Ngoại binh CLB TP.HCM ghi bàn nhờ kế khích tướng của HLV Polking

CLB TP.HCM chi không dưới 1 triệu USD để mua 3 tiền đạo Brazil, nhưng phải đến trận đấu thứ 8, người hâm mộ mới phần nào nhìn thấy giá trị những ngôi sao này.

Chiến thắng 3-0 trước SLNA không chỉ mang ý nghĩa giải tỏa với CLB TP.HCM, mà còn với cá nhân Junior Barros, Dario Junior và Joao Paulo. Barros là người ghi bàn mở tỷ số, Dario kiến tạo như đặt cho Ngô Tùng Quốc, còn Paulo cũng chơi nhiệt huyết để xuyên phá hàng thủ SLNA.

CĐV TP.HCM đã phải chờ đợi quá lâu để thấy những “cục tiền di động” của đội nhà phát huy giá trị. Tất cả xuất phát từ quyết định có một không hai của HLV Polking.

 Ngoại binh CLB TP.HCM mới ghi được 2 bàn sau 8 trận ở V.League, bằng số pha lập công của riêng Lee Nguyễn. Ảnh: Y Kiện.

Ngoại binh CLB TP.HCM mới ghi được 2 bàn sau 8 trận ở V.League, bằng số pha lập công của riêng Lee Nguyễn. Ảnh: Y Kiện.

Đội hình toàn nội binh

Đội hình xuất phát của CLB TP.HCM trước SLNA là cú sốc với giới mộ điệu. Lần đầu tiên từ khi tới Việt Nam, HLV Polking cất toàn bộ cầu thủ ngoại trên ghế dự bị. Rất hiếm đội nào ở V.League đá đội hình toàn nội binh, trừ khi ngoại binh chấn thương. Cầu thủ ngoại khỏe mạnh nhưng ngồi dự bị như CLB TP.HCM càng hiếm hơn nữa.

Quyết định của Polking cho thấy kiên nhẫn của ông dành cho Paulo, Barros, Dario đã cạn. Trong trận gặp CLB Bình Định, CLB TP.HCM dứt điểm 21 lần, nhưng chỉ ghi được 1 bàn trên chấm 11m ở phút bù giờ cuối cùng. Trước HAGL, CLB Hà Nội hay CLB Sài Gòn, các tiền đạo Brazil không thể hiện được gì. Paulo chơi nỗ lực song thiếu hiệu quả. Dario nổi bật với kỹ thuật cá nhân, nhưng chơi “một mình một phách”, không liên lạc với đồng đội, còn Barros gây thất vọng hoàn toàn.

Trên sân, 3 cầu thủ Brazil thi đấu rời rạc, thiếu ăn ý với 8 nội binh của CLB. Việc không giao tiếp bằng tiếng Anh càng tạo cho bộ ba này khoảng cách với phần còn lại bên ngoài sân cỏ. Hậu quả là, CLB TP.HCM chi hàng chục tỷ đồng chiêu binh mãi mã, nhưng hiệu quả ghi bàn bằng một nửa CLB Thanh Hóa hay Nam Định - những CLB không có tiềm lực tài chính mạnh mẽ bằng.

Khi HLV Polking loại bỏ Pape Diakite, trung vệ tốt nhất của đội TP.HCM, để dành 3 suất đá chính cho ngoại binh, Dario, Paulo và Barros được mặc định đá chính, dù phong độ lên hay xuống. CLB TP.HCM liên tục hoán đổi hậu vệ, tiền vệ (8 cặp trung vệ được HLV Polking bố trí sau 8 trận), dù vậy, vị trí tấn công là bất biến.

Công thức Lee Nguyễn và 3 ngoại binh được mặc định trong 4 trận liên tục. Ngoại lệ hiếm hoi là Barros, cầu thủ chơi quá kém và bị thay thế bằng Lâm Ti Phông.

