy ở Gabon.

Cách đây ít lâu, Zambia tuyên bố rằng Trung Quốc đã đồng ý tài trợ xây dựng một trung tâm hội nghị quốc tế mới dùng để tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Phi vào năm 2022. Còn tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) hồi năm 2018, Bắc Kinh cam kết cho châu Phi vay thêm 60 tỉ USD trong vòng 3 năm. Số liệu thống kê của quỹ nghiên cứu Trung Quốc-châu Phi thuộc Khoa nghiên cứu quốc tế chuyên sâu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho thấy, số tiền Trung Quốc viện trợ cho châu Phi trong giai đoạn 2003-2017 đạt mức 29,4 tỉ USD.

Giới phân tích cho rằng những “món quà” mà Trung Quốc dành cho các nước châu Phi là một phần trong chương trình ngoại giao chi phiếu nhằm giành lấy tình cảm, lòng trung thành, sự ủng hộ của giới lãnh đạo châu Phi đối với chính sách ngoại giao của Bắc Kinh. Quả thật, chiến lược này đã mang đến hiệu quả khi Trung Quốc được các nước châu Phi giúp giành ghế thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào năm 1971 (thay thế Đài Loan). Ngày nay, Trung Quốc tranh thủ sự ủng hộ của các nước châu Phi tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Các lãnh đạo châu Phi cũng được cho bỏ qua các vấn đề của Bắc Kinh như tình hình nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng, hay các hoạt động phi pháp ở Biển Đông.

TRÍ VĂN (Theo SCMP)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/ngoai-giao-chi-phieu-a116912.html