Tổng thống Nga Putin nuôi ý tưởng thành lập liên minh quân sự với Trung Quốc?

Trong những năm gần đây, Moscow đã cố gắng tận dụng quan hệ hợp tác với Bắc Kinh để khiến phương Tây lo sợ trước viễn cảnh liên minh Nga-Trung hình thành, với mục đích buộc họ phải đưa ra chính sách mềm mỏng đối với mình.

“…chúng tôi sẽ không loại trừ khả năng đó”

Trong cuộc họp tại Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai diễn ra vài tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Tổng thống Nga Putin đã đưa ra một bình luận rất bất ngờ. Khi được hỏi liệu có khả năng hình thành liên minh quân sự giữa Nga và Trung Quốc hay không, ông Putin đáp: “Có thể hình dung ra bất cứ điều gì. Chúng tôi vẫn chưa đặt ra mục tiêu này nhưng về nguyên tắc chúng tôi sẽ không loại trừ khả năng đó”.

Putin và Tập Cận Bình bắt tay trong một lễ ký kết sau đàm phán hồi tháng 7/2017 tại Điện Kremlin. Ảnh: Reuters.

Putin và Tập Cận Bình bắt tay trong một lễ ký kết sau đàm phán hồi tháng 7/2017 tại Điện Kremlin. Ảnh: Reuters.

Trong nhiều năm qua, ông Putin và các quan chức cấp cao của Nga luôn cho biết, việc xây dựng liên minh với Trung Quốc không nằm trong chương trình nghị sự của chính phủ bởi, Moscow và Bắc Kinh đều nhận thức rõ những lợi ích của họ thường không trùng khớp. Chẳng hạn như Trung Quốc luôn xem bán đảo Crimea là một phần của Ukraine còn Nga không công nhận các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông và đứng ngoài vấn đề tranh chấp lãnh thổ của Bắc Kinh. Không bên nào muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột lớn liên quan đến lợi ích của đối tác.

Theo giới phân tích, lời giải thích hợp lý cho câu trả lời của ông Putin về khả năng hình thành một liên minh quân sự với Trung Quốc có thể không nằm ở quan hệ giữa hai nước mà do những vấn đề nảy sinh giữa Nga với phương Tây.

Kể từ khi thực hiện chính sách xoay trục sang phương Đông sau những căng thẳng với Mỹ và Liên minh châu Âu vào năm 2014, Nga đã thực hiện nhiều bước đi quan trọng để củng cố quan hệ đối với với Trung Quốc, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực kinh tế và an ninh.

Các dự án lớn của Nga chẳng hạn như xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Power of Siberia” cùng nhiều dự án năng lượng khác đã giúp tăng gần gấp đôi kim ngạch trao đổi thương mại song phương giữa hai nước trong chưa đầy một thập kỷ, từ 10% năm 2013 lên đến gần 18% trong năm 2019. Hợp tác quân sự cũng đạt tới một cấp độ mới. Nga đã bán nhiều khí tài quân sự tối tân cho Trung Quốc, chẳng hạn như chiến đấu cơ Su-35 và hệ thống phòng không S-400. Hai bên tổ chức các cuộc tập trận chung với quy mô ngày càng lớn và ngày càng mở rộng về khu vực địa lý, từ Baltic đến Biển Đông.

Đối với Nga, Trung Quốc ngày càng trở thành một đối tác quan trọng rất khó thay thế trong bối cảnh nước này đang phải chịu các biện pháp trừng phạt từ phương Tây. Còn Trung Quốc có thể dễ dàng tìm kiếm những đối tác khác ngoài Nga vì hầu hết những gì Moscow cung cấp, họ đều có thể mua được ở nơi khác. Hơn nữa, vai trò của vũ khí Nga có thể suy giảm khi lĩnh vực quốc phòng của Trung Quốc đạt được nhiều bước tiến lớn.

Chưa hết, các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu cũng đang khiến Nga dần phụ thuộc vào Trung Quốc về các công nghệ chủ chốt như hệ thống 5G. Mặc dù các mặt hàng công nghệ của châu Âu (như thương hiệu Ericsson, Nokia) và của Trung Quốc (như thương hiệu Huawei và ZTE) đều có sẵn trên thị trường Nga, nhưng trước khả năng Mỹ và phương Tây xem xét các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow, sản phẩm của Trung Quốc có thể chiếm ưu thế hơn.

Rào cản trong việc hình thành liên minh Nga-Trung

Tuy vậy, sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc vẫn ở mức độ hạn chế. Còn nhớ khi cuộc khủng hoảng Ukraine diễn ra vào năm 2014, Nga đã ra đòn trả đũa EU – đối tác chính của nước này, dù Moscow phụ thuộc khá nhiều vào thị trường, công nghệ và tài chính của châu Âu. Thời gian tới Nga vẫn có thể bảo vệ lợi ích của mình một cách quyết liệt trong trường hợp xảy ra tranh chấp với Trung Quốc. Xét đến thực tế là, Trung Quốc chỉ chiếm chưa đến 20% kim ngạch thương mại của Nga và khoản nợ của Nga với các tổ chức tài chính của Bắc Kinh không đáng kể, thì đánh giá nói trên dường như rất hợp lý.

Nhưng nếu mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và Liên minh châu Âu tiếp tục xấu đi trong 10 đến 15 năm tới, vai trò của Trung Quốc với tư cách là một đối tác thương mại và nguồn cung cấp công nghệ sẽ lớn hơn, lúc đó Bắc Kinh có thể sử dụng nhiều biện pháp để gây sức ép đối với Nga. Nếu như vào năm 2014, Điện Kremlin có thể tìm đến Trung Quốc như một đối tác thay thế phương Tây thì đến giữa những năm 2030, Moscow sẽ khó tìm kiếm được một đối tác nào để thay thế Bắc Kinh.

