Ngõ xưa

Sáng nay đi giữa phố đông mà đầu cứ mơ màng nghĩ về quê nội. Từ ngày bố mẹ khuất núi, bận bịu giữa thị thành, thành thử những lần tạt ghé thăm quê thưa thớt cứ lờ mờ nhận thấy có gì đó xa xăm lắm... Hóa ra, hôm nay mới hiểu, đó là sự thay đổi của Ngõ xóm, Đường làng.

Tuổi thơ tôi và các em gắn liền với con ngõ đó. Từ nhà đi ra, bụi hóp sát nhà chen chúc cùng những đoạn tường đất đã mòn đổ với những hõm nhẵn thín dấu chân của anh em tôi mỗi bẫn trèo lên chơi gốc nhãn. Bụi hóp còi cọc là vương quốc của ong muỗi. Nơi tôi thử nghiệm sự dũng cảm ngu dốt của mình mỗi lần bầy ong xây tổ đẻ con. Thỉnh thoảng từ đám hóp già, mọc lên một đọt măng thẳng tắp, chúng tôi hồi hộp theo dõi đọt măng trưởng thành với hy vọng về một chiếc cần câu tôm đẹp. Nhưng hy vọng ấy chẳng bao giờ thành hiện thực.

Vẫn là phía bên phải, những đoạn tường đất nứt nẻ và cùn mòn được tiếp nối bằng vài bụi duối... thiên đường của lũ chim chào mào. Những chùm duối chín vàng ươm, mọng nước vô cùng hấp dẫn mỗi trưa về. Tuy nhiên, duối cũng là lãnh địa của những chú rắn ráo vàng khè gớm ghiếc. Quả duối ngon và mọng, nhưng dở một cái là rất hay bị kim châm, gió và nước mưa hay làm cho đám duối mọng nhanh chóng biến thành phế phẩm chỉ vì có một vết trầy nẫu nho nhỏ đâu đó. Người lớn thường dặn: Quả duối bị kim châm, là do rắn mút đêm, đừng ăn vì có độc. Chả biết làm như vậy, để bọn chúng tôi tránh xa nơi nguy hiểm... hay đơn giản chỉ là vì người lớn, cũng được người lớn hơn dặn vậy lúc họ còn trẻ con thôi.

Hết hàng duối là hết lãnh địa ngõ riêng của nhà tôi. Mốc giới là cây lá đơn khẳng khiu mà bà nội tôi thỉnh thoảng hái lá về sắc nước uống. Đối diện bên kia, ngay sát cái đống rạ là hai hàng dâm bụt ngăn cách nhà chú Nguyên với cái ngõ riêng nhà ông Thụ.

Qua khỏi ngõ riêng, cây lá đơn là cột mốc chấm dứt sự lè tè và yếu ớt của hóp và duối, đó là thế giới của rừng già: Bụi bương thần thánh.

Chả biết từ bao giờ bụi bương này được trồng. Nhưng khi tôi biết mặc quần đùi xanh chéo khâu bằng một mớ vải vụn thì nó đã bành trướng trùm bóng lá cả một vùng rộng lớn. Tốc độ phát triển của bụi tre vượt xa khả năng nghịch ngợm của bọn trẻ chúng tôi. Mỗi mùa mưa đến, những chồi măng nhọn hoắt mọc lên, không đủ thời gian dể đào do ông Phưởng luôn canh gác chặt, chúng tôi chỉ hè nhau bẻ sát gốc những đọt măng này. Nghịch chơi vậy, chứ măng đó đắng và nhạt, vả lại cái thời đó, người ta thèm tóp mỡ hay nước mắm không pha bằng muối, ai thèm rau, thèm cỏ, thèm organic như bây giờ. Cũng nhờ vào sự phá hoại của chúng tôi, mà bụi tre không bành trướng hết ra ngoài ngõ. Bài học đầu tiên về Sustainable chính từ bụi tre này. Dưới gốc tre, bất kể trời nắng hay mưa, cúng tôi đều có thể đánh khăng chơi đáo bắn bi, thậm trí chơi trò đào hầm chông rất trẻ con nữa.

Thế rồi trận bão tháng 9 năm 1985. Bụi tre bị bật gốc, ngã nghiêng về phía vườn trong. Nhà chú Nguyên dọn đi Lâm Đồng, bóng mát của tre không còn phủ trùm lên ngõ nữa.

Bây giờ, thì không duối, không hóp, không tre. Bờ ao cỏ gà cỏ mật đã được thay bằng những chân kè gạch. Con ngõ thênh thang xưa giờ nhỏ lại. Bức bối trong hai dãy tường cắm mảnh chai. Ngõ nhỏ, tuổi thơ xa, và lòng người chật lại...

Hà Nội 18/5/2016

Lại Trọng Tình

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/doi-thoai/ngo-xua-131164.html