Ngoài cuộc vạ lây

Mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hiện trong tình trạng tồi tệ như chưa từng thấy từ trước tới nay. Giữa các thành viên NATO mà hai nước này đều là thành viên cũng chưa từng thấy có lần nào căng thẳng và gay cấn đến mức độ như vậy. Chuyện quan hệ song phương này khiến cả đối tác ở ngoài cuộc cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng tiêu cực, trước hết và đặc biệt là NATO và EU.

Quan hệ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hiện trong tình trạng tồi tệ

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trừng phạt lẫn nhau và đối địch nhau như thế đẩy NATO vào tình thế rất khó xử và phải chịu những tác động rất tai hại. NATO lệ thuộc rất quyết định vào Mỹ và vào sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ. Tổng thống Mỹ Donald Trump từ khi lên cầm quyền ở Mỹ đã công khai tỏ thái độ coi thường và sẵn sàng bất chấp NATO. Chỉ riêng điều này thôi đã đủ làm cho nội bộ NATO bị phân hóa sâu sắc. NATO phải tìm cách hóa giải với Mỹ và nỗ lực tranh thủ Mỹ.

Vì thế, NATO trong chuyện bất hòa hiện tại giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không thể phản đối ông Trump, lại càng không thể đứng hẳn về phía Thổ Nhĩ Kỳ. NATO cũng không dám chủ động đứng ra đảm trách vai trò trung gian hòa giải bởi biết rằng ông Trump chỉ chấp nhận sự nhượng bộ của Thổ Nhĩ Kỳ chứ không chấp nhận bất cứ sự hòa giải nào. Chuyện căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vì thế làm cho nội bộ NATO bọ phân hóa sâu sắc và trầm trọng thêm, cái uy và thế của NATO bị suy giảm hơn. Chuyện giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ chẳng liên quan trực tiếp gì đến NATO mà rồi liên minh quân sự này vẫn phải lãnh đủ.

EU bị vạ lây trên phương diện khác. Khủng hoảng kinh tế, tài chính và tiền tệ ở Thổ Nhĩ Kỳ ảnh hưởng trực tiếp đến EU. Đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ bị mất giá khiến cho lạm phát tăng và vay nợ nước ngoài của Thổ Nhĩ Kỳ trở thành rủi ro lớn đối với các đối tác kinh tế và thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt đối với các ngân hàng của EU cấp tín dụng cho Thổ Nhĩ Kỳ và cho nước này vay. Chính trị không ổn định, kinh tế xã hội khó khăn, nguy cơ khủng hoảng tài chính và tiền tệ ở Thổ Nhĩ Kỳ ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp tới việc thực hiện những thỏa thuận đã có giữa nước này và EU, đặc biệt là thỏa thuận về giải quyết vấn đề người tỵ nạn.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng còn được liệt vào diện những nền kinh tế mới nổi. Khủng hoảng kinh tế, tài chính và tiền tệ ở nước này sẽ lây lan tác động tới các nền kinh tế mới nổi khác và từ đấy lại có tác động tiêu cực tới kinh tế và tài chính của EU. Cho nên EU cũng bị vạ lây chẳng kém gì NATO. Giống như NATO, EU cũng không thể đảm trách được vai trò trung gian hòa giải bởi theo quan điểm chính thống thì EU phải hậu thuẫn Mỹ chứ không thể đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ mà nếu thể hiện quan điểm ấy thì lại chỉ khích lệ ông Trump và do vậy sẽ phải chịu vạ lây còn nhiều hơn.

Lạn Kha

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/quoc-te/ngoai-cuoc-va-lay-410289.html