Ngô Sách Tuân, Lê Quý Đôn và những người đương thời

Năm 1696, Ngô Sách Tuân được cử làm Phó chủ khảo ở trường thi Thanh Hóa. Trước khi đi Thanh Hóa, Sách Tuân được Tham tụng Lê Hy gửi gắm nhờ giúp đỡ con trai. Quan Tham chính là Phan Tự Cường lại phát giác và tâu lên Chúa Trịnh.

Triều đình khép Ngô Sách Tuân vào tội giảo (phải thắt cổ mà chết). Ngô Hải (quan Chánh chủ khảo) bị bãi chức, các quan giám khảo và phúc khảo đều bị phạt, còn người tố cáo là Phan Tự Cường được thăng chức Thiêm đô ngự sử.

Đời vua Lê Hiển Tông, Bảng nhãn Lê Quý Đôn (1726-1784), là Tri binh phiên trong phủ Chúa, cai quản toàn bộ vấn đề quân sự của cả nước, đã ép học trò là Đinh Thì Trung (quê Đông Sơn, Thanh Hóa) đổi bài thi cho con là Lê Quý Kiệt trong kỳ thi Hội năm 1775. Nhờ đó, Quý Kiệt đỗ Thủ khoa.

Đinh Thì Trung bị kết phải tội lưu đi Yên Quảng, Quý Kiệt bị tống giam ở ngục Cửa Đông rồi bắt phải trở về làm dân. Lê Quý Đôn là bậc đại thần nên không bị xét tội. Nhưng cho đến nay, sử sách vẫn còn lưu tiếng xấu.

Đó là chuyện xưa, còn nay thì sao?

Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Sơn La Nguyễn Duy Hoàng: “Tôi mất hết danh dự, uy tín rồi!”. Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh cho rằng: “Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao?”. Còn nhiều cán bộ có con được nâng điểm đều nêu lý lẽ, không ai có đủ dũng khí để nhận gian lận thi cử.

Cha ông xử phạt rất nghiêm, những vị quan liên quan đến gian lận thi cử đều bị khép tội, thí sinh gian lận thi cử dù con quan lớn cũng bị xử. Thời nay có làm được như cha ông ngày xưa không?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, không chấp nhận những cán bộ, viên chức với nhân cách như thế được tiếp tục đứng trong hàng ngũ của ngành. Đó là đối với những người trong ngành giáo dục có con gian lận thi cử, còn những người ngoài ngành giáo dục thì sao, chẳng lẽ xử đuổi việc người trong ngành giáo dục nhưng không xử người ngành khác?

Cử tri Đà Nẵng đề nghị cách chức tất cả các chức vụ về Đảng và chính quyền đối với những người tham gia chạy điểm trong kỳ thi. Những đảng viên nào vi phạm nặng hơn thì rà soát, sàng lọc và đưa ra khỏi Đảng.

Đề nghị quá đúng, thậm chí, ngay cả quan to nhất tỉnh có con gian lận thi cử cũng xử thẳng tay. Đừng để như Lê Quý Đôn, vì là đại thần nên không xử tội để người đời sau chê cười, phán xét.

LÊ THANH PHONG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ngo-sach-tuan-le-quy-don-va-nhung-nguoi-duong-thoi-729652.ldo