Ngộ nhận về... người chuyển giới

Người chuyển giới nữ là người phải có mái tóc dài, đẹp, yểu điệu, phải qua phẫu thuật, mặc đồ nữ...

Ba người chuyển giới nữ (từ trái sang) chia sẻ tại buổi tọa đàm - Ảnh: Như Lịch

Những định kiến và ngộ nhận phổ biến về người chuyển giới được đề cập trong tọa đàm diễn ra tối 2.11 tại TP.HCM, do Trung tâm nâng cao chất lượng cuộc sống (LIFE) phối hợp với Quỹ sáng kiến địa phương Canada tổ chức.

“Bức xúc nhưng không thể vẫy vùng”

Lucy Võ, người đoạt danh hiệu “Hoa hậu cuộc thi Rainbow 2018” trong cộng đồng người chuyển giới, bày tỏ: “Rất nhiều người quan niệm người chuyển giới nữ là người phải có mái tóc dài, đẹp, yểu điệu, phải qua phẫu thuật, mặc đồ nữ… Thực ra, người chuyển giới có nhiều dạng: đã phẫu thuật, chưa phẫu thuật”.

Lucy Võ nói thêm: “Mình rất buồn khi nhiều người khác cho rằng người chuyển giới vô dụng và kém cỏi. Trong cộng đồng chúng tôi cũng có những người giỏi, có tài năng, ví dụ Hương Giang Idol. Chúng tôi có thể làm được điều mà những bạn bình thường làm được”.

“Hoa hậu chuyển giới cuộc thi Aloboy 2018” Lý Dư Phương Linh kể về kỷ niệm đắng của cô trong dịp Halloween vừa rồi. Lúc đó, Linh đang biểu diễn ở một bar thì có một người đàn ông chỉ thẳng vào mặt Linh bảo: “Con trai đó!”. Còn người vợ của ông ta đến bóp ngực Linh với thái độ đùa cợt.

“Mình rất bức xúc nhưng không thể nào lên tiếng được, vì mình đang làm công cho người khác. Mình chỉ biết cười lại với họ cho câu chuyện này trôi đi. Với lại, Linh nghĩ mình đừng để người khác làm ảnh hưởng đến cuộc đời của mình, đừng nên buồn bã với những hành động vô ý thức của họ. Điều quan trọng, mình sống vui là được!”, Linh trải lòng.

Là người chuyển giới, Adriana Trang (còn gọi là Trang Toàn, cử nhân luật) đã có hơn 5 năm gắn bó với nhiều thành viên trong cộng đồng của mình thông qua hoạt động tư vấn về sức khỏe, tình dục. Adriana Trang nhận xét những bạn càng “come out” sớm - thể hiện rõ mình là người chuyển giới ngay từ lúc còn trẻ - thì càng nhận rất nhiều áp lực từ gia đình, trường học. Các bạn ấy thường không được học hành đến nơi đến chốn, nên khó có cơ hội việc làm. Họ phải mưu sinh bằng cách hát lô tô, hát đám ma, phục vụ bar, quán nhậu…

Adriana Trang cho hay điều chị trăn trở nhất chính là giấy tờ của những người chuyển giới. Đặc biệt, những bạn đã thay đổi hình dạng, có tóc dài như con gái nhưng khi đi khám bệnh hoặc đi máy bay, xuất trình chứng minh nhân dân thì lại là con trai, dẫn đến những khó khăn về thủ tục hành chính. Từ rào cản pháp lý này dẫn đến nhiều trở ngại khác trong tiếp cận bảo hiểm y tế, việc làm, bị hạn chế những quyền cơ bản của con người.

“Khi tiếp xúc với người chuyển giới, nhiều nhân viên y tế, cán bộ hành chính tỏ ra hoàn toàn bất ngờ, bỡ ngỡ. Những người này có thể không kỳ thị chúng tôi nhưng do họ không hiểu về người chuyển giới, họ thấy vấn đề này mới và lạ quá nên lúng túng không biết giải quyết ra sao. Vì vậy, chúng tôi mong dự thảo luật Chuyển đổi giới tính sớm được trình ra Quốc hội và được thông qua, nhằm tháo gỡ những rào cản mà cộng đồng người chuyển giới hằng ngày phải đối mặt”, Adriana Trang tâm tư.

Chuyển giới thật và… giả

Để phổ biến kiến thức và tránh những ngộ nhận, định kiến đáng tiếc về người chuyển giới, Trung tâm LIFE dành nhiều câu hỏi trắc nghiệm cho cả những người trong cộng đồng LGBT (đồng tính nữ/nam, chuyển giới và song tính).

Người dẫn chương trình nêu câu hỏi: Tất cả những người chuyển giới nữ đều phải trải qua phẫu thuật, đúng hay sai? Hầu hết những người có mặt đều chung đáp án “sai”. Một bạn trẻ giải thích: “Người chuyển giới không phải ai cũng có điều kiện về sức khỏe, kinh tế để theo đuổi quá trình chuyển đổi giới tính thông qua phẫu thuật”.

Với câu hỏi: Chỉ cần tách người chuyển giới nữ ra khỏi môi trường có những đối tượng giống họ và đưa đến bác sĩ tâm lý để điều trị thì có thể giúp họ trở thành giới tính sinh dục của mình, đúng hay sai?, có nhiều ý kiến trái chiều.

Anh chàng tên Thuận lý giải: “Theo tôi, có hai loại chuyển giới (nữ): chuyển giới thật và chuyển giới giả. Người chuyển giới giả là khi tách họ ra khỏi môi trường, họ quan hệ với một cô gái nào đó và tự động chuyển thành người nam”.

Bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ, người có nhiều kinh nghiệm trong việc hỗ trợ người chuyển giới, cho biết có những trường hợp là nam nhưng thích ăn mặc như nữ, thậm chí có những xu hướng khoái mang đầu tóc giả mới hưng phấn để quan hệ tình dục. Và đó chỉ là sở thích, nhu cầu chứ không dính dáng đến chuyển giới.

Dẫn định nghĩa liên quan, bác sĩ Thủ chia sẻ: Người chuyển giới là người có bản dạng giới, giới tính mong muốn của họ, giới tính sâu thẳm bên trong khác với giới tính lúc sinh. Nó không cần thiết phải thể hiện ra bên ngoài, cũng không cần thiết phải can thiệp cơ thể. Có những người hài lòng với cơ thể nam giới của họ nhưng thỉnh thoảng họ ăn mặc và thể hiện như con gái. Cũng có những người chỉ thể hiện trong suy nghĩ, tư duy, trong cách thức mà họ nhìn nhận về cuộc sống...

“Người chuyển giới trong xã hội rất đa dạng. Việc họ thể hiện ra bên ngoài hay không tùy thuộc vào mức độ họ có được chấp nhận hay không, tùy thuộc điều kiện của họ cho phép hay không”, bác sĩ Thủ đúc kết.

Như Lịch

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/gioi-tre/ngo-nhan-ve-nguoi-chuyen-gioi-1020120.html