Ngỡ ngàng với Văn miếu Trấn biên

Cảm nhận đầu tiên của tôi khi bước chân vào khu Văn miếu Trấn biên là một phong cảnh hữu tình, nơi tĩnh lặng mát lành giữa một đô thị công nghiệp ồn ào như TP Biên Hòa với hơn 1 triệu dân. Nhưng vẫn có chút chạnh lòng…

Trước khi đến thăm khu Văn miếu Trấn biên, chúng tôi đã vào khu du lịch do Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Bửu Long quản lý khai thác. Khuôn viên xanh mát với không gian bao la của hồ Long Ẩn trong khu du lịch tạo cho chúng tôi ấn tượng về cảnh quan môi trường.

Khu Văn miếu được xây dựng khép kín trong khuôn viên 5ha (nằm trong quần thể du lịch Bửu Long khoảng 30ha), trong đó có 2ha xây dựng các công trình chính như: Văn miếu môn, Bái đường, Nhà bia, Khuê Văn các, Đại Thành môn, Thiên Quang tỉnh, Nhà bia Khổng Tử… Ngoài ra, còn có các hạng mục nhà truyền thống, thư khố, văn vật khố, hội trường và các công trình cảnh quan cây xanh khác, tạo thành một quần thể tĩnh lặng, nghiêm trang.

Nhìn toàn cảnh bên ngoài như một “khu vườn xưa” rộng lớn, nhưng vào bên trong mới thấy ẩn chứa sâu thẳm linh hồn của một vùng đất phương Nam mà cha ông chúng ta đã đi mở cõi hơn 300 năm trước. Từ những hạng mục phụ họa cho đến khu đền thờ chính, nơi đây không chỉ khắc họa giai đoạn lịch sử của vùng đất Trấn biên, mà còn hội tụ tinh hoa văn hóa của đất nước, dân tộc. Nơi đây không chỉ là một công trình văn hóa - lịch sử của TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), mà còn mang tầm cỡ vùng Đông Nam bộ và cả quốc gia.

Tuy vậy, càng vào sâu trong khu Văn miếu, tôi có cảm giác như nhà vắng chủ. Giám đốc đi vắng, anh phó giám đốc trẻ trung đưa chúng tôi đi một vòng trong khu Văn miếu và cho biết nơi đây được trùng tu đã gần 20 năm, nhưng “vẫn thế”! Tôi hiểu chữ “vẫn thế” của anh bạn trẻ, nơi đây chỉ làm khu tưởng niệm, bảo tồn giữ gìn là chính, thay vì kinh doanh du lịch, nên tôi hỏi về số lượng khách và anh lắc đầu trả lời: “Không nhiều lắm”.

Có chút luyến tiếc cho một công trình văn hóa tầm cỡ như vậy lại chưa được khai thác hết tiềm năng, đặc biệt tiềm năng về du lịch, dù nơi đây chỉ cách Sài Gòn và thủ phủ tỉnh Bình Dương khoảng non 30 cây số, cách phố biển Vũng Tàu chỉ hơn vài giờ chạy xe.

Nên chăng, ngoài khuôn viên chính Văn miếu Trấn biên, nên làm những khu nhà vườn xưa, nơi dừng chân, tạm trú cho lữ khách, bằng chất liệu công trình thô sơ nhưng phản ánh được nét văn hóa sinh hoạt của cư dân xưa; đồng thời cần đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa - nghệ thuật tầm khu vực và quốc gia để nhiều người biết đến khu Văn miếu này.

PHẠM THÁI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ngo-ngang-voi-van-mieu-tran-bien-594710.html