Mặc định có suất đá chính, các tiền đạo ngoại của Brazil thiếu động lực cạnh tranh. Nguồn tin của Zing cho biết dàn ngoại binh CLB TP.HCM đánh giá thấp V.League, dẫn đến tập luyện, thi đấu chểnh mảng và thiếu cởi mở với đồng đội.

Động thái gạt bỏ tất cả của HLV Polking, vì thế, là lời cảnh báo đúng lúc cho 3 cầu thủ ngoại này. Ông chấp nhận bố trí Hồ Tuấn Tài, cầu thủ mất 2 tháng dưỡng thương, đá chính, xếp Võ Huy Toàn, Ti Phông thi đấu cùng nhau. Bộ ba trị giá 25 tỷ đồng của CLB TP.HCM phải ngồi dự bị. Chưa bao giờ, khu kỹ thuật của đội hội tụ nhiều cầu thủ đắt tiền như thế.

Đòn tâm lý của Polking mang lại hiệu quả. CLB TP.HCM chơi không nổi bật trước SLNA trong hiệp 1, nhưng ít nhất, các nội binh trên hàng công chịu khó phối hợp và biết lùi về phòng ngự khi cần - điều hầu như không xuất hiện trong cách chơi của Dario và Barros. Nhờ chịu khó phối hợp và di chuyển rất gần nhau, CLB TP.HCM không rơi vào trạng thái “vỡ” đội hình như ở 3 trận thua gần nhất (thủng lưới 9 bàn).

Giữ được thế cân bằng trong hiệp 1, Polking bắt đầu tung hết ngoại binh vào sân. Nhờ quãng thời gian ngồi ngoài quan sát và lời cảnh báo ngầm “không ai là không thể thay thế” của HLV, các ngoại binh TP.HCM đã chơi rất khác. Phút 54, Barros chạy chỗ cắt mặt loại bỏ hàng thủ SLNA để sút tinh tế tung lưới đối thủ. Phút 73, Dario tung đường chuyền lần thứ hai biến hậu vệ đội khách thành “khán giả” cho Ngô Tùng Quốc lập công. Phút cuối cùng, lại là ngoại binh mang về cho CLB TP.HCM quả phạt đền với cú đá trúng tay Phạm Xuân Mạnh.

Đây mới là bàn thứ hai mà tiền đạo ngoại ghi cho CLB TP.HCM, nhưng khác với bàn đầu tiên, khi Dario đi bóng độc diễn vượt qua 4 hậu vệ CLB Hà Tĩnh, lần này, các cầu thủ Brazil đã biết nhìn đồng đội, thay vì chỉ nhìn nhau mà đá. Nếu Dario, Paulo và Barros không tạo ra khoảng cách vời vợi với 8 cầu thủ còn lại, đội bóng của Polking mới có thể đá như một đội đúng nghĩa.

HLV Polking quyết định chia tay Diakite vì muốn xây dựng lối chơi xung quanh 3 ngoại binh tấn công. Ảnh: Quang Thịnh.

Canh bạc của Polking

Tuy nhiên, việc nhất quyết loại bỏ Diakite để xây dựng đội bóng toàn ngoại binh vẫn là canh bạc tất tay của Polking. Lần gần nhất một đội bóng không có ngoại binh nào có thứ hạng cao của V.League là trường hợp của CLB Hải Phòng năm 2016. Dù vậy, đội bóng của HLV Trương Việt Hoàng khi ấy có Lê Văn Phú, trung vệ nhập tịch, với đẳng cấp tương đương một ngoại binh chất lượng.

Còn đặt tham vọng đua vô địch với hàng thủ và hàng tiền vệ thuần Việt như CLB TP.HCM là trường hợp xưa nay hiếm. CLB Hà Nội không có ngoại binh ở phòng ngự do sở hữu tới 5 tuyển thủ quốc gia là các trung vệ, hậu vệ cánh, nhưng cũng cần có Moses Oloya - ngoại binh có xu hướng phòng ngự từ xa. Sau nhiều mùa giải mộng mơ với dàn cầu thủ nội, HAGL phải dành 2 trên 3 suất ngoại binh cho vị trí hậu vệ. Thành công của CLB Sài Gòn mùa trước in đậm dấu ấn của Ahn Byung-keon.

