Ngoài công nghệ Nhật Bản, sông Tô Lịch sẽ được 'hồi sinh' bằng công nghệ châu Âu

Nước sông Tô Lịch được làm sạch bằng công nghệ của châu Âu có chuyển biến tích cực, đỡ ô nhiễm và bốc mùi khó chịu. Người dân sống trong khu vực kỳ vọng sông Tô Lịch sẽ được 'hồi sinh' bằng công nghệ xử lý mới.

Chiều ngày 2/6, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã đi kiểm tra đoạn sông Tô Lịch đang được thử nghiệm làm sạch bằng công nghệ của châu Âu. Cùng với việc thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ của Nhật Bản, TP.Hà Nội cũng đồng thời thử nghiệm làm sạch con sông này bằng công nghệ của châu Âu.

Đoạn sông được thử nghiệm làm sạch bằng công nghệ châu Âu tại khu vực sông thuộc địa phận phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Sau thử nghiệm, dựa trên kết quả phân tích, thành phố sẽ lựa chọn phương pháp công nghệ phù hợp, hiệu quả nhất để xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch.

Ông Nguyễn Đức Chung kiểm tra việc làm sạch sông Tô Lịch vào chiều 2/6. Ảnh: Ngọc Hải.

Ông Nguyễn Đức Chung kiểm tra việc làm sạch sông Tô Lịch vào chiều 2/6. Ảnh: Ngọc Hải.

Kết quả ban đầu cho thấy, nước sông Tô Lịch được làm sạch bằng công nghệ của châu Âu có chuyển biến tích cực, đỡ ô nhiễm và bốc mùi khó chịu. Người dân sống trong khu vực kỳ vọng sông Tô Lịch sẽ được “hồi sinh” bằng công nghệ xử lý mới.

Trước đó (ngày 16/5), sông Tô Lịch đoạn từ ngã tư Bưởi - Hoàng Quốc Việt xuôi về phía Cầu Giấy cũng bắt đầu được thử nghiệm làm sạch bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản. Kết quả quan trắc chất lượng nước cho thấy, sau 3 ngày lượng khí amoniac (NH3) gây mùi hôi thối đã giảm nhanh chóng; sau 7 ngày, bùn dưới đáy sông bắt đầu bị phân hủy, giảm từ hơn một mét xuống còn khoảng 76-91 cm, xuất hiện lớp nước trong trên bề mặt bùn.

Thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản hôm 16/5. Ảnh: Võ Hải.

Theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi ngày 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch. Hạ lưu sông còn phải tiếp nhận nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp ở Vĩnh Tuy, Mai Động, Văn Điển. Trong đó chứa các chất thải nguy hại như cyanure, thủy ngân, nước thải bệnh viện của thành phố. 10 năm qua, Hà Nội nhiều lần lên kế hoạch khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch nhưng chưa hiệu quả.

Năm 2003, Hà Nội đã nạo vét và kè hai bên bờ sông. Năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Công ty Thoát nước Hà Nội thả 38 cụm bè thủy sinh từ đoạn Hoàng Quốc Việt đến Nguyễn Trãi nhằm tạo cảnh quan và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch. Cuối năm 2015, thành phố giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp với Hà Lan để nghiên cứu các giải pháp cải tạo sông Tô Lịch.

Tháng 3/2017, UBND Hà Nội tiếp nhận khoản tài trợ ODA không hoàn lại khoảng 700.000 USD để cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch khu vực Vĩnh Ninh – Đại Áng. Trong đó, nổi bật là dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000 m3/ngày, đêm, được khởi công vào tháng 10/2016, bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản.

Mới đây, Công ty thoát nước Hà Nội cũng đang đề xuất đưa nước từ sông Hồng làm sạch hồ Tây và thau rửa làm sạch sông Tô Lịch.

Thảo Nguyên (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/ngoai-cong-nghe-nhat-ban-song-to-lich-se-duoc-lam-sach-bang-cong-nghe-chau-au-d159246.html