Ngỡ ngàng với nông dân Củ Chi trồng rau an toàn có đến 4 chiếc ôtô

Nhiều hộ sản xuất rau quả ở TP HCM không cần hỗ trợ vốn mà cần hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm sạch với giá cả hợp lý, cũng như được giới thiệu về công nghệ, thiết bị tiên tiến, khoa học kỹ thuật để ứng dụng trong sản xuất.

Trong hai ngày 26 và 27-9, đoàn giám sát do Hội Nông dân TP HCM chủ trì kết hợp cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Ban Quản lý an toàn thực phẩm, Sở NN-PTNT, Cục QLTT, Sở Tài nguyên - Môi trường đã kiểm tra tại các hộ nông dân ở huyện Củ Chi và quận Bình Tân.

Theo đó, đoàn giám sát việc sản xuất - kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp, thủy sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội Nông dân TP HCM, thăm hỏi nông dân trồng rau tại Củ Chi

Bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội Nông dân TP HCM, thăm hỏi nông dân trồng rau tại Củ Chi

Nông dân mua vật tư nông nghiệp chỉ ghi sổ chứ không có chứng từ

Ở Củ Chi, hộ ông Phạm Chí Tâm (ấp Bình Hạ Đông, xã Thái Mỹ) trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Theo ông Tâm, gia đình có diện tích canh tác lên đến 5 ha, trồng bí đao, mướp, khổ qua..., mỗi ngày thu hoạch cả tấn.

Sau khi tìm hiểu về phương thức canh tác, tiêu thụ, đoàn giám sát hỏi chủ nhà có cần hỗ trợ vốn không thì ông Tâm trả lời "không cần". Mọi người lúc này mới chú ý bên hông ngôi nhà khang trang rộng hàng trăm mét vuông của ông có đến 4 chiếc ôtô, cho thấy chủ nhân có của ăn của để như thế nào.

Nông dân Phạm Chí Tâm có đến 4 chiếc ôtô

Ông Tâm bày tỏ nguyện vọng được nhà nước hỗ trợ giới thiệu các thiết bị, công nghệ tiên tiến để giúp công việc canh tác thuận lợi hơn. Theo ông Tâm, cần có nơi thu mua sản phẩm vì canh tác rau quả sạch nhưng chủ yếu tiêu thụ ở chợ đầu mối và thông qua HTX nên giá cả bấp bênh.

Ông Phạm Chí Tâm với nguyện vọng được giới thiệu thiết bị, công nghệ tiên tiến trong canh tác nông nghiệp

Tại HTX Thủy sản Tương Lai (xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi), bà Nguyễn Thị Ánh Lan, Giám đốc HTX, cho biết sản xuất thủy sản sạch nhưng lại không có thị trường, thương lái đến mua với giá như hàng thông thường. Do đó, HTX rất cần có trung tâm thu mua sản phẩm với giá cả hợp lý để giúp đơn vị phát triển tốt hơn. Ngoài ra, bà Lan còn kiến nghị được giới thiệu địa chỉ cung cấp thiết bị chế biến cá khô cũng như thiết bị sấy phù hợp và thiết bị bảo quản lạnh.

Bà Nguyễn Thị Ánh Lan đang cần hỗ trợ thiết bị, công nghệ chế biến thủy sản

Tin - ảnh: Nguyễn Hải

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/ngo-ngang-voi-nong-dan-cu-chi-trong-rau-an-toan-co-den-4-chiec-oto-20190926154701548.htm