Ngoài ra, Moscow cũng không thể lờ đi thực tế là trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã quen với việc sử dụng các vũ khí về kinh tế như trừng phạt, cấm vận và thuế quan để gây sức ép đối với quốc gia khác, như những gì đã được chứng minh qua cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Australia (dù Australia được xem như một ví dụ thành công của việc cộng sinh với nền kinh tế Trung Quốc).

Điện Kremlin chắc chắn không quên những gì đã xảy ra vào năm 2011, khi Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc buộc các tập đoàn dầu khí khổng lồ Rosneft và Transneft của Nga phải nhượng bộ bằng cách gây sức ép thông qua các món nợ khổng lồ của hai công ty này tại các ngân hàng của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc có thể gây sức ép thành công với Nga vào năm 2011 thì sẽ không có gì đảm bảo họ không làm như vậy vào năm 2036.

Trong những năm gần đây, Moscow đã cố gắng tận dụng quan hệ hợp tác với Bắc Kinh để khiến phương Tây lo sợ trước viễn cảnh liên minh Trung-Nga hình thành, với mục đích buộc họ phải đưa ra chính sách mềm mỏng đối với mình. Cách tiếp cận này đang bắt đầu phát huy hiệu quả. Cuộc phỏng vấn của Economist với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào năm 2019 cho thấy, các nước châu Âu, trong đó có Pháp và Đức đã tỏ ra lo ngại sâu sắc về quan hệ của Nga với Trung Quốc. Nhưng EU nói chung và các quốc gia châu Âu nói riêng đều không thể hạn chế sự hợp tác giữa Moscow và Bắc Kinh nếu không họ không hợp lực với Mỹ.

Đánh giá của Mỹ đối với trục liên kết Nga – Trung qua các thời kỳ rất khác nhau. Dưới thời Tổng thống Obama, nhiều quan chức cấp cao cho rằng họ không cần phải lo lắng nhiều vì quan hệ hợp tác này thiếu sự chân thành, hai bên chưa thật sự tin tưởng lẫn nhau và ở Nga luôn có sự lo ngại về việc Trung Quốc mở rộng hiện diện tại khu vực Viễn Đông. Chính quyền Tổng thống Trump đã nhìn nhận thách thức đó một cách nghiêm túc hơn và tìm mọi cách ngăn chặn khả năng hình thành liên minh Nga-Trung, thế nhưng các nỗ lực của họ chỉ khiến Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn.

Việc tìm kiếm phản ứng tương xứng với mối liên kết ngày càng chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không phải là ưu tiên hàng đầu của nhóm phụ trách chính sách đối ngoại của ông Biden, nhưng vấn đề chắc chắc sẽ được đội ngũ an ninh quốc gia bàn luận.

Đã đến lúc Washington phải hành động?

Tổng thống đắc cử Joe Biden coi Trung Quốc là “đối thủ nặng ký” với Mỹ trong cuộc chiến giành vị trí lãnh đạo toàn cầu, còn Nga là “đối thủ” nhưng cũng là “nước đối đầu mạnh mẽ nhất” trong số các cường quốc, vì vậy Washington không thể lờ đi quan hệ gắn kết giữa Bắc Kinh và Moscow. Trong mọi trường hợp, vấn đề sẽ nằm trong tầm ngắm của Nhà Trắng vì chính quyền mới có kế hoạch ưu tiên khôi phục các mối quan hệ đồng minh, mà các đồng minh của họ như Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng tỏ ra lo ngại về quan hệ Nga-Trung.

Nhiệm vụ quan trọng của chính quyền ông Biden là phải xác định rõ ràng điều gì trong quan hệ hợp tác giữa Nga và Trung Quốc khiến Mỹ và đồng minh lo lắng, những khía cạnh nào mà phương Tây có thể gây ảnh hưởng và các biện pháp có thể sử dụng để đạt được mục đích của họ.

Nga biết rõ rằng mối quan tâm chính của Mỹ là sự hợp tác quân sự giữa Moscow và Bắc Kinh, đặc biệt là việc Nga sử dụng công nghệ và áp dụng kinh nghiệm của nước này trong các cuộc tập trận chung thời gian gần đây để giúp Trung Quốc tăng cường năng lực quân đội.

Nga và Trung quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự chung, chẳng hạn như cuộc tuần tra bằng máy bay ném bom chiến lược tại Đông Bắc Á vào năm 2019. Bước tiếp theo, hai bên có thể hình thành một quan hệ đối tác an ninh sâu rộng hơn, ngày càng giống với một liên minh quân sự. Như vậy, có thể thấy rằng những bình luận mà Tổng thống Putin đưa ra tại Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai không phải là điều ngẫu nhiên.

Vấn đề chính của Mỹ và các đồng minh châu Âu là vạch ra một chiến lược thực tế để ngăn chặn khả năng hình thành liên minh quân sự Nga-Trung Quốc, tính đến các lệnh trừng phạt bất di bất dịch của phương Tây, các lợi ích chính của phương Tây và các lằn ranh đỏ của Moscow. Đối với Điện Kremlin, thách thức chính là không khiến phương Tây lo ngại quá nhiều về quan hệ hợp tác giữa nước này với Trung Quốc, một mặt thay đổi chính sách để ổn định quan hệ với Mỹ và châu Âu, mặt khác duy trì quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Moscow Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tong-thong-nga-putin-nuoi-y-tuong-thanh-lap-lien-minh-quan-su-voi-trung-quoc-825098.vov