Việc V.League gia tăng một suất ngoại binh giúp các đội đầu tư hơn cho hàng thủ, lấy Tây chọi Tây để giảm bớt rủi ro bại trận do chênh lệch chất lượng nội và ngoại binh.

Để thi đấu tốt với đội hình toàn nội binh phòng ngự, CLB TP.HCM cần một trong hai yếu tố: nội binh giỏi, hoặc hàng công phải cực mạnh để bù đắp cho hàng thủ. Đội bóng của Polking đang thiếu cả hai, khi các trung vệ như Trần Đình Khương, Nguyễn Tăng Tiến, Phạm Hoàng Lâm hay Thân Thành Tín đều ở mức trung bình.

Việc sử dụng toàn nội binh ở hàng thủ tạo cho CLB TP.HCM canh bạc rủi ro. Ảnh: Y Kiện.

Với sai lầm ở trận gặp Hà Nội, Thành Tín bị gạt khỏi đội hình chính. Hoàng Lâm chung “số phận” sau trận đấu với HAGL. HLV Polking phải kéo Đỗ Văn Thuận về đá trung vệ, dấu hiệu cho thấy hàng thủ TP.HCM thiếu ổn định và kỷ luật. “Chiến hạm đỏ” 12 bàn thua sau 8 trận (nhiều nhất giải), 7/9 bàn thua gần nhất của đội bóng này đến từ bóng bổng do thua kém thể hình so với đối thủ. Nếu có Diakite, cầu thủ với chiều cao gần 2m, chưa chắc đội bóng của Polking đã yếu kém như vậy.

Trong 6 năm dẫn dắt Bangkok United, HLV Polking chưa bao giờ làm việc với hàng thủ toàn nội binh. 3 năm đầu tiên, ông chiêu mộ 1 ngoại binh và 1 cầu thủ nhập tịch ở tuyến hậu vệ. Từ mua 2017 trở đi, chiến lược gia này luôn có ít nhất 2 ngoại binh và 2 cầu thủ Thái kiều ở hàng phòng ngự. 3 trên 4 mùa giải cuối ở Thái Lan, Bangkok của Polking sở hữu hàng thủ nằm ở top 3 tốt nhất giải đấu. Đội bóng Thái Lan không lấy công bù thủ, mà được xây dựng rất cân đối.

Tất nhiên, V.League không ưu ái cho các đội dùng nhiều ngoại binh như Thai League, nhưng việc Polking “bỏ” hàng thủ để chỉ tập trung cho hàng công không giống với cách ông từng làm ở Bangkok. BLV Vũ Quang Huy cho rằng dường như Polking chưa hiểu, và đánh giá quá thấp bóng đá Việt Nam.

Việc loại bỏ Diakite và dồn suất ngoại binh cho tiền đạo cho thấy Polking muốn đi đến cùng với canh bạc tất tay, dù CLB TP.HCM thua tới 5 trận sau 8 vòng. HLV này khẳng định cần thời gian để tạo dấu ấn, nhưng trong bối cảnh các đội V.League ngày càng thực dụng để tích lũy điểm số đối phó với thể thức khắc nghiệt, TP.HCM của Polking khó có kết quả tốt nếu cứ đi ngược xu thế.

'3 ngoại binh CLB TP.HCM đã gặp nhiều áp lực' Chia sẻ sau trận thắng SLNA với tỷ số 3-0 tối 8/4, cầu thủ Đỗ Văn Thuận của CLB TP.HCM cho biết HLV Alexandre Polking đã giúp các ngoại binh chơi thăng hoa.

Nam Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngoai-binh-clb-tphcm-ghi-ban-nho-ke-khich-tuong-cua-hlv-polking-post1202